Tư vấn miễn phí | Email: contact@ngheketoan.edu.vn

Những điểm cần lưu ý khi đánh giá phân tích tài chính


1. Về tiền và các khoản tương đương tiền:

Sự biến động của tiền và các khoản tương đương tiền ( tiền mặt tại quĩ, tiền gửi ngân hàng, tiền đang chuyển, các khoản đầu tư ngắn hạn có thời hạn thu hồi dưới 3 tháng) ảnh hưởng đến khả năng ứng phó của doanh nghiệp với các khoản nợ đến hạn. Tiền và tương đương tiền thay đổi phụ thuộc vào chính sách kinh doanh của doanh nghiệp, phụ thuộc vào năng lực tài chính của khách hàng, phụ thuộc vào khả năng chi trả, chính sách đầu tư, sử dụng vốn của doanh nghiệp...

Đồng thời căn cứ vào nhu cầu thực tế về tiền của doanh nghiệp trong từng giai đoạn để nhận xét. Khoản mục này có thể tăng (hoặc giảm) không phải do ứ đọng (hay thiếu tiền) mà có thể do doanh nghiệp đang có kế hoạch tập trung tiền để chuẩn bị đầu tư mua sắm vật tư, tài sản... hay do doanh nghiệp vừa đầu tư vào một số lĩnh vực kinh doanh...

2. Về đầu tư tài chính:

Đầu tư tài chính là một hoạt động quan trọng của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường nhằm phát huy hết mọi tiềm năng sẵn có cũng như những lợi thế của doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả kinh doanh, khẳng định vị thế của mình. Đầu tư tài chính trong doanh nghiệp bao gồm nhiều loại, trong đó chủ yếu là các hoạt động đầu tư  vốn vào đơn vị khác (đầu tư vào công ty con, đầu tư vào công ty liên kết, đầu tư liên doanh...) và đầu tư chứng khoán kinh doanh, đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn như: gửi tiền có kỳ hạn, cho vay.... Khi xem xét khoản đầu tư này, cần liên hệ với chính sách đầu tư của doanh nghiệp cũng như môi trường đầu tư trong từng thời kỳ; bởi vì, không phải doanh nghiệp nào cũng có điều kiện đầu tư tài chính. Hơn nữa, môi trường đầu tư cũng ảnh hưởng nhiều đến tỷ trọng của khoản đầu tư này. Một doanh nghiệp ở trong một môi trường mà thị trường chứng khoán chưa phát triển thì chắc chắn khoản đầu tư tài chính chưa thể cao được. Một điều có thể khẳng định rằng, trong điều kiện hội nhập của nền kinh tế, đầu tư tài chính chính là cơ hội cần thiết để giúp doanh nghiệp sử dụng số vốn dôi thừa có hiệu quả; đồng thời, tạo cho doanh nghiệp có nhiều cơ hội để nắm bắt, học hỏi được kinh nghiệm và kiến thức quản lý kinh tế tiên tiến, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như có điều kiện để ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

3. Về các khoản phải thu:

Các khoản phải thu của doanh nghiệp có nhiều loại, trong đó chủ yếu là các khoản phải thu người mua và tiền đặt trước cho người bán. Đây là số vốn (tài sản) của doanh nghiệp nhưng bị người mua và người bán chiếm dụng. Sự biến động của các khỏan phải thu phụ thuộc nhiều nguyên nhân khác nhau như chính sách kinh doanh của từng doanh nghiệp trong từng thời kỳ, năng lực tài chính của khách hàng...Tuy nhiên, khi xem xét nội dung này cần liên hệ với phương thức tiêu thụ (bán buôn, bán lẻ), với chính sách tín dụng bán hàng (tín dụng ngắn hạn, tín dụng dài hạn), với chính sách thanh toán tiền hàng (chiết khấu thanh toán), với khả năng quản lý nợ cũng như năng lực tài chính của khách hàng... để nhận xét. Chẳng hạn, số nợ phải thu tăng hoặc giảm không phải do yếu kém của doanh nghiệp trong việc quản lý nợ mà có thể do phương thức tiêu thụ áp dụng tại doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp áp dụng phương thức bán lẻ là chủ yếu thì số nợ phải thu sẽ thấp do hàng bán ra được thu tiền ngay; ngược lại, với doanh nghiệp áp dụng phương thức bán buôn là chủ yếu thì tỷ trọng nợ phải thu sẽ cao do đặc trưng của phương thức tiêu thụ này là thanh toán chậm. Hoặc với chính sách tín dụng bán hàng khác nhau, trong thời kỳ doanh nghiệp áp dụng chính sách tín dụng bán hàng dài hạn, số nợ phải thu chắc chắn sẽ lớn hơn số nợ phải thu trong thời kỳ áp dụng chính sách tín dụng bán hàng ngắn hạn. Do chính sách tín dụng bán hàng có quan hệ chặt chẽ với lượng hàng hóa tiêu thụ và được coi như một biện pháp để kích thích tiêu thụ nên khi xem xét số nợ phải thu phát sinh, nhà phân tích cần liên hệ với lượng hàng hóa tiêu thụ để đánh giá. Việc áp dụng chính sách chiết khấu thanh toán cũng có quan hệ trực tiếp với số nợ phải thu. Bởi vậy, để thu hồi vốn được kịp thời, tránh bị chiếm dụng vốn, doanh nghiệp cần xây dựng và vận dụng chính sách chiết khấu thanh toán hợp lý, linh hoạt.

Trường hợp do khả năng quản lý khách hàng kém, khoản nợ phải thu sẽ tăng do phát sinh các khoản "nợ xấu" trong kỳ (nợ khó đòi, nợ quá hạn), để giảm bớt rủi ro có thể xẩy ra, doanh nghiệp cần có các biện pháp thích hợp như: bán các khoản nợ cho công ty mua bán nợ, ngừng cung cấp hàng hóa cho các khách hàng này hay nhờ sự can thiệp của pháp luật để thu hồi nợ. Đồng thời, để tránh tình trạng nợ khê đọng tăng thêm, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ càng về năng lực tài chính của khách hàng và tình hình thanh toán của khách hàng trước khi đặt quan hệ làm ăn.

4. Về hàng tồn kho:

Để bảo đảm cho quá trình kinh doanh được tiến hành liên tục, không bị gián đoạn, đòi hỏi doanh nghiệp phải xác định được lượng hàng tồn kho dự trữ hợp lý. Lượng hàng tồn kho dự trữ hợp lý là lượng dự trữ vừa đáp ứng được nhu cầu kinh doanh liên tục, vừa không gia tăng chi phí tồn kho gây ứ đọng vốn. Lượng dự trữ hợp lý phụ thuộc vào nhiều nhân tố, trong đó chủ yếu vào qui mô sản xuất, tiêu thụ (lượng vật tư tiêu dùng hay hàng hóa tiêu thụ bình quân một ngày đêm), vào mức độ chuyên môn hóa, vào hệ thống cung cấp, vào tình hình tài chính của doanh nghiệp và vào các nguyên nhân khác (tính thời vụ; vào định mức tiêu hao vật tư; vào thuộc tính tự nhiên của vật tư, hàng hóa; vào việc bảo đảm các phương tiện vận chuyển cũng như khả năng cung cấp của người bán). Khi xem xét tỷ trọng hàng tồn kho chiếm trong tổng số tài sản, cần liên hệ với ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp, với chính sách dự trữ, với tính thời vụ của kinh doanh và với chu kỳ sống của sản phẩm, hàng hóa. Chẳng hạn, trong các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, tỷ trọng hàng tồn kho thường lớn do đối tượng kinh doanh của các doanh nghiệp này là hàng hóa; ngược lại, trong các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ (khách sạn, giải trí...), tỷ trọng hàng tồn kho thường chiếm tỷ trọng thấp. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mang tính thời vụ, vào những thời điểm nhất định trong năm, tỷ trọng hàng tồn kho thường rất cao do yêu cầu dự trữ thời vụ; ngược lại, vào những thời điểm khác, lượng hàng tồn kho lại quá thấp. Tương tự, khi sản phẩm, hàng hóa đang ở giai đoạn tăng trưởng, lượng dự trữ hàng tồn kho thường cao để đáp ứng nhu cầu chiếm lĩnh thị trường; còn khi sản phẩm, hàng hóa ở vào giai đoạn suy thoái, để tránh rủi ro, lượng hàng tồn kho thường được giảm xuống ở mức thấp nhất.

Một doanh nghiệp có hệ thống cung cấp tốt sẽ giảm được lượng hàng tồn kho mà không ảnh hưởng đến tính liên tục của quá trình kinh doanh. Hệ thống cung cấp được xem là tiên tiến hiện nay đang được áp dụng là hệ thống cung cấp kịp thời (Just in time). Theo hệ thống này, mọi nhu cầu về vật tư, hàng hóa phục vụ cho sản xuất, kinh doanh trong kỳ đều được doanh nghiệp lập kế hoạch và ký hợp đồng với các nhà cung cấp hết sức chi tiết. Vì thế, doanh nghiệp không cần phải dự trữ hàng tồn kho, khi sử dụng đến đâu, các nhà cung cấp sẽ phục vụ tới đó. Nhờ vậy, doanh nghiệp không những tiết kiệm được vốn trong khâu dự trữ mà còn tiết kiệm được các chi phí liên quan đến kho tàng bảo quản, bảo vệ, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nói riêng và hiệu quả kinh doanh nói chung. Như vậy sự biến động của hàng tồn kho sẽ phụ thuộc vào quy mô sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc thù ngành nghề kinh doanh, chính sách kinh doanh, đặc thù nguyên vật liệu phục vụ sản xuất...

5. Về tài sản cố định:

Tỷ trọng tài sản cố định chiếm trong tổng số tài sản trước hết phụ thuộc vào ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh. Sau nữa, tỷ trọng này còn phụ thuộc chính sách đầu tư, vào chu kỳ kinh doanh và vào phương pháp khấu hao mà doanh nghiệp áp dụng. Đối với các doanh nghiệp có chính sách đầu tư mới (cả chiều sâu và chiều rộng), trong giai đoạn mới đầu tư, tỷ trọng này thường cao do lượng vốn đầu tư lớn và mức khấu hao chưa nhiều. Mặt khác, tỷ trọng của tài sản cố định chiếm trong tổng số tài sản được xác định bằng giá trị còn lại của tài sản cố định nên phương pháp khấu hao mà doanh nghiệp vận dụng cũng có ảnh hưởng đáng kể do mỗi phương pháp khấu hao khác nhau thì có mức khấu hao khác nhau.

Do vậy, khi xem xét tỷ trọng của tài sản cố định chiếm trong tổng số tài sản, bên cạnh với việc liên hệ với ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp, nhà phân tích cần liên hệ với tình hình đầu tư, với chu kỳ kinh doanh và phương pháp khấu hao để rút ra nhận xét thích hợp. Đồng thời, cần đi sâu xem xét tỷ trọng của từng bộ phận tài sản cố định (tài sản cố định hữu hình, tài sản cố định thuê tài chính, tài sản cố định vô hình) chiếm trong tổng số tài sản; qua đó, đánh giá chính xác hơn tình hình đầu tư và cơ cấu tài sản cố định của doanh nghiệp. Đặc biệt, cần chú trọng đến một số bộ phận tài sản cố định vô hình như: nhãn hiệu hàng hóa, quyền phát hành, bản quyền, bằng sáng chế... vì trong nền kinh tế thị trường, giá trị các bộ phận này thường có xu hướng gia tăng.

Tỷ trọng của tài sản cố định chiếm trong tổng số tài sản chính là chỉ tiêu “Tỷ suất đầu tư” (hay “Hệ số đầu tư”), phản ánh giá trị còn lại của tài sản cố định chiếm trong tổng số tài sản là bao nhiêu. Trị số của chỉ tiêu này phụ thuộc vào từng ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh cụ thể. Chẳng hạn, ngành công nghiệp thăm dò và khai thác dầu khí: 90%, ngành luyện kim: 70%, ngành công nghiệp thực phẩm: 10%...

6. Về bất động sản đầu tư:

Bất động sản đầu tư trong các doanh nghiệp bao gồm quyền sử dụng đất (do doanh nghiệp bỏ tiền ra mua lại); nhà hoặc một phần của nhà hoặc cả nhà và đất; cơ sở hạ tầng do người chủ sở hữu hoặc người đi thuê tài sản theo hợp đồng thuê tài chính nắm giữ. Các tài sản này được ghi nhận là bất động sản đầu tư khi doanh nghiệp nắm giữ để cho thuê hoặc chờ tăng giá mà không phải để bán trong kỳ hoạt động kinh doanh thông thường hay sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Khi xem xét tỷ trọng của bất động sản đầu tư chiếm trong tổng số tài sản, cần liên hệ với các chính sách và chủ trương về kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp cũng như hiệu quả kinh doanh lĩnh vực này để đánh giá.

7. Về tài sản dở dang dài hạn:

Tài sản dở dang dài hạn bao gồm giá trị chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn và chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn tại thời điểm báo cáo. Thông qua chỉ tiêu này cho thấy số vốn bị ứ đọng  liên quan đến sản xuất và xây dựng cơ bản của doanh nghiệp

 Xem thêm:

Ý nghĩa phân tích khả năng tạo tiền và tình hình lưu chuyển tiền tệ

Đánh giá các Trung Tâm Kế Toán Uy Tín tại Hà Nội



Gửi thông tin tư vấn

Họ tên(*)
Số điện thoại(*)
Email(*)
Địa chỉ
Yêu cầu tư vấn