Tư vấn miễn phí | Email: contact@ngheketoan.edu.vn

Phân tích tình hình huy động và sử dụng vốn của Doanh nghiệp


Mục đích phân tích

Phân tích tình hình huy động vốn của doanh nghiệp để thấy được doanh nghiệp đã huy động vốn từ những nguồn nào? Quy mô nguồn vốn huy động được đã tăng hay giảm? Cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp tự chủ hay phụ thuộc, thay đổi theo chiều hướng nào? Xác định các trọng điểm cần chú ý trong chính sách huy động vốn của doanh nghiệp nhằm đạt được mục tiêu chủ yếu trong chính sách huy động vốn ở mỗi thời kỳ.

Phân tích tình hình sử dụng vốn là để đánh giá đánh giá quy mô vốn của doanh nghiệp, mức độ đầu tư của doanh nghiệp cho hoạt động kinh doanh nói chung cũng như từng lĩnh vực hoạt động, từng loại tài sản nói riêng. Thông qua quy mô và sự biến động của tổng vốn cũng như từng loại tài sản ta sẽ thấy sự biến động về mức độ đầu tư, quy mô kinh doanh, năng lực kinh doanh, khả năng tài chính của doanh nghiệp, cũng như việc sử dụng vốn của doanh nghiệp như thế nào. Thông qua cơ cấu phân bổ vốn của doanh nghiệp ta thấy được chính sách đầu tư đã và đang thực hiện của doanh nghiệp, sự biến động về cơ cấu vốn cho thấy sự thay đổi trong chính sách đầu tư của doanh nghiệp.

Nôi dung phân tích:

- Phân tích tình hình huy động vốn thực chất là phân tích quy mô, sự biến động và cơ cấu nguồn vốn;

- Phân tích tình hình sử dụng vốn thực chất là phân tích quy mô, sự biến động và cơ cấu tài sản.

Phân tích tình hình huy động vốn

- Để tiến hành hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp cần phải xác định nhu cầu đầu tư, tiến hành tạo lập, tìm kiếm, tổ chức và huy động vốn. Doanh nghiệp có thể huy động vốn cho nhu cầu kinh doanh từ nhiều nguồn khác nhau; trong đó, có thể qui về hai nguồn chính là vốn chủ sở hữu và nợ phải trả.;

- Vốn chủ sở hữu là số vốn của các chủ sở hữu, các nhà đầu tư đóng góp ban đầu và bổ sung thêm trong quá trình kinh doanh (vốn đầu tư của chủ sở hữu). Ngoài ra, thuộc vốn chủ sở hữu còn bao gồm một số khoản khác phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh như: chênh lệch tỷ giá hối đoái, chênh lệch đánh giá lại tài sản, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, các quĩ doanh nghiệp... Vốn chủ sở hữu không phải là các khoản nợ nên doanh nghiệp không phải cam kết thanh toán;

- Khác với vốn chủ sở hữu, nợ phải trả phản ánh số vốn mà doanh nghiệp đi chiếm dụng trong quá trình hoạt động kinh doanh; do vậy, doanh nghiệp phải cam kết thanh toán và có trách nhiệm thanh toán. Thuộc nợ phải trả cũng bao gồm nhiều loại khác nhau, được phân theo nhiều cách khác nhau; trong đó, phân theo thời hạn thanh toán và đối tượng nợ được áp dụng phổ biến. Theo cách này, toàn bộ nợ phải trả của doanh nghiệp được chia thành nợ phải trả ngắn hạn (là các khoản nợ mà doanh nghiệp có trách nhiệm phải thanh toán trong vòng một năm hay một chu kỳ kinh doanh) và nợ phải trả dài hạn (là các khoản nợ mà doanh nghiệp có trách nhiệm phải thanh toán ngoài một năm hay một chu kỳ kinh doanh);

- Doanh nghiệp có trách nhiệm xác định số vốn cần huy động, nguồn huy động, thời gian huy động, chi phí huy động... sao cho vừa bảo đảm đáp ứng nhu cầu về vốn cho kinh doanh, vừa tiết kiệm chi phí huy động, tiết kiệm chi phí sử dụng vốn và bảo đảm an ninh tài chính cho doanh nghiệp;

- Phân tích tình hình nguồn vốn nhằm mục đích đánh giá chính sách huy động vốn của doanh nghiệp, doanh nghiệp huy động vốn từ những nguồn nào? Việc huy động vốn đó có đáp ứng đủ nhu cầu về vốn cho quá trình sản xuất kinh doanh hay không? Doanh nghiệp độc lập hay phụ thuộc về mặt tài chính đối với bên ngoài...

- Phân tích tình hình nguồn vốn thực chất là phân tích quy mô, sự biến động và cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp;

Khi phân tích tình hình nguồn vốn người ta thường sử dụng thông qua 2 nhóm chỉ tiêu sau:

+ Các chỉ tiêu phản ánh quy mô, sự biến động của nguồn vốn: Thuộc nhóm chỉ tiêu này là các chỉ tiêu phần nguồn vốn trên bảng cân đối kế toán, cụ thể bao gồm: Tổng nguồn vốn và từng loại nguồn vốn trên bảng cân đối kế toán;

+ Các chỉ tiêu phản ánh cơ cấu nguồn vốn Thuộc nhóm chỉ tiêu này là chỉ tiêu tỷ trọng từng bộ phận nguồn vốn

Tỷ trọng của từng bộ phận nguồn vốn chiếm trong tổng số nguồn vốn

=

Giá trị của từng bộ phận nguồn vốn

x 100

Tổng giá trị nguồn vốn

 

- Phân tích quy mô, sự biến động của nguồn vốn: Việc phân tích được tiến hành thông qua so sánh tổng nguồn vốn, từng loại nguồn vốn trên bảng cân đối kế toán giữa kỳ phân tích với kỳ gốc (cuối kỳ với đầu kỳ hoặc cuối kỳ này với cuối các kỳ trước) cả số tuyệt đối và số tương đối. Qua đó thấy được quy mô nguồn vốn và sự biến động về quy mô nguồn vốn huy động của doanh nghiệp trong kỳ, thấy được doanh nghiệp huy động vốn từ những nguồn nào, việc huy động vốn đó có đáp ứng đủ nhu cầu về vốn cho quá trình sản xuất kinh doanh hay không?

- Phân tích cơ cấu nguồn vốn: Việc phân tích được tiến hành thông qua xác định tỷ trọng từng bộ phận nguồn vốn và so sánh tỷ trọng từng loại nguồn vốn giữa kỳ phân tích với kỳ gốc (cuối kỳ với đầu kỳ hoặc cuối kỳ này với cuối các kỳ trước). Qua đó thấy được cơ cấu nguồn vốn huy động và sự biến động về cơ cấu nguồn vốn huy động, mức độ độc lập hay phụ thuộc về mặt tài chính của doanh nghiệp đối với bên ngoài. Chính sách tài chính của doanh nghiệp trong kỳ như thế nào và sự mạo hiểm về tài chính của doanh nghiệp thông qua chính sách đó;

- Trong điều kiện cho phép, có thể xem xét và so sánh sự biến động về tỷ trọng của từng bộ phận nguồn vốn chiếm trong tổng số nguồn vốn của doanh nghiệp qua nhiều năm và so với cơ cấu chung của ngành để đánh giá;

 Xem thêm bài viết:

Phân tích tình hình lưu chuyển tiền tệ

 Danh mục đơn vị kiểm toán



Gửi thông tin tư vấn

Họ tên(*)
Số điện thoại(*)
Email(*)
Địa chỉ
Yêu cầu tư vấn