Trong quá trình hội nhập và mở cửa, để phát triển kinh tế, ODA đã trở thành nguồn vốn quan trọng đối với Việt Nam. Trong giai đoạn
1993 - 2020, nguồn vốn ODA đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
và xóa đói giảm nghèo, từng bước đưa Việt Nam gia nhập câu lạc bộ các
quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp.
Theo Viện chiến lược và chính sách tài chính, tính chung cả giai đoạn 1993-2020, cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế
đã cam kết cung cấp nguồn vốn ODA cho Việt Nam lên đến 78,2 tỷ USD (trong đó:
các khoản viện trợ không hoàn lại là 11,647 tỷ USD, chiếm 14,9% tổng số vốn;
các khoản vay ưu đãi với 66,553 tỷ USD, chiếm 85,1% tổng vốn cam kết).
Để quán trị hiệu quả tài chính từ nguồn vốn ODA, công tác kế toán, đặc biệt
quản trị thuế đối với Dự án ODA đã trở thành một công việc quan trọng được đặt
ra trong các Chủ chương trình, dự án hoặc nhà thầu chính, tổ chức do phía nhà tài trợ
nước ngoài chỉ định việc quản lý chương trình, dự án ODA tại Việt Nam.
Với mong muốn chia sẻ một số vấn đề nghiên cứu sâu về các vần thuế GTGT đối
với Dự án ODA, NGHỀ KẾ TOÁN xin chia sẻ bài viết nhỏ này. Qua đó mong muốn làm
rõ các chủ đề:
- Việc kê khai, tính thuế
GTGT đầu ra của Dự án ODA không hoàn lại cần thực hiện như thế nào?
- Đối với thuế GTGT đầu vào của Dự
án ODA không hoàn lại có được hoàn thuế GTGT?
- Phạm vi, thủ tục chi tiết trường
hợp hoàn thuế GTGT đối với dự án ODA không hoàn lại?
1. Dự án ODA là
gì
Theo wikipedia, Hỗ trợ Phát triển Chính thức (hay ODA, viết
tắt của cụm từ Official Development Assistance), là một hình
thức đầu tư nước ngoài. Gọi là Hỗ trợ bởi vì các
khoản đầu tư này thường là các khoản cho vay không lãi suất hoặc lãi
suất thấp với thời gian vay dài. Đôi khi còn gọi là viện trợ. Gọi là Phát
triển vì mục tiêu danh nghĩa của các khoản đầu tư này là phát
triển kinh tế và nâng cao phúc lợi ở nước được đầu tư. Gọi
là Chính thức, vì nó thường là cho Nhà nước vay.
Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu thế giới lĩnh
vực tài trợ thông qua ODA cho các nước đang phát triển, như Việt Nam.
2. CĂN CỨ PHÁP LÝ
GTGT ĐỐI VỚI DỰ ÁN ODA KHÔNG HOÀN LẠI
Căn cứ pháp luật
cũ
Căn cứ Luật Thuế giá trị gia tăng số
13/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Thuế giá trị gia tăng số 31/2013/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Luật Quản lý thuế số
78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 và Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm
2012;
Căn cứ
Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định
chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng;
Căn cứ Thông tư
219/2013/TT-BTC, hướng
dẫn thi hành về thuế giá trị gia tăng
Căn cứ pháp luật cập nhật
Căn cứ Luật Quản lý thuế ngày 13
tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 126/2020/NĐ-CP
ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều
của Luật Quản lý thuế;
Thông tư 80/2021/TT-BTC hướng dẫn
thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày
19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ
- Thông tư 181/2013/TT-BTC do Bộ Tài
chính ban hành ngày 03/12/2013
hướng dẫn thực hiện chính sách thuế và ưu đãi thuế đối
với các chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)
và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ
- Thông tư 30/2016/TT-BTC ngày 12/08/2016
của Bộ Tài chính hướng
dẫn thực hiện Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính
phủ
- Công văn 275/CTHN-TTHT của Cục thuế
Hà nội ngày 05/01/2021 về việc
hoàn thuế GTGT dự án ODA không hoàn lại
- Công văn 266/TCT-KK 2022 của Tổng
Cục thuế ngày 24/01/2022 về việc hoàn thuế giá trị gia
tăng dự án ODA
- Công văn 39953/CT-TTHT
2019 hoàn thuế GTGT dự án sử dụng vốn ODA
1. Đối với kê khai, tính thuế GTGT đầu ra của Dự án ODA
không hoàn lại
Căn cứ Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC, Chủ chương trình, dự
án hoặc nhà thầu chính, tổ chức do phía nhà tài trợ nước ngoài chỉ
định việc quản lý chương trình, dự án ODA, khi nhận
các khoản tiền hỗ trợ để thực hiện mục tiêu của Dự án ODA không hoàn lại =>
không phải tính kê khai nộp thuế GTGT, hay không phải lập hoá đơn GTGT, cụ thể
như sau:
“Điều 5. Các
trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT
1. Tổ chức, cá nhân
nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi
thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ
quan Nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng
quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.
Cơ sở kinh doanh khi nhận khoản
tiền thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng
quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì lập chứng từ thu theo quy
định. Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền, căn cứ mục đích chi để lập chứng từ
chi tiền”
Như vậy, Chủ chương trình, dự án hoặc nhà thầu
chính, tổ chức do phía nhà tài trợ nước ngoài chỉ
định việc quản lý chương trình, dự án ODA KHÔNG phải nộp lập hoá đơn GTGT đầu
ra, không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT đầu ra
Vậy thuế GTGT đầu vào có được HOÀN KHÔNG?
2. Đối với thuế GTGT đầu vào của Dự án ODA không hoàn lại
có được hoàn không?
Căn cứ quy định về “các trường hợp được hoàn thuế GTGT” - tại Điều 13 Luật
thuế GTGT, sau nhiều lần sửa đổi bổ sung cập nhật tại Khoản 7 Điều 1 được hướng dẫn bởi Điều 10 Nghị định số
209/2013/NĐ-CP, khoản 6 Điều 17
Thông tư 219/2013/TT-BTC, khoản 6 Điều 1 Thông tư 30/2016/TT-BTC cụ thể như
sau:
Điều 13.
Các trường hợp hoàn thuế - Luật thuế GTGT
Điều 10
Nghị định số 209/2013/NĐ-CP
Điều 17. Hoàn thuế GTGT - Thông tư 219/2013/TT-BTC
Điều 1 Thông tư 30/2016/TT-BTC - Sửa đổi, bổ sung
một số điều của Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số
209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014, Thông
tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 và Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính) như sau:
…..
6. Hoàn thuế GTGT
đối với các chương trình,
dự án
sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại hoặc viện trợ
không hoàn lại, viện
trợ nhân đạo.
a) Đối với dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại: chủ chương trình, dự án hoặc nhà thầu chính, tổ chức do phía nhà tài trợ nước ngoài chỉ định việc quản
lý chương trình, dự án được hoàn lại số thuế GTGT đã trả đối với hàng hoá, dịch vụ mua ở Việt
Nam để sử dụng cho chương trình, dự án.
b) Tổ chức ở Việt Nam
sử dụng tiền viện trợ nhân
đạo của tổ chức, cá
nhân nước ngoài để mua hàng hoá, dịch vụ phục vụ
cho chương trình, dự án viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo tại Việt Nam
thì được hoàn thuế GTGT đã trả của hàng hoá, dịch vụ đó.
Ví dụ: Hội chữ thập
đỏ được Tổ chức quốc tế viện trợ tiền để mua hàng viện trợ nhân đạo cho nhân dân các tỉnh bị thiên tai là 200 triệu đồng. Giá trị hàng mua chưa có thuế là 200 triệu đồng, thuế
GTGT là 20 triệu đồng.
Hội chữ thập đỏ sẽ được hoàn
thuế theo quy định là 20
triệu đồng.
Việc hoàn thuế GTGT đã trả đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn
hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại thực hiện theo
hướng dẫn của Bộ Tài
chính.
Như vậy, căn cứ
quy định trên, Chủ chương trình, dự án hoặc nhà thầu chính, tổ chức do phía
nhà tài trợ nước ngoài chỉ định việc quản lý chương trình, dự
án ODA được HOÀN THUẾ GTGT ĐẦU VÀO của hàng hoá, dịch vụ đã mua
tại Việt Nam để phục vụ cho chương trình, dự án.
3. HƯỚNG DẪN CHI TIẾT VỀ HOÀN THUẾ GTGT ĐỐI VỚI DỰ ÁN ODA
KHÔNG HOÀN LẠI
3.1 PHẠM VI HOÀN
THUẾ GTGT
- Căn cứ Khoản 2 Điều
5 Thông tư 181/2013/TT-BTC
2. Thuế GTGT đối
với hàng hóa, dịch vụ mua tại Việt Nam.
a) Chủ dự án ODA viện trợ không hoàn lại được hoàn lại số thuế GTGT đã trả
khi mua hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam nếu hợp đồng ký với nhà thầu chính được phê duyệt bao
gồm thuế GTGT và Chủ dự án không được Ngân sách Nhà nước cấp vốn để trả thuế GTGT. Việc hoàn thuế GTGT được thực hiện theo hướng dẫn tại
Điều 8 Thông tư này. Trường hợp dự án được ngân sách nhà nước bố trí vốn đối ứng để trả thuế
GTGT thì Chủ dự án không được hoàn thuế GTGT đầu vào đã trả đối với hàng hóa,
dịch vụ mua tại Việt Nam không phân biệt hợp đồng ký với nhà thầu chính được
phê duyệt bao gồm thuế GTGT hay không bao gồm thuế GTGT.
Ví dụ 1: Chủ dự
án ODA viện trợ không hoàn lại A đã được cấp có thẩm quyền duyệt ký hợp đồng
thầu xây dựng công trình Bệnh viện Nhi với giá thầu chưa có thuế GTGT là 4 tỷ
đồng và thuế GTGT là 400 triệu đồng (thuế suất 10%), tổng trị giá bao gồm cả thuế GTGT
là 4,4 tỷ đồng. Ngoài ra, Chủ dự án nói trên được phê duyệt để ký hợp đồng thầu
mua hàng hóa, dịch vụ khác với giá thầu chưa có thuế GTGT là 100 triệu đồng và thuế GTGT là 10
triệu đồng, tổng giá trị bao gồm cả thuế GTGT là 110 triệu đồng.
- Trường hợp 1: Chủ dự án không được ngân sách nhà
nước bố trí vốn đối ứng để thanh toán thuế GTGT:
Chủ dự án ODA nói
trên được hoàn thuế GTGT đầu vào đã trả cho hợp đồng xây dựng công trình và các hợp
đồng mua hàng hóa, dịch vụ trong nước là 410 (400+10) triệu đồng.
- Trường hợp 2: Chủ dự án được ngân sách nhà nước bố
trí vốn đối ứng để
thanh toán thuế GTGT:
Chủ dự án ODA nói
trên không được hoàn thuế GTGT đầu vào đã trả cho hợp đồng xây dựng công trình
và các hợp đồng mua hàng hóa, dịch vụ trong nước; kể cả trong trường hợp hợp đồng ký với nhà
thầu chính với giá không bao gồm thuế GTGT.
b) Trường hợp nhà
tài trợ thành lập văn phòng đại diện của nhà tài trợ tại Việt Nam và trực tiếp
mua hàng hóa, dịch vụ để thực hiện dự án ODA viện trợ không hoàn lại hoặc giao
cho Chủ dự án ODA thực hiện dự án ODA viện trợ không hoàn lại thì nhà tài trợ
được hoàn lại số thuế GTGT đã trả. Việc hoàn thuế GTGT được thực hiện theo
hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư này.
Vậy, Chủ dự án ODA
cần lưu ý từng trường hợp trên để xác định đúng phạm vị được hoàn thuế GTGT
3.2 THỦ TỤC HOÀN
THUẾ GTGT
Căn cứ Điều 8 Thông tư 181/2013/TT-BTC
Điều 8. Thủ tục,
hồ sơ hoàn thuế
GTGT đối với Chủ dự án ODA viện trợ không hoàn lại,
đại diện nhà tài trợ và nhà thầu chính thuộc diện được hoàn thuế GTGT
1. Thủ tục đăng ký thuế và cấp mã số thuế của Chủ dự
án ODA, nhà tài trợ,
nhà thầu chính thực hiện theo hướng dẫn tại Luật Quản lý thuế và các văn bản
hướng dẫn thi hành.
2. Hồ sơ hoàn thuế GTGT, thời hạn kê khai thuế GTGT
đầu vào, tổ chức tiếp nhận hồ sơ và thực hiện hoàn thuế GTGT thực hiện theo
hướng dẫn tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tại hồ sơ hoàn
thuế GTGT gửi cho cơ quan thuế, nhà thầu chính phải ghi rõ tên dự án ODA, tên
Chủ dự án ODA và địa chỉ liên lạc của Chủ dự án ODA theo đường bưu điện.
3. Khi ban hành Quyết định hoàn thuế GTGT, thủ tục
luân chuyển chứng từ được thực hiện theo hướng dẫn tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn
thi hành.
4. Trường hợp Chủ dự án được ngân sách cấp phát từ nguồn vốn đối ứng để
nộp thuế GTGT nhưng Chủ dự án làm thủ tục hoàn thuế GTGT thì khi được hoàn thuế
GTGT, Chủ dự án phải nộp trả ngân sách nhà nước số thuế GTGT đã được hoàn theo quy
định.
Trong quá trình
xem xét hồ sơ hoàn thuế GTGT đối với các dự án ODA nếu phát hiện nghi vấn cần phải
kiểm tra trước hoặc sau hoàn thuế thì cơ quan thuế thực hiện theo các quy định
của Luật Thuế GTGT, Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Căn cứ Tiết c - Điều 28 Thông tư
số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn về hoàn
thuế GTGT trường hợp hoàn thuế chương trình, dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát
triển chính thức (ODA) không hoàn lại:
c) Trường hợp Hoàn thuế chương trình, dự án sử dụng vốn
hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại:
c.1) Trường hợp vốn ODA không hoàn lại do chủ chương
trình, dự án trực tiếp quản lý, thực hiện:
c.1.1) Bản sao Điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận vốn ODA
không hoàn lại hoặc văn bản trao đổi về việc cam kết và tiếp nhận vốn ODA không
hoàn lại; bản sao Quyết định phê duyệt Văn kiện dự án, phi dự án hoặc Quyết
định đầu tư chương trình và Văn kiện dự án hoặc Báo cáo nghiên cứu khả thi được
phê duyệt theo quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 80 Nghị định số
56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ.
c.1.2) Giấy đề nghị xác nhận chi phí hợp lệ vốn sự nghiệp
đối với chi sự nghiệp và giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư đối với chi đầu tư
của chủ dự án theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 80 Nghị định số
56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ và điểm a khoản 10 Điều 10 Nghị định
số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 của Chính phủ.
c.1.3) Bảng kê hoá đơn, chứng từ hàng hoá dịch vụ mua vào
theo mẫu số 01-1/HT ban
hành kèm theo phụ lục I Thông tư này.
c.1.4) Bản sao văn bản xác nhận của cơ quan chủ quản
chương trình, dự án ODA cho chủ chương trình, dự án về hình thức cung cấp
chương trình, dự án ODA là ODA không hoàn lại thuộc đối tượng được hoàn thuế
giá trị gia tăng và việc không được ngân sách nhà nước cấp vốn đối ứng để trả
thuế giá trị gia tăng.
c.1.5) Trường hợp chủ chương trình, dự án giao một phần
hoặc toàn bộ chương trình, dự án cho đơn vị, tổ chức khác quản lý, thực hiện
theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn ODA không hoàn lại nhưng
nội dung này chưa được nêu trong các tài liệu quy định tại điểm c.1.1, c.1.4
khoản này thì ngoài các tài liệu theo điểm c.1.1, c.1.2, c.1.3, c.1.4 khoản
này, còn phải có thêm bản sao văn bản về
việc giao quản lý, thực
hiện chương trình, dự án ODA không hoàn lại của chủ chương trình, dự án cho đơn
vị, tổ chức đề nghị hoàn thuế.
c.1.6) Trường hợp nhà thầu chính lập hồ sơ hoàn thuế thì
ngoài các tài liệu quy định tại điểm c.1.1, c.1.2, c.1.3, c.1.4 khoản này, còn
phải có bản sao hợp đồng ký kết giữa chủ dự
án với nhà thầu chính thể hiện giá thanh toán theo kết quả thầu không bao gồm
thuế giá trị gia tăng.
Người nộp thuế chỉ phải
nộp các giấy tờ quy định tại điểm c.1.1, c.1.4, c.1.5, c.1.6 khoản này đối với
hồ sơ đề nghị hoàn thuế lần đầu hoặc khi có thay đổi, bổ sung.
c.2) Trường hợp vốn ODA không hoàn lại do nhà tài trợ
trực tiếp quản lý, thực hiện:
c.2.1) Các giấy tờ theo quy định tại điểm c.1.1, c.1.3
khoản này;
c.2.2) Trường hợp Nhà
tài trợ chỉ định Văn phòng đại diện của nhà tài trợ hoặc tổ chức quản lý, thực hiện chương trình, dự án (trừ
trường hợp quy định tại điểm c.2.3 khoản này) nhưng nội dung này chưa được nêu
trong các tài liệu quy định tại điểm c.1.1 khoản này thì phải có thêm các tài
liệu sau:
c.2.2.1) Bản sao văn
bản về việc giao quản lý, thực hiện chương trình, dự án ODA không hoàn lại của nhà tài trợ cho Văn phòng
đại diện của nhà tài trợ hoặc tổ chức do nhà tài trợ chỉ định;
c.2.2.2) Bản sao văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc thành lập Văn phòng đại diện của nhà tài trợ, tổ chức do nhà
tài trợ chỉ định.
c.2.3) Trường hợp nhà thầu chính lập hồ sơ hoàn thuế thì
ngoài những tài liệu quy định tại điểm c.2.1 khoản này, còn phải có bản sao hợp
đồng ký kết giữa nhà tài trợ với nhà thầu chính hoặc bản tóm tắt hợp đồng có
xác nhận của nhà tài trợ về hợp đồng ký kết giữa nhà tài trợ với nhà thầu chính
bao gồm các thông tin: số hợp đồng, ngày ký kết hợp đồng, thời hạn hợp đồng,
phạm vi công việc, giá trị hợp đồng, phương thức thanh toán, giá thanh toán
theo kết quả thầu không bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Người nộp thuế chỉ phải nộp các giấy tờ quy định tại điểm c.1.1, c.2.2, c.2.3 khoản
này đối với hồ sơ đề nghị hoàn thuế lần đầu hoặc khi có thay đổi, bổ sung.
Trên đây là một số chia sẻ của NGHỀ
KẾ TOÁN về công tác thuế GTGT
đối với Dự án ODA không hoàn lại tại Việt Nam. Mong
rằng nguồn lực vốn ODA sẽ phát huy mạnh mẽ vai trò là nguồn lực tài chính quan
trọng để phát triển kinh tế, phúc lợi quốc gia, cần bằng với các mục tiêu chính
trị, xã hội để đưa Việt nam phát triển
bền vững, vì một Việt Nam dân chủ, công bằng, văn minh, “sánh vai cùng các bè
bạn năm châu”…