Hiện nay, quan hệ giao thương giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới phát triển mạnh mẽ. Việc các Doanh nghiệp Việt nam phát sinh các khoản chi trả cho các chuyên gia cá nhân nước ngoài ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, việc kê khai, tính và nộp thuế Thu nhập cá nhân đối với cá nhân nước ngoài không cư trú hiện nay vẫn là một vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp không khỏi băn khoăn, trăn trở.
NGHỀ KẾ TOÁN xin có bài viết chia sẻ về các căn cứ pháp lý để các chủ doanh nghiệp, các bạn kế toán có thêm tài liệu tham khảo, giúp xử lý kịp thời, đúng đắn các tình huống trên.
Các căn cứ pháp lý
-Thứ nhất, Căn cứ Luật thuế TNCN số 04/2007/QH12 ngày 21/11/2007 của Quốc hội (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật số 26/2012/QH13 ngày 22/11/2012 và Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014):
+ Tại Điều 2 quy định đối tượng nộp thuế:
“7. Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.
- Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
- a) Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;
- b) Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.
- Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.”
+ Tại Điều 3 Luật thuế TNCN quy định thu nhập chịu thuế:
Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân gồm các loại thu nhập sau đây, trừ thu nhập được miễn thuế quy định tại Điều 4 của Luật này:
“…2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công, bao gồm:
- a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công;
…”
– Thứ haiCăn cứ Điều 2 Thông tư 119/2014/TT-BTC ngày 25/08/2014 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung các khổ 1, 2, 3, 4 Điều 1 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân như sau:
“Điều 1. Người nộp thuế
Người nộp thuế là cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân, Điều 2 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân (sau đây gọi tắt là Nghị định số 65/2013/NĐ-CP), có thu nhập chịu thuế theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân và Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP
Phạm vi xác định thu nhập chịu thuế của người nộp thuế như sau:
Đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập;
…Đối với cá nhân không cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập”
– Thứ ba, Căn cứ Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân:
+ Tại khoản 2 Điều 2 quy định các khoản thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công:
“2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công .
Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:
- a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.
… đ) Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người hộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức:
…
đ.4) Phần khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, trang phục,… cao hơn mức quy định hiện hành của Nhà nước. Mức khoán chi không tính vào thu nhập chịu thuế đối với một số trường hợp.
…
đ.7) Các khoản lợi ích khác.”
+ Tại khoản 2 Điều 8 quy định về xác định thu nhập chịu thuế từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công:
“…
- Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công
- a) Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công được xác định bằng tổng số tiền lương, tiền công, tiền thù lao, các khoản thu nhập khác có tính chất tiền lương, tiền công mà người nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 2 Thông tư này.
- b) Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế.
Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người nộp thuế.
Riêng thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm có tích lũy theo hướng dẫn tại điểm đ.2, khoản 2, Điều 2 Thông tư này là thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm, công ty quản lý quỹ hưu trí tự nguyện trả tiền bảo hiểm.
…”
+ Tại Điều 18 quy định căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú:
“1. Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được xác định bằng thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công nhân (x) với thuế suất 20%.
- Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được xác định như đối với thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 8 Thông tư này.
…”
+ Tại Điều 25 quy định khấu trừ thuế và chứng từ khấu trừ thuế
“1. Khấu trừ thuế
Khấu trừ thuế là việc tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện tính trừ số thuế phải nộp vào thu nhập của người nộp thuế trước khi trả thu nhập, cụ thể như sau:
- a) Thu nhập của cá nhân không cư trú
Tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập chịu thuế cho cá nhân không cư trú có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân trước khi trả thu nhập, số thuế phải khấu trừ được xác định theo hướng dẫn tại Chương III (từ Điều 17 đến Điều 23) Thông tư này.
…”
– Thứ tư, Căn cứ Khoản 1 Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế GTGT, hướng dẫn nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT như sau:
“Điều 14. Nguyên tắc khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào
- Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ, kể cả thuế GTGT đầu vào không được bồi thường của hàng hóa chịu thuế GTGT bị tổn thất.
…”
– Thứ năm, Căn cứ Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
“Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
- Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
- c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng, tiền mặt
Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
…”
Kết luận
Căn cứ các quy định trên, thế nào là cá nhân không cư trú được quy định tại Khoản 3 Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân. Thu nhập chịu thuế TNCN tại Việt Nam đối với cá nhân không cư trú là các khoản thu nhập phát sinh tại Việt Nam không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/08/2014 của Bộ Tài chính.
Trường hợp các cá nhân không cư trú nhận được khoản lợi ích về nhà ở và các lợi ích khác bằng tiền hoặc không bằng tiền do Doanh nghiệp chi trả thì khoản lợi ích này được xác định là thu nhập từ tiền lương, tiền công chịu thuế TNCN tại Việt Nam theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính. Doanh nghiệp có trách nhiệm khấu trừ thuế TNCN theo thuế suất 20% trước khi chi trả thu nhập cho cá nhân theo hướng dẫn tại Điều 18 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính.
Nếu việc thuê chuyên gia nước ngoài sang làm việc tại Doanh nghiệp (Việt Nam) để phục vụ cho hoạt động của Doanh nghiệp thì khoản chi phí mà Doanh nghiệp chi trả cho các chuyên gia này được được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính và được khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.
Trên đây là một số chia sẻ của NGHỀ KẾ TOÁN về các căn cứ pháp lý liên quan đến việc kê khai, tính và nộp thuế TNCN khi các Doanh nghiệp thuê chuyên gia cá nhân nước ngoài không cư trú làm việc tại Doanh nghiệp, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Kính chúc các Doanh nghiệp kinh doanh thịnh vượng, phát triển bền vững. Chúc các bạn làm công tác tài chính kế toán ngày càng có thu nhập cao và được chủ doanh nghiệp ngày càng trọng dụng!