I/ Phân biệt “tự kinh doanh chứng khoán” với các nghiệp vụ “kinh doanh chứng khoán khác”
Kinh doanh chứng khoán là gì
Khoản 28 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 quy định:
Kinh doanh chứng khoán là việc thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và cung cấp dịch vụ về chứng khoán theo quy định tại Điều 86 của Luật này.
Trong đó:
+ Môi giới chứng khoán là việc làm trung gian thực hiện mua, bán chứng khoán cho khách hàng.
+ Tự doanh chứng khoán là việc công ty chứng khoán mua, bán chứng khoán cho chính mình.
+ Bảo lãnh phát hành chứng khoán là việc cam kết với tổ chức phát hành nhận mua một phần hoặc toàn bộ chứng khoán của tổ chức phát hành để bán lại hoặc mua số chứng khoán còn lại chưa được phân phối hết hoặc cố gắng tối đa để phân phối số chứng khoán cần phát hành của tổ chức phát hành.
+ Tư vấn đầu tư chứng khoán là việc cung cấp cho khách hàng kết quả phân tích, báo cáo phân tích và đưa ra khuyến nghị liên quan đến việc mua, bán, nắm giữ chứng khoán.
Tự kinh doanh chứng khoán
– Tự kinh doanh chứng khoán là một trong những nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán. Nhưng là việc công ty chứng khoán mua, bán chứng khoán cho chính mình (căn cứ theo khoản 30 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019)
– Tự kinh doanh chứng khoán là hoạt động kinh doanh chứng khoán có điều kiện, chỉ được thực hiện với công ty được cấp phép thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán (Theo quy đinhuj tại khoản 1 Điều 72 Luật chứng khoán 2019)
– Nghiệp vụ tự doanh chứng khoán được Công ty chứng khoán giao dịch chứng khoán trên tài khoản tự doanh chứng khoán và được đầu tư, góp vốn, phát hành, chào bán các sản phẩm tài chính theo Quy định tại khoản 2 Điều 86 Luật chứng khoán 2019.
Kết luận: Khác các hoạt động kinh doanh chứng khoán khác: Tự kinh doanh chứng khoán là nghiệp vụ công ty chứng khoán mua, bán chứng khoán cho chính mình
II/ Phân loại về đối tượng chịu thuế GTGT đối với các hoạt động kinh doanh chứng khoán:
Việc kinh doanh chứng khoán có thể tách 2 mảng hoạt động
+ các hoạt động kinh doanh chứng khoán (bao gồm cả tự kinh doanh chứng khoán)
+ Các khoản thu tài chính (cổ tức, lãi từ mua bán trái phiếu)
III/ Quy định về thuế GTGT đối với nghiệp vụ “Tự kinh doanh chứng khoán”, các hoạt động kinh doanh chứng khoán khác và thu tài chính (cổ tức, lãi từ mua bán trái phiếu)
Việc kinh doanh chứng khoán có thể tách 2 mảng hoạt động
3.1 Các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán (bao gồm tự kinh doanh chứng khoán và các nghiệp vụ kinh doanh) đều Đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định tại tại Điểm c Khoản 8 Điều 4 “Đối tượng không chịu thuế GTGT” thuộc Thông tư 219/2013/TT-BTC
“ c) Kinh doanh chứng khoán bao gồm: Môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu ký chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý công ty đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán, dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán, dịch vụ liên quan đến chứng khoán đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, cho khách hàng vay tiền để thực hiện giao dịch ký quỹ, ứng trước tiền bán chứng khoán và hoạt động kinh doanh chứng khoán khác theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Hoạt động cung cấp thông tin, tổ chức bán đấu giá cổ phần của các tổ chức phát hành, hỗ trợ kỹ thuật phục vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến của Sở Giao dịch chứng khoán.”
3.2 Các khoản lãi việc mua bán chứng khoán, có tính chất là các khoản thu về tài chính thì không phải tính, kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định tại Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC.
Ví dụ về khoản thu tài chính từ kinh doanh chứng khoán (Ví dụ 10 – Điểm c Khoản 8 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC : Công ty TNHH P&C nhận được khoản tiền lãi từ việc mua trái phiếu và tiền cổ tức từ việc mua cổ phiếu của các doanh nghiệp khác. Công ty TNHH P&C không phải kê khai, nộp thuế GTGT đối với khoản tiền lãi từ việc mua trái phiếu và tiền cổ tức nhận được. )
IV. Quy định về việc lập hoá đơn GTGT đối với nghiệp vụ trên:
4.1 Đối với các nghiệp vụ “Kinh doanh chứng khoán, bao gồm cả nghiệp vụ tự kinh doanh chứng khoản) : DN cần lập hoá đơn theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, cụ thế:
“ Điều 4. Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ
Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hoá dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hoá) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này”
Cách lập hoá đơn được quy định tại Phụ lục V bàn hành kèm theo Quyết định số 1450/QĐ-TCT ngày 07/10/2021 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành quy định về thành phần chứa dữ liệu nghiệp vụ hóa đơn điện tử và phương thức truyền nhận với cơ quan thuế:
PHỤ LỤC V. DANH MỤC THUẾ SUẤT
STT Giá trị Mô tả
1 0% Thuế suất 0%
2 5% Thuế suất 5%
3 10% Thuế suất 10%
4 KCT Không chịu thuế GTGT
5 KKKNT Không kê khai, tính nộp thuế GTGT
6 KHAC:AB.CD% Trường hợp khác, với “:AB.CD” là bắt buộc trong trường hợp xác định được giá trị thuế suất. A, B, C, D là các số nguyên từ 0 đến 9. Ví dụ: KHAC:AB.CD%
Căn cứ các quy định trên, trường hợp DN nộp thuế theo phương pháp khấu trừ, khi kinh doanh chứng khoán thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định pháp luật thì Công ty phải lập hóa đơn, nội dung của hóa đơn thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, trên hóa đơn GTGT tại chỉ tiêu “thuế suất”, Công ty thể hiện là KCT (Không chịu thuế GTGT) theo hướng dẫn tạị Phụ lục V ban hành kèm theo Quyết định số 1450/QĐ-TCT ngày 07/10/2021 của Tổng cục Thuế.
4.2 Đối với các khoản thu tài chính từ đầu tư, kinh doanh chứng khoản => DN không buộc phải lập hoá đơn GTGT, hai bên lập chứng từ thu theo quy định tại Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC.
Trên đây là ý kiến tư vấn từ NGHỀ KẾ TOÁN về thuế GTGT, Hoá đơn GTGT đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán và các khoản thu tài chính từ đầu tư, kinh doanh chứng khoán.
Trân trọng gửi tới các Quý Doanh nghiệp và Bạn đọc