Tư vấn miễn phí | Email: contact@ngheketoan.edu.vn

TƯ VẤN CHÍNH SÁCH THUẾ, KẾ TOÁN KHOẢN TIỀN NHẬN TÀI TRỢ VÌ MỤC TIÊU XÃ HỘI


Không ít các Doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt là Doanh nghiệp xã hội, được nhận các khoản tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế để thực hiện các mục tiêu đã cam kết với Nhà tài trợ vì mục tiêu xã hội, vì lợi ích cộng đồng.

Các chủ doanh nghiệp, các bạn kế toán rất băn khoăn không rõ:

1/ Đối với khoản nhận tài trợ vì mục tiêu xã hội này DN có phải ghi nhận doanh thu không?

2/ Khoản tiền nhận từ tài trợ có phải là đối tượng chịu thuế GTGT không?

3/ Khi nhận khoản tiền này, DN có phải lập hoá đơn GTGT không? Và thuế suất thuế GTGT (nếu có) là bao nhiêu?

Để làm rõ hơn căn cứ pháp lý trong công tác kế toán, thuế đối với khoản thu này, NGHỀ KẾ TOÁN xin có đôi dòng chia sẻ như sau:

I/ Câu hỏi số 1: Đối với khoản nhận tài trợ vì mục tiêu xã hội này DN có phải ghi nhận doanh thu không? Thu nhập có chịu thuế Thu nhập doanh nghệp không?

Căn cứ thứ 1: Theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 14 – Doanh thu và thu nhập khác. Thời điểm ghi nhận doanh thu về bán hàng hóa, dịch vụ và doanh thu tài chính được ghi nhận như sau:

Nguyên tắc và phương pháp ghi nhận doanh thu bán hàng:

Doanh thu bán hàng: được ghi nhận khi đồng thời thỏa mãn các điều kiện sau:

Phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu sản phẩm hoặc hàng hóa đã được chuyển giao cho người mua;

Công ty không còn nắm giữ quyền quản lý hàng hóa như người sở hữu hàng hóa hoặc quyền kiểm soát hàng hóa;

Doanh thu được xác định tương đối chắc chắn;

Công ty đã thu được hoặc sẽ thu được lợi ích kinh tế từ giao dịch bán hàng;

Xác định được chi phí liên quan đến giao dịch bán hàng./.

Nguyên tắc và phương pháp ghi nhận doanh thu cung cấp dịch vụ.

Doanh thu cung cấp dịch vụ: được ghi nhận khi kết quả của giao dịch đó được xác định một cách đáng tin cậy. Trường hợp việc cung cấp dịch vụ liên quan đến nhiều kỳ thì doanh thu được ghi nhận trong kỳ theo kết quả phần công việc đã hoàn thành vào ngày lập Bảng Cân đối kế toán của kỳ đó. Kết quả của giao dịch cung cấp dịch vụ được xác định khi thỏa mãn các điều kiện sau:

Doanh thu được xác định tương đối chắc chắn;

Có khả năng thu được lợi ích kinh tế từ giao dịch cung cấp dịch vụ đó;

Xác định được phần công việc đã hoàn thành vào ngày lập Bảng cân đối kế toán;

Xác định được chi phí phát sinh cho giao dịch và chi phí để hoàn thành giao dịch cung cấp dịch vụ đó.

Nguyên tắc và phương pháp ghi nhận doanh thu tài chính.

Doanh thu hoạt động tài chính: Doanh thu phát sinh từ tiền lãi và các khoản doanh thu hoạt động tài chính khác được ghi nhận khi thỏa mãn đồng thời hai (2) điều kiện sau:

Có khả năng thu được lợi ích kinh tế từ giao dịch đó;

Doanh thu được xác định tương đối chắc chắn.

Căn cứ thứ 2: Điều 4 Luật thuế TNDN 2008; Điều 4 Nghi định 124/2008/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Điều 4 Luật thuế TNDN 2008; được sửa đổi bổ sung Điều 4 Luật số 32/2013/QH13; Khoản 7 Điều 8 Thông tư 78/2014/TT-BTC; cụ thế:

– Căn cứ Điều 4 Luật thuế TNDN 2008

Điều 4. Thu nhập được miễn thuế

.. 7. Khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, văn hoá, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo và hoạt động xã hội khác tại Việt Nam.

– Khoản 7 Điều 8 Thông tư 78/2014/TT-BTC

Điều 8. Thu nhập được miễn thuế

‘… 7. Khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, văn hóa, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo và hoạt động xã hội khác tại Việt Nam.

Trường hợp tổ chức nhận tài trợ sử dụng không đúng mục đích các khoản tài trợ trên thì tổ chức nhận tài trợ phải tính nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên phần sử dụng sai mục đích trong kỳ tính thuế phát sinh việc sử dụng sai mục đích.
Tổ chức nhận tài trợ quy định tại Khoản này phải được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, thực hiện đúng quy định của pháp luật về kế toán thống kê.”

KẾT LUẬN:

– Về nghĩa vụ thuế TNDN

Căn cứ các quy định pháp lý trên, khoản tiền thu từ hoạt động tài trợ, vởi mục tiêu thực hiện các mục tiêu xã hội đã cam kết với Nhà tài trợ, không đem lại lợi ích kinh tế cho Doanh nghiệp, bản chất đây là một khoản DN THU HỘ, CHI HỘ nhà tài trợ, do đó không thoả mãn điều kiện ghi nhận doanh thu hay thu nhập theo Chuẩn mực kế toán số 14. Đồng thời, Căn cứ Khoản 7 Điều 8 Thông tư 78/2014/TT-BTC, đây là khoản thu được miễn thuế Thu nhập doanh nghiệp.

Do vậy, căn cứ các quy định pháp lý trên, đối với các khoản thu từ nhận tài trợ vì mục tiêu xã hội, DN ghi nhận như một khoản THU HỘ bên Tài trợ, không hạch toán doanh thu tính thuế TNDN. Đồng thời, đối với các khoản chi từ nhận tài trợ vì mục tiêu xã hội đã cam kết, DN ghi nhận như một khoản CHI HỘ bên Tài trợ, không hạch toán chi phí được trừ của Doanh nghiệp, thuế GTGT đầu vào của các khoản chi này không được khấu trừ (Căn cứ Thông tư 219/2013/TT-BTC; Thông tư 26/2015/TT_BTC)

Lưu ý: Trường hợp khoản thu phát sinh mang lại lợi ích kinh tế cho Doanh nghiệp hoặc DN sử dụng sai mục đích xã hội, nhân đạo đã đăng ký hoặc cam kết với Bên tài trợ thì khoản thu này phải được hạch toán vào thu nhập chịu thuế TNDN theo quy định.

– Về công tác kế toán hạch toán

Căn cứ Thông tư 200/2014/TT-BTC, DN có thể lựa chọn các tài khoản thu hộ chi hộ như TK 1388, 3388 để hạch toán khoản thu hộ chi hộ trên

Ví dụ minh hoạ 

Khi nhận khoản hỗ trợ, tài trợ bằng tiền, DN hạch toán

Nợ TK 111,112/Có TK 3388 (chi tiết Nhà tài trợ)

Khi sử dụng nguồn tài trợ chi cho các mục tiêu xã hội đã cam kết với Nhà tài trợ, hạch toán

Nợ TK 3388/Có TK 111,112, 331…

Lưu ý: Để có cơ sở quyết toán, nghiệm thu đối với Nhà tài trợ, DN cần lưu ý có đầy đủ chứng từ hợp lệ theo quy định tại Hợp đồng tài trợ đã cam kết và Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC; Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC

Câu hỏi 2: Khoản tiền nhận từ tài trợ có chịu thuế GTGT không?
 

Căn cứ Khoản 1; tiết d khoản 7 khoản Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật thuế GTGT:

Điều 5. Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT

Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.
Cơ sở kinh doanh khi nhận khoản tiền thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì lập chứng từ thu theo quy định. Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền, căn cứ mục đích chi để lập chứng từ chi tiền.

… 7. Các trường hợp khác:
Cơ sở kinh doanh không phải kê khai, nộp thuế trong các trường hợp sau:

…..

d) Các khoản thu hộ không liên quan đến việc bán hàng hóa, dịch vụ của cơ sở kinh doanh.
Kết luận: DN không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT với khoản thu từ hỗ trợ từ Nhà tài trợ.

III. Câu hỏi 3: Khi nhận khoản tiền này, DN có phải lập hoá đơn GTGT không? Nếu có, thuế suất thuế GTGT là bao nhiêu?

 

Căn cứ thứ 1: Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020

“Điều 4. Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ

Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hoá dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hoá) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.”
Căn cứ thứ 2: Căn cứ Khoản 6 Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định nội dung của hóa đon:

“Điều 10. Nội dung hóa đơn

Tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa, dịch vụ; thành tiền chưa có thuế giá trị gia tăng, thuế suất thuế giá trị gia tăng, tổng số tiền thuế giá trị gia tăng theo từng loại thuế suất, tổng cộng tiền thuế giá trị gia tăng, tổng tiền thanh toán đã có thuế giá trị gia tăng.

b) Thuế suất thuế giá trị gia tăng: Thuế suất thuế giá trị gia tăng thể hiện trên hóa đơn là thuế suất thuế giá trị gia tăng tương ứng với từng loại hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
Căn cứ thứ 3: Phụ lục V bàn hành kèm theo Quyết định số 1450/QĐ-TCT ngày 07/10/2021 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành quy định về thành phần chứa dữ liệu nghiệp vụ hóa đơn điện tử và phương thức truyền nhận với cơ quan thuế:

 

PHỤ LỤC V. DANH MỤC THUẾ SUẤT

STT Giá trị Mô tả
1 0% Thuế suất 0%
2 5% Thuế suất 5%
3 10% Thuế suất 10%
4 KCT Không chịu thuế GTGT
5 KKKNT Không kê khai, tính nộp thuế GTGT
6 KHAC:AB.CD% Trường hợp khác, với “:AB.CD” là bắt buộc trong trường hợp xác định được giá trị thuế suất. A, B, C, D là các số nguyên từ 0 đến 9. Ví dụ: KHAC:AB.CD%
 

Kết luận

Căn cứ các quy định trên, trường hợp Doanh nghiệ nộp thuế theo phương pháp khấu trừ, khi phát sinh khoản thu từ nhận tài trợ, theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì Doanh nghiệp A phải lập hóa đơn, nội dung của hóa đơn thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, trên hóa đơn GTGT tại chỉ tiêu “thuế suất”, Doanh nghiệp A thể hiện là KKKNT (Không kê khai, tính nộp thuế GTGT) theo hướng dẫn tạị Phụ lục V ban hành kèm theo Quyết định số 1450/QĐ-TCT ngày 07/10/2021 của Tổng cục Thuế.

Trên đây là một số chia sẻ của NGHỀ KẾ TOÁN về công tác kế toán, thuế khi các Doanh nghiệp nhận được các khoản tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế để thực hiện các mục tiêu đã cam kết với Nhà tài trợ vì lợi ích cộng đồng.

Cầu mong cho những tấm lòng thiện nguyện, tốt đẹp ngày càng nợ rộ như những đoá hoa tươi đẹp trong cuộc sống này, mang đến tình yêu thương và làm cho cuộc sống này tươi đẹp hơn mỗi ngày…


Gửi thông tin tư vấn

Họ tên(*)
Số điện thoại(*)
Email(*)
Địa chỉ
Yêu cầu tư vấn