Tư vấn miễn phí | Email: contact@ngheketoan.edu.vn

Phân tích hiệu quả sử dụng vốn


Ý nghĩa và chỉ tiêu phân tích hiệu quả sử dụng vốn

Việc quản lý và sử dụng vốn hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả vừa là yêu cầu, vừa là mục tiêu của các nhà quản lý doanh nghiệp. Đây cũng là vấn đề được hầu hết các đối tượng có lợi ích liên quan đến doanh nghiệp quan tâm và chú ý. Hiệu quả quản lý và sử dụng vốn của doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến sự sống còn của doanh nghiệp, đến lợi ích kinh tế của các đối tượng có liên quan.

Hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp thể hiện qua năng lực tạo ra giá trị sản xuất, doanh thu và khả năng sinh lợi của vốn. Phân tích hiệu quả sử dụng vốn là đánh giá trình độ, năng lực quản lý và sử dụng vốn trong doanh nghiệp, thấy được những nguyên nhân và nhân tố tác động đến hiệu quả sử dụng vốn. Trên cơ sở đó đề ra các quyết định phù hợp.

Các đối tượng tuỳ thuộc mục tiêu quan tâm có thể chú ý đến hiệu quả sử dụng vốn ở những khía cạnh khác nhau nhưng không xa rời cách đánh giá hiệu quả chung.

Để tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp cần phải có một lượng vốn nhất định, bao gồm vốn chủ sở hữu, vốn vay và các khoản vốn chiếm dụng trong thanh toán khác. Doanh nghiệp có nhiệm vụ tổ chức, huy động các loại vốn cần thiết cho nhu cầu kinh doanh; đồng thời tiến hành phân phối, quản lý và sử dụng số vốn hiện có một cách hợp lý, có hiệu quả cao nhất trên cơ sở chấp hành các chế độ, chính sách quản lý kinh tế - tài chính và kỷ luật thanh toán của Nhà nước. Yêu cầu đặt ra cho các nhà quản trị là với số vốn đã huy động được, doanh nghiệp phải sử dụng sao cho có hiệu quả nhất, tức là đạt được kết quả cao nhất với chi phí thấp nhất. Điều đó cho thấy, hiệu quả hoạt động tài chính (xét trên góc độ huy động và sử dụng vốn) gắn chặt với hiệu quả sử dụng vốn, có nâng cao hiệu quả sử dụng vốn mới nâng cao được hiệu quả hoạt động tài chính, mới thúc đẩy được hoạt động tài chính phát triển. Trên một khía cạnh khác, hiệu quả sử dụng vốn lại phản ánh hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, hiệu quả sử dụng vốn càng cao thì hiệu quả kinh doanh càng cao và ngược lại, hiệu quả sử dụng vốn càng thấp thì hiệu quả kinh doanh càng thấp.

Bằng việc xem xét hiệu quả sử dụng vốn, các nhà quản lý có thể đánh giá chính xác khả năng sinh lời và thực trạng tài chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên, do những người sử dụng thông tin theo đuổi các mục tiêu khác nhau nên việc xem xét hiệu quả sử dụng vốn cũng được tiến hành theo nhiều cách khác nhau. Điều đó vừa tạo ra lợi ích vừa tạo ra sự phức tạp của việc nghiên cứu hiệu quả sử dụng vốn. Phân tích hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp được thực hiện bằng cách xem xét, kiểm tra, đối chiếu và so sánh số liệu về kết quả hoạt động tài chính hiện hành với quá khứ mà qua đó, người sử dụng thông tin có thể đánh giá thực trạng tài chính, tiềm năng, hiệu quả kinh doanh cũng như những rủi ro trong tương lai, và triển vọng của doanh nghiệp. Qua phân tích hiệu quả sử dụng vốn, các nhà quản lý đánh giá được hiệu quả kinh doanh, khả năng sinh lợi và tính ổn định và bền vững về tài chính của doanh nghiệp cũng như các nhân tố, các nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và khả năng sinh lợi.

Để đánh giá chính xác, có cơ sở khoa học hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, cần phải xây dựng hệ thống chỉ tiêu phân tích hiệu quả phù hợp. Hệ thống chỉ tiêu này bao gồm các chỉ tiêu tổng quát (khái quát) và các chỉ tiêu chi tiết (cụ thể) phản ánh được các mặt biểu hiện khác nhau của hiệu quả kinh doanh. Đồng thời, hệ thống chỉ tiêu này cũng phản ánh được hiệu quả sử dụng từng yếu tố, từng loại tài sản, từng loại vốn - kể cả tổng số và phần gia tăng.

Trên thực tế, có khá nhiều cách thức tiếp cận hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp, và do vậy, có nhiều chỉ tiêu khác nhau phản ánh hiệu quả sử dụng vốn. Tuy nhiên, về mặt tổng quát, để đo lường và đánh giá hiệu quả sử dụng vốn, các nhà phân tích thường sử dụng các chỉ tiêu phương pháp sức sản xuất, sức sinh lợi và suất hao phí của vốn dưới đây:

- Hiệu suất sử dụng vốn (Sức sản xuất của vốn):

Hiệu suất sử dụng vốn  là chỉ tiêu phản ánh một đơn vị vốn đầu tư vào kinh doanh đem lại mấy đơn vị kết quả sản xuất đầu ra. Trị số của chỉ tiêu càng lớn, chứng tỏ hiệu quả suất sử dụng vốn càng cao, kéo theo hiệu quả kinh doanh càng cao. Ngược lại, trị số của chỉ tiêu càng nhỏ, chứng tỏ hiệu suất sử dụng vốn càng thấp, dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp.

Hiệu suất sử dụng vốn (Sức sản xuất của vốn)

=

Đầu ra phản ánh kết quả sản xuất

Vốn đầu tư

Tuỳ theo mục đích phân tích, “Đầu ra phản ánh kết quả sản xuất kinh doanh” có thể tính theo một trong các chỉ tiêu như: tổng giá trị sản xuất, doanh thu thuần bán hàng, tổng số luân chuyển thuần...;  “vốn đầu tư” chính là số vốn đầu tư vào kinh doanh, biểu hiện dưới hình thái vật chất (tài sản, lao động, tư liệu lao động...) hay nguồn hình thành vốn (vốn chủ sở hữu, vốn vay).

- Khả năng sinh lời của vốn:

Khả năng sinh lời của vốn là chỉ tiêu phản ánh một đơn vị vốn đầu tư vào kinh doanh đem lại mấy đơn vị lợi nhuận. Trị số của chỉ tiêu "Khả năng sinh lời của vốn" càng lớn, chứng tỏ khả năng sinh lợi của vốn càng cao, kéo theo hiệu quả kinh doanh càng cao. Ngược lại, trị số của chỉ tiêu này tính ra càng nhỏ, chứng tỏ khả năng sinh lợi càng thấp, dẫn đến hiệu quả kinh doanh không cao.

Khả năng sinh lời của vốn

=

Đầu ra phản ánh lợi nhuận

Vốn đầu tư

Tuỳ thuộc vào mục đích phân tích, tử số của công thức "Khả năng sinh lời của vốn" có thể là lợi nhuận gộp về bán hàng, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế, lợi nhuận sau thuế, lợi nhuận trước thuế và lãi vay...

- Suất hao phí của vốn:

Suất hao phí (hay mức hao phí) của vốn là chỉ tiêu cho biết: để có một đơn vị đầu ra phản ánh kết quả sản xuất hay đầu ra phản ánh lợi nhuận, doanh nghiệp phải hao phí mấy đơn vị vốn đầu tư đầu vào. Trị số của chỉ tiêu "Suất hao phí của vốn" tính ra càng nhỏ, chứng tỏ hiệu quả kinh doanh càng cao và ngược lại, trị số của chỉ tiêu này tính ra càng lớn, chứng tỏ hiệu quả kinh doanh càng thấp.

Suất hao phí của vốn

=

Vốn đầu tư

Đầu ra phản ánh kết quả sản xuất hay lợi nhuận

Ngoài các cách tính trên, khi phân tích hiệu quả sử dụng vốn, các nhà phân tích còn tiến hành so sánh đầu ra phản ánh lợi nhuận với đầu ra phản ánh kết quả sản xuất. Với cách so sánh này, các nhà quản lý sẽ nắm được: để có một đơn vị lợi nhuận, doanh nghiệp phải thu được bao nhiêu đơn vị giá trị sản xuất, bao nhiêu đơn vị doanh thu thuần hay bao nhiêu đơn vị luân chuyển thuần, ... Trị số của chỉ tiêu tính ra càng lớn, hiệu quả sử dụng vốn càng cao và ngược lại. Về thực chất, đây là một hình thái biểu hiện khác của chỉ tiêu “Sức sinh lợi của vốn” ở trên.

Khi xác định các chỉ tiêu, cần lưu ý rằng: các chỉ tiêu đầu ra phản ánh kết quả sản xuất hay lợi nhuận là kết quả của cả kỳ kinh doanh; còn các chỉ tiêu phản ánh yếu tố vốn đầu tư đầu vào được xác định theo số bình quân của kỳ phân tích. Trị số bình quân của vốn đầu tư đầu vào có thể xác định theo nhiều cách khác nhau; trong đó, xác định theo trị số bình quân giữa đầu kỳ và cuối kỳ của các chỉ tiêu được sử dụng phổ biến. Để đơn giản, trị số của từng bộ phận phản ánh vốn đầu tư đầu vào dưới hình thái vật chất (tài sản, tài sản ngắn hạn, tài sản dài hạn, số lượng lao động...) hay dưới góc độ nguồn vốn (vốn chủ sở hữu, vốn vay, nợ phải trả...) phải được hiểu là trị số bình quân của kỳ phân tích và được tính theo công thức sau:

Trị số bình quân của từng yếu tố phản ánh vốn đầu tư đầu vào

=

Trị số đầu kỳ và cuối kỳ của từng yếu tố

2

Đối với một số yếu tố đầu vào như số lượng lao động bình quân; số lượng máy móc, thiết bị bình quân;... phải dựa vào thời gian có mặt thực tế để xác định.

Dựa vào các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả kinh doanh tổng quát đã nêu (sức sản xuất, sức sinh lợi, suất hao phí), tuỳ thuộc vào mục đích và nội dung phân tích, các nhà phân tích sẽ tiến hành đánh giá hiệu quả kinh doanh theo từng góc độ khác nhau. Trên cơ sở đó, cung cấp những thông tin cần thiết cho các nhà quản lý để đề ra các quyết định phù hợp.

 Xem thêm:

Quản lý vốn cố định trong Doanh nghiệp

Quản lý quỹ




Gửi thông tin tư vấn

Họ tên(*)
Số điện thoại(*)
Email(*)
Địa chỉ
Yêu cầu tư vấn