(Phần 2)
4. Phương pháp phân tích nhân tố:
Phân tích nhân tố là phương pháp được sử dụng
để nghiên cứu, xem xét các chỉ tiêu kinh tế tài chính trong mối quan hệ với các
nhân tố ảnh hưởng thông qua việc xác định mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố và
phân tích thực chất ảnh hưởng của các nhân tố đến chỉ tiêu phân tích.
a) Xác định mức độ ảnh hưởng của các nhân tố: là
phương pháp được sử dụng để xác định xu hướng và mức độ ảnh hưởng cụ thể của
từng nhân tố đến sự biến động của từng chỉ tiêu nghiên cứu. Có nhiều phương
pháp xác định ảnh hưởng của các nhân tố, sử dụng phương pháp nào tuỳ thuộc vào
mối quan hệ giữa chỉ tiêu phân tích với các nhân tố ảnh hưởng. Các phương pháp xác định
mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến sự biến động của từng chỉ tiêu còn gọi là
phương pháp loại trừ bởi vì để nghiên cứu ảnh hưởng của một nhân tố phải loại
trừ ảnh hưởng của nhân tố khác. Đặc điểm của phương pháp này là luôn đặt đối
tượng phân tích vào các giả định khác nhau. Tuỳ thuộc vào mối quan hệ giữa chỉ
tiêu phân tích với các nhân tố ảnh hưởng mà sử dụng phương pháp thay thế liên
hoàn, phương pháp số chênh lệch hay phương pháp cân đối
- Phương pháp thay thế liên hoàn là phương pháp xác định ảnh hưởng của từng nhân tố bằng
cách thay thế lần lượt và liên tiếp các nhân tố từ giá trị kỳ gốc sang kỳ phân
tích để xác định trị số của chỉ tiêu khi nhân tố đó thay đổi. Sau đó, so sánh
trị số của chỉ tiêu vừa tính được với trị số của chỉ tiêu chưa có biến đổi của
nhân tố cần xác định sẽ tính được mức độ ảnh hưởng của nhân tố đó. Đặc điểm và
điều kiện áp dụng phương pháp thay thế liên hoàn như sau:
- Xác định chỉ tiêu phản ánh đối tượng nghiên
cứu;
- Xác định các nhân tố ảnh hưởng đến chỉ tiêu
phản ánh đối tượng nghiên cứu;
- Mối quan hệ giữa chỉ tiêu phản ánh đối tượng nghiên cứu với các nhân
tố ảnh hưởng thể hiện dưới dạng tích số
hoặc thương số;
- Sắp xếp các nhân tố ảnh hưởng và xác định ảnh hưởng của chúng đến chỉ
tiêu phản ánh đối tượng nghiên cứu theo thứ tự nhân tố số lượng được xác định
trước rồi mới đến nhân tố chất lượng; trường hợp có nhiều nhân tố số lượng hoặc
nhiều nhân tố chất lượng thì xác định nhân tố nguyên nhân trước, nhân tố kết
quả sau;
- Thay thế giá trị của từng nhân tố ảnh hưởng
đến chỉ tiêu phản ánh đối tượng nghiên cứu một cách lần lượt. Cần lưu ý là có
bao nhiêu nhân tố thì thay thế bấy nhiêu lần và nhân tố nào đã thay thế thì
được giữ nguyên giá trị đã thay thế (kỳ phân tích) cho đến lần thay thế cuối
cùng, nhân tố nào chưa thay thế vẫn giữ nguyên giá trị ở kỳ gốc;
- Tổng hợp ảnh hưởng của các nhân tố và so
với số biến động của chỉ tiêu phản ánh đối tượng nghiên cứu giữa kỳ phân tích
so với kỳ gốc để kiểm tra quá trình tính toán.
Phương pháp số
chênh lệch là phương pháp cũng được
dùng để xác định ảnh hưởng của các nhân tố đến sự biến động của chỉ tiêu phản
ánh đối tượng nghiên cứu. Điều kiện, nội dung và trình tự vận dụng của phương pháp số chênh lệch cũng
giống như phương pháp thay thế liên hoàn, chỉ khác nhau ở chỗ để xác định mức
độ ảnh hưởng của nhân tố nào thì trực tiếp dùng số chênh lệch về giá trị kỳ
phân tích so với kỳ gốc của nhân tố đó (thực
chất là thay thế liên hoàn rút gọn áp dụng trong trường hợp chỉ tiêu phản ánh
đối tượng nghiên cứu có quan hệ tích số với các nhân tố ảnh hưởng).
Phương pháp cân đối: Phương pháp cân đối là phương pháp được sử dụng để xác định mức độ
ảnh hưởng của các nhân tố đến chỉ tiêu phản ánh đối tượng nghiên cứu nếu chỉ
tiêu phản ánh đối tượng nghiên cứu có quan hệ với nhân tố ảnh hưởng dưới dạng
tổng hoặc hiệu. Xác định mức độ ảnh hưởng nhân tố nào đó đến chỉ tiêu phân
tích, bằng phương pháp cân đối người ta xác định chênh lệch giữa thực tế với kỳ
gốc của nhân tố ấy. Tuy nhiên cần để ý đến quan hệ thuận, nghịch giữa nhân tố
ảnh hưởng với chỉ tiêu phản ánh đối tượng nghiên cứu (thực chất là hình thức
rút gọn của phương pháp thay thế liên hoàn khi các nhân tố ảnh hưởng đến chỉ
tiêu phân tích có quan hệ dạng tổng, hiệu)
b) Phân tích thực chất của các nhân tố
Sau khi xác định được mức độ
ảnh hưởng của các nhân tố, để có đánh giá và dự đoán hợp lý, trên cơ sở đó đưa
ra các quyết định và cách thức thực hiện các quyết định cần tiến hành phân tích
tính chất ảnh hưởng của các nhân tố. Việc phân tích được thực hiện thông qua
chỉ rõ và giải quyết các vấn đề như: chỉ rõ mức độ ảnh hưởng, xác định tính
chất chủ quan, khách quan của từng nhân tố ảnh hưởng, quan điểm, cơ sở đưa ra ý
kiến đánh giá và dự đoán cụ thể của nhà phân tích về vấn đề phân tích, đồng
thời xác định ý nghĩa của nhân tố tác động đến chỉ tiêu đang nghiên cứu, xem
xét nhằm cung cấp cơ sở cho các quyết định điều chỉnh hoạt động tài chính doanh
nghiệp của chủ thể quản lý.
5. Phương pháp dự đoán
Phương pháp dự đoán được sử dụng để dự báo tài chính doanh nghiệp. Có
nhiều phương pháp khác nhau để dự đoán các chỉ tiêu kinh tế tài chính trong
tương lai; trong đó, phương pháp hồi quy được sử dụng khá phổ biến. Theo phương
pháp này, các nhà phân tích sử dụng số liệu quá khứ, dữ liệu đã diễn ra theo
thời gian hoặc diễn ra tại cùng một thời điểm để thiết lập mối quan hệ giữa các
hiện tượng và sự kiện có liên quan.
6. Các phương pháp phân tích khác
Ngoài các phương pháp được sử dụng nêu trên, phân tích tài chính
còn có thể sử dụng kết hợp với các phương pháp khác, như: phương pháp thang
điểm, phương pháp kinh nghiệm, phương pháp quy hoạch tuyến tính, phương pháp sử
dụng mô hình kinh tế lượng, phương pháp dựa vào ý kiến của các chuyên gia...
Mỗi một phương pháp được sử dụng tùy thuộc vào mục đích phân tích và dữ liệu
phân tích.
Xem thêm bài viết:
Ý nghĩa phân tích hoạt động tài chính doanh nghiệp (P1)
Các vấn đề chi tiết trong Incoterms 2010 (Phần 2)