(Phần 1)
Khái niệm phân tích hoạt động tài chính doanh nghiệp:
Phân tích hoạt động tài chính doanh
nghiệp là quá trình vận dụng tổng thể các phương pháp phân tích khoa học để
đánh giá hoạt động tài chính của doanh
nghiệp, giúp cho các chủ thể có lợi ích gắn với doanh nghiệp nắm được thực
trạng tài chính và an ninh tài chính của doanh nghiệp, dự đoán được chính xác
các chỉ tiêu tài chính trong tương lai cũng như rủi ro tài chính mà doanh
nghiệp có thể gặp phải; qua đó, đề ra các quyết định phù hợp với lợi ích của
họ.
Các chủ thể có lợi ích gắn với doanh
nghiệp và các đối tượng có liên quan đều quan tâm đến hoạt động tài chính của
doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng thông tin kinh tế, tài chính của doanh nghiệp.
Mỗi đối tượng quan tâm theo giác độ và với mục tiêu khác nhau. Do nhu cầu về
thông tin tài chính doanh nghiệp rất đa dạng, đòi hỏi phân tích hoạt động tài
chính phải được tiến hành bằng nhiều phương pháp khác nhau để đáp ứng các nhu
cầu khác nhau của từng đối tượng. Điều đó, một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho
phân tích hoạt động tài chính ra đời, ngày càng hoàn thiện và phát triển; mặt
khác, cũng tạo ra sự phức tạp trong nội dung và phương pháp của phân tích hoạt
động tài chính.
Các đối tượng quan tâm đến tình hình tài
chính của doanh nghiệp bao gồm:
- Các nhà quản lý;
- Các cổ đông hiện tại và tương lai;
- Những người tham gia vào “đời sống”
kinh tế của doanh nghiệp;
- Những người cho doanh nghiệp vay tiền
như: Ngân hàng, tổ chức tài chính, người mua trái phiếu của doanh nghiệp, các
doanh nghiệp khác...
- Nhà nước;
- Nhà phân tích tài chính;
Các đối tượng sử dụng thông tin tài
chính khác nhau sẽ đưa ra các quyết định với mục đích khác nhau. Vì vậy, phân
tích hoạt động tài chính đối với mỗi đối tượng sẽ đáp ứng các mục tiêu khác
nhau. Cụ thể:
Phân tích hoạt động tài chính đối với nhà quản lý doanh nghiệp:
Là người trực tiếp quản lý, điều hành
doanh nghiệp, nhà quản lý hiểu rõ nhất tài chính doanh nghiệp, do đó họ có
nhiều thông tin phục vụ cho việc phân tích. Phân tích hoạt động tài chính doanh
nghiệp đối với nhà quản lý nhằm đáp ứng những mục tiêu sau:
- Tạo ra những chu kỳ đều đặn để đánh
giá hiệu quả hoạt động quản lý doanh nghiệp trong giai đoạn đã qua, việc thực
hiện các nguyên tắc quản lý tài chính, khả năng sinh lời, khả năng thanh toán
và rủi ro tài chính trong hoạt động của doanh nghiệp...;
- Đảm bảo cho các quyết định của Ban
giám đốc về đầu tư, tài trợ, phân phối lợi nhuận... phù hợp với tình hình thực
tế của doanh nghiệp
- Cung cấp thông tin cần thiết cho những
dự đoán tài chính;
- Cung cấp các căn cứ để kiểm tra, kiểm
soát hoạt động, quản lý trong doanh nghiệp.
Phân tích hoạt động tài chính làm rõ
điều quan trọng của dự đoán tài chính, mà dự đoán là nền tảng của hoạt động
quản lý, làm sáng tỏ, không chỉ chính sách tài chính mà còn làm rõ các chính
sách chung trong doanh nghiệp.
Xem thêm bài viết:
Ý nghĩa phân tích hoạt động tài chính doanh nghiệp trong đầu tư, tín dụng (P2)
Xý lý vi phạm quản lý ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam