Tư vấn miễn phí | Email: contact@ngheketoan.edu.vn

Các hình thức tài trợ ngắn hạn khác


NGUỒN VỐN NGẮN HẠN CỦA DOANH NGHIỆP

(Phần 2: Tín dụng nhà cung cấp, vay ngắn hạn ngân hàng và các nguồn vốn ngắn hạn khác)

Tín dụng nhà cung cấp

Đây là một nguồn vốn quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn lưu động ngắn hạn của doanh nghiệp; nó được hình thành khi doanh nghiệp mua hàng hoá dịch vụ từ nhà cung cấp song chưa phải trả tiền ngay. Vì vậy, doanh nghiệp có thể sử dụng các tài sản mua được từ nhà cung cấp như một nguồn vốn bổ sung để tài trợ cho nhu cầu vốn lưu động ngắn hạn của doanh nghiệp.

* Đặc điểm của nguồn vốn tín dụng nhà cung cấp:

- Quy mô nguồn vốn tín dụng thương mại chỉ có giới hạn nhất định vì nó phụ thuộc vào số lượng hàng hoá, dịch vụ được mua chịu của nhà cung cấp.

- Doanh nghiệp phải hoàn trả sau một thời hạn nhất định và thường là rất ngắn.

- Nguồn tài trợ này không thể hiện rõ nét mức chi phí cho việc sử dụng vốn. 

* Ưu điểm: Việc sử dụng tín dụng thương mại có ưu điểm là đơn giản, tiện lợi trong kinh doanh. Tài trợ một phần nhu cầu vốn của doanh nghiệp.  

* Nhược điểm: Chi phí sử dụng tín dụng thương mại thường cao hơn so với sử dụng tín dụng thông thường của ngân hàng thương mại, mặt khác nó cũng làm tăng hệ số nợ, tăng nguy cơ rủi ro về thanh toán đối với doanh nghiệp.

* Yêu cầu trong quản lý: Thường xuyên theo dõi chi tiết các khoản nợ nhà cung cấp để chuẩn bị nguồn tiền đáp ứng nhu cầu thanh toán. Tránh để mất uy tín do không trả nợ đúng hạn. 

Vay ngắn hạn ngân hàng

- Đây là nguồn vốn hết sức quan trọng đối với các doanh nghiệp hiện nay. Đặc điểm của việc sử dụng vốn vay ngân hàng (tín dụng ngân hàng) là phải sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, có vật tư bảo đảm, có thời hạn và phải trả lãi.

- Các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay vốn ngắn hạn dưới các hình thức chủ yếu là:

+ Cho vay từng lần

+ Cho vay theo hạn mức tín dụng

+ Cho vay theo kế hoạch

- Đặc điểm:

+ Nguồn vốn vay này có giới hạn nhất định.

+ Đây là nguồn vốn có thời gian đáo hạn

+ Doanh nghiệp phải trả lãi cho việc sử dụng nguồn vốn này. 

* Ưu điểm: Việc sử dụng nguồn vốn tín dụng ngân hàng để tài trợ nhu cầu vốn lưu động của doanh nghiệp, nó có tác dụng giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn về vốn.

* Nhược điểm: Sử dụng nguồn vốn này làm tăng hệ số nợ của doanh nghiệp, làm tăng rủi ro tài chính do bắt buộc phải trả lãi và hoàn trả nợ đúng hạn.

Các nguồn vốn ngắn hạn khác

Ngoài các nguồn vốn ngắn hạn trên, doanh nghiệp còn có thể sử dụng các nguồn khác để tài trợ nhu cầu tăng vốn lưu động tạm thời, như các khoản tiền đặt cọc, tiền ứng trước của khách hàng, các nguồn tài trợ không có bảo đảm khác như tín dụng thư, các khoản cho vay theo từng hợp đồng cụ thể...

* Ưu điểm:

+ Việc sử dụng tín dụng ngắn hạn giúp cho doanh nghiệp có thể thực hiện dễ dàng, thuâận lợi hơn so với việc sử dụng tín dụng dại hạn. Bởi vì, thông thường các điều kiện cho vay ngắn hạn mà ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính khác đưa ra đối với doanh nghiệp thường ít khắt khe hơn so với tín dụng dài hạn.

+ Chi phí sử dụng tín dụng ngắn hạn thường thấp hơn so với sử dụng tín dụng dài hạn.

+ Sử dụng tín dụng ngắn hạn giúp cho doanh nghiệp có thể dễ dàng, linh hoạt  điều chỉnh hơn cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp

* Nhược điểm:

+ Doanh nghiệp phải chịu rủi ro về lãi suất cao hơn, bởi lẽ, lãi suất tín dụng ngắn hạn biến động nhiều hơn so với lãi suất dài hạn.

+ Rủi ro vỡ nợ ở mức cao hơn: Sử dụng tín dụng ngắn hạn đòi hỏi doanh nghiệp phải có nghĩa vụ thanh toán lãi vay và hoàn trả vốn gốc trong một thời gian ngắn, nếu tình hình kinh doanh gặp khó khăn, doanh nghiệp dễ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn. Việc sử dụng quá nhiều tín dụng ngắn hạn dễ dẫn đến tình trạng tài chính của doanh nghiệp luôn căng thẳng, nhất là đối với một số doanh nghiệp trong tình trạng sử dụng cả nguồn vốn ngắn hạn để tài trợ cho tài sản dài hạn.

 Xem thêm: Các chính sách cổ tức ổn định và thặng dư của công ty cổ phần



Gửi thông tin tư vấn

Họ tên(*)
Số điện thoại(*)
Email(*)
Địa chỉ
Yêu cầu tư vấn