1. Kiểm toán báo cáo quyết toán dự án đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành - các nghiệp vụ cơ bản
1.1. Kiểm toán tính tuân thủ về qui chế quản lý đầu tư XDCB
1.1.1. Phương pháp kỹ thuật nghiệp vụ trong kiểm toán tính tuân thủ qui chế quản lý đầu tư XDCB
Khi
kiểm toán tính tuân thủ này, chủ yếu sử dụng phương pháp kiểm tra đối chiếu, tức là việc kiểm tra lại hệ thống các danh mục các tài liệu pháp lý trong Biểu mẫu số 02/QTDA (Kèm theo Thông tư số 28/2012/TT-BTC ngày 24 tháng 02 năm 2012 của Bộ Tài chính) xem có đầy đủ, hợp pháp và đúng qui định hay không. Căn cứ pháp lý để kiểm tra đối chiếu đó là Luật xây dựng số 50/2014/QH13 cùng các văn bản khác hướng dẫn thực hiện
quy chế quản lý đầu tư của các bộ, ngành.
Khi
kiểm toán, KTV phải luôn đặt ra các câu hỏi như:
- Các văn bản pháp lý của dự án công trình đã hợp pháp chưa? Việc phê duyệt có đúng thẩm quyền hay không đúng qui định của Nhà nước và yêu cầu cho công trình này hay không?
- Các văn bản pháp lý có đầy đủ hay không?
- Qui định về trách nhiệm của các bên tham gia quản lý và thi công dự án xây dựng công trình có thực hiện đầy đủ không?
- Các hợp đồng ký kết, biên bản thanh lý hợp đồng có phù hợp và đúng qui định hay không
- Các đơn vị tham gia quản lý và thi công dự án công trình có đủ tư cách pháp nhân hay không?
...
1.1.2. Phương pháp kiểm toán tính tuân thủ chính sách, chế độ và qui định về quản lý, cấp phát cho vay và sử dụng vốn đầu tư
Chính sách, chế độ về quản lý, cấp phát, cho vay và sử dụng vốn đầu tư là một lĩnh vực rất rộng lớn, bao gồm nhiều vấn đề, song nó nổi bật lên ở một số điểm cơ bản chủ yếu sau:
- Qui định nguồn vốn đầu tư, cơ cấu vốn đầu tư và vốn đầu tư sử dụng hàng năm. Khi kiểm tra phải so sánh với quyết định đầu tư và kế hoạch đầu tư hàng năm được duyệt, kể cả những qui định trong hiệp định vay, chế độ cấp phát và sự phân cấp quản lý, việc cấp phát cho vay, thanh toán vốn đầu tư.
- Việc lập và duyệt các thiết kế, dự toán: Thiết kế dự toán do ai lập và ai duyệt, có hợp pháp đúng qui định hay không? Có phù hợp với đơn giá qui định của địa phương hoặc khu vực thi công hay không?
- Chế độ quản lý vật tư thiết bị: Ai cung cấp vật tư thiết bị, thiết bị nào? Có đúng thiết kế dự toán hay không? Cơ chế quản lý như nào? Có thiết bị
nhập khẩu hay không? Cơ quản kiểm nghiệm, Các giấy tờ kiểm nghiệm…
- Những qui định giữa chủ đầu tư, ban quản lý dự án với Bộ chủ quản, cơ quan chuyên ngành và các đối tác khác…
1.1.3. Phương pháp kiểm toán việc tuân thủ hệ thống báo cáo quyết toán và chế độ kế toán của đơn vị chủ đầu tư
Chế độ kế toán đơn vị chủ đầu tư được Bộ Tài chính ban hành có qui định cho từng hình thức kế toán. Do vậy, khi kiểm toán các KTV phải tùy từng dự án công trình để vận dụng hình thức kế toán áp dụng cho đơn vị chủ đầu tư cho phù hợp. Còn hệ thống báo cáo quyết toán phải tuân theo 10 mẫu biểu đã được qui định
1.2. Kiểm toán nguồn vốn đầu tư XDCB
1.2.1. Mục tiêu kiểm toán nguồn vốn đầu tư XDCB
* Làm rõ cơ sở dẫn liệu của các nghiệp vụ phát sinh liên quan đến nguồn vốn đầu tư dự án, tức là làm rõ:
- Các nghiệp vụ phát sinh liên quan đến nguồn vốn đầu tư thì thực sự xảy ra, đúng qui định và được phê chuẩn đúng qui định cho từng dự án
- Các nguồn vốn đầu tư được quản lý, sử dụng và tính toán đánh giá một cách đúng đắn
- Nguồn vốn đầu tư phải được qui đổi theo đúng tỷ giá qui định
- Số dư về tài khoản nguồn vốn đầu tư phải được tính toán chính xác và thống nhất với sổ cái
- Các nguồn vốn đầu tư phải được trình bày một cách đúng đắn và phản ánh đầy đủ
* Làm rõ quá trình KSNB đối với nguồn vốn đầu tư là đầy đủ, chặt chẽ đúng qui định, hiệu quả, rủi ro kiểm soát thấp và kiểm toán viên hoàn toàn tin tưởng vào quá trình kiểm soát nội bộ này của đơn vị chủ đầu tư và ban quản lý dự án
1.2.2. Quá trình KSNB đối với nguồn vốn đầu tư
- Mỗi nguồn vốn đầu tư, chủ đầu tư và ban quản lý dự án phải có qui chế quản lý và sử dụng chặt chẽ theo đúng qui định của mỗi loại nguồn vốn đầu tư đã được phê duyệt trong dự toán.
- Có sổ kế toán chi tiết theo rõi riêng biệt từng nguồn vốn, phải phản ánh đầy đủ, kịp thời, chính xác, phù hợp với những qui định cấp phát cho vay, thanh toán của dự án công trình
- Phải có sự xét duyệt đối với việc ghi chép các nghiệp vụ liên quan đến nguồn vốn đầu tư
- Số dư nguồn vốn đầu tư phải được đối chiếu định kỳ với các bên cấp phát, cho vay, thanh toán…và được kế toán trưởng kiểm tra một cách chặt chẽ và thường xuyên
- Nếu là ngoại tệ phải được qui đổi ra tiền Việt Nam theo đúng qui định tại các thời điểm phát sinh
- Phải đảm bảo tách biệt giữa các bộ phận có liên quan và kiểm soát vốn đầu tư dự án như bộ phận xét duyệt, bộ phận thanh toán, bộ phận kiểm tra, kiểm soát…
- Phải lưu lại dấu hiệu kiểm soát nội bộ của những người, những cơ quan chức năng có thẩm quyền, chủ sở hữu vốn trên các chứng từ liên quan đến nguồn vốn đầu tư
…
1.2.3. Phương pháp kiểm toán
KTV thường sẽ tiến hành kiểm toán 100% các nghiệp vụ kinh tế phát sinh liên quan đến nguồn vốn đầu tư.
* Kỹ thuật kiểm toán đối với vốn nước ngoài thường được KTV thu thập đơn xin giải ngân và văn bản chấp thuận của bên tài trợ. Phải lưu ý đến vấn đề thời gian có hiệu lực của thư giải ngân, các loại tiền (ngoại tệ) theo đơn giải ngân được chấp nhận, số lượng tiền, xác nhận về kết quả của nguồn vốn từ phía nhà tài trợ.
* Đối với nguồn vốn trong nước, KTV tiến hành thu thập các thông tin về hạn mức vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước để kiểm tra về số vốn ứng trước từ ngân sách; số vốn đã thanh toán, cấp phát theo khối lượng hoàn thành dựa trên cơ sở phiếu giá công trình
- Khi kiểm toán, KTV phải có sự đối chiếu giữa ngân hàng phục vụ, cơ quan tài chính, chủ sở hữu vốn đầu tư để xác định nguồn vốn đầu tư đã được giải ngân, cấp phát và cho vay
- KTV luôn phải đối chiếu giữa sổ cái với các sổ kế toán chi tiết, giữa bộ phận kế toán với các bộ phận được phê duyệt, bộ phận kiểm soát và các tài liệu có liên quan với nhau.
* Nguồn vốn đầu tư chỉ được ghi giảm khi có các thông tư duyệt quyết toán dự án công trình hoặc hạng mục công trình hoàn thành. KTV phải đối chiếu số liệu ghi giảm vốn đầu tư với báo cáo về quyết toán được duyệt để xác minh số vốn được ghi giảm.
* KTV lập bảng kê số được cấp phát, số đã cấp phát, số đã sử dụng và số còn lại để đối chiếu với những qui định về vốn rồi xác định nguồn vốn bổ sung.
* KTV kiểm tra chênh lệch đánh giá lại tài sản thì phải có quyết định của Nhà nước về việc đánh giá lại tài sản. KTV đối chiếu qui trình và từng khoản mục liên quan trên sổ kế toán của đơn vị chủ đầu tư.
* KTV kiểm tra chênh lệch tỷ giá ngoại tệ bằng cách:
- Lập bảng kê các loại ngoại tệ hiện có của chủ đầu tư, đối chiếu với giá trị tương đương bằng đồng Việt Nam tại thời điểm lập báo cáo quyết toán và thời điểm có các loại ngoại tệ này
- Tính toán lại việc qui đổi cho phù hợp tại thời điểm lập báo cáo quyết toán.
- Xem xét quá trình hạch toán và xử lý chênh lệch có đúng qui định và đúng phương pháp kế toán hay không?
* KTV kiểm tra việc trình bày và công bố nguồn vốn đầu tư
- Các loại nguồn vốn này phải được trình bày cụ thể trong từng loại báo cáo quyết toán
- Kiểm tra quá trình kế toán về nguồn vốn đầu tư đúng chế độ qui định bằng cách xem qui trình hạch toán của ban quản lý dự án, chủ đầu tư theo hình thức kế toán; kiểm tra việc đánh số liên tục của chứng từ kế toán
- So sánh số vốn được cấp phát, đã cấp phát và còn được cấp phát với dự toán và định mức
1.3. Kiểm toán chi phí đầu tư dự án XDCB
1.3.1. Mục tiêu kiểm toán chi phí đầu tư XDCB
Xác định tổng số chi phí đầu tư dự án XDCB phù hợp với khối lượng thực tế của từng dự án, hạng mục công trình (HMCT) và toàn bộ công trình. Thông qua đó đánh giá tính trung thực của báo cáo quyết toán toàn bộ dự án công trình và giá trị của từng HMVT hoàn thành đưa vào
sản xuất sử dụng làm cơ sở kết luận về giá trị TSCĐ, TSLĐ hình thành qua đầu tư
1.3.2. Quá trình KSNB đối với chi phí đầu tư dự án
Chủ đầu tư và ban quản lý dự án phải xây dựng và thực hiện tốt các qui định về quản lý dự án như:
- Có sổ kế toán chi tiết chi phí đầu tư dự án theo từng HMCT, từng thành phần chi phí đầu tư và từng nguồn vốn đầu tư…
- Có dự toán, định mức chi phí được duyệt và kế hoạch chi tiêu, sử dụng vốn đầu tư đúng mục đích, hiệu quả. Có kế hoạch và hợp đồng thi công, mua sắm vật tư, thiết bị, kiểm nghiệm đầy đủ chặt chẽ đúng qui định của cấp có thẩm quyền…
- Có các qui chế quản lý, giám sát quá trình thi công, thanh quyết toán, nghiệm thu, bảo quản tài sản, vật tư thiết bị và chi phí cho ban quản lý công trình.
- Mọi khoản chi phải được kiểm duyệt đúng qui định, đúng mục đích, đúng định mức, dự toán và được ghi chép kịp thời.
- Các bộ phận phải có nhật ký công tác để dễ kiểm tra đối chiếu và kiểm soát lẫn nhau
- Có các qui định về quyền hạn, trách nhiệm của những người có liên quan đến việc ký duyệt các loại chứng từ liên quan đến chi phí sản xuất xây dựng cơ bản của dự án và lưu lại chữ ký của những người có trách nhiệm
- Phải có sự qui định cụ thể và rõ ràng về chế độ kiểm tra kiểm soát, kiểm kê hiện vật, điều chỉnh chi phí, kể cả các tiêu chuẩn phân bổ chi phí hợp lý.
- Có qui định về việc kiểm kê chi phí XDCB dở dang một cách đúng đắn, phù hợp. Việc đánh giá phải đúng phương pháp phù hợp với dự án công trình.
- Có sự qui định về việc áp dụng các phương pháp tập hợp chi phí đầu tư, phân bổ, tính giá thành dự án công trình một cách khoa học, phù hợp với chế độ
- Đảm bảo sự tách biệt một cách độc lập giữa các bộ phận được phê duyệt, thi công giám sát, nghiệm thu khối lượng, thanh toán kế toán. Đồng thời luôn lưu giữ lại các chữ ký và dấu hiệu kiểm soát nội bộ của những người, những bộ phận có trách nhiệm liên quan đến dự án
…
1.3.3. Phương pháp kiểm toán
* Kiểm toán chi phí
xây dựng và lắp đặt của dự án
- KTV so sánh chi phí
xây lắp thực thế so với kế hoạch, định mức, dự toán theo từng bộ phận, từng HMCT…để xác định những chi phí có chênh lệch lớn, có sự bất thường.
- KTV kiểm tra lại hệ thống định mức, đơn giá và các tỉ lệ chi phí qui định tại các thời điểm áp dụng và phạm vi áp dụng có phù hợp với qui định của nhà nước và khu vực hay không?
- KTV Kiểm tra thực tế tại các công trình, lưu ý đến các phần che khuất, hay bị tính trùng, khối lượng do thay đổi thiết kế…
- KTV đối chiếu các đơn giá, các chứng từ chi tiêu của chủ đầu tư mà KTV có sự nghi ngờ với hóa đơn của người cung cấp
- Đối chiếu chi phí do nhà thầu đưa ra với
hóa đơn của người cung cấp
- Đối chiếu chi phí nhân công với bảng thanh toán lương để xác định phần chi phí hợp lý, còn chênh lệch có thể thuế lao động bên ngoài (lao động thời vụ) với mức thù lao thấp
- KTV khi kiểm tra phải lưu ý đến thời gian, ngày tháng và thẩm quyền của những người ký duyệt chứng từ, tài liệu
- Tính toán lại số liệu ở những bộ phận có nhiều sai sót trọng yếu về khối lượng, đơn giá, so sánh với số liệu của đơn vị, xác định phần chênh lệch và tìm nguyên nhân
- KTV kiểm tra lại quá trình và phương pháp kế toán của chủ đầu tư về khối lượng xây lắp. Kiểm tra sự đánh số liên tục của các chứng từ, phiếu giá thanh toán khối lượng xây lắp hoàn thành.
- Kiểm tra so sánh số liệu giữa sổ chi tiết chi phí đầu tư của từng HMCT với số liệu trên sổ cái
* Kiểm toán chi phí mua sắm máy móc thiết bị lắp đặt vào công trình
Máy móc thiết bị công trình gồm hai loại: Máy móc thiết bị cần lắp (Phải qua lắp đặt mới sử dụng được và máy móc thiết bị không cần lắp đặt (không qua công tác lắp đặt)
- KTV thực hiện kiểm tra lại các hợp đồng nhận thầu cung cấp vật tư thiết bị có đối chiếu với thiết kế và dự toán được phê duyệt
- Kiểm tra đối chiếu so sánh thực tế với danh mục chủng loại thiết bị, tiêu chuẩn kỹ thuật, giá cả khi quyết toán do với dự toán được duyệt
- Đối chiếu giá gốc của những loại máy móc thiết bị có nhiều nghi ngờ với giá hóa đơn của nhà cung cấp
- Kiểm tra hồ sơ tài liệu và chứng từ vận chuyển, bảo quản gia công, tu sửa, sơn mạ…
- Kiểm tra lại chất lượng thiết bị, số hiệu, chủng loại thông qua kiểm tra tình hình thực tế. Nếu thiết bị mà KTV ít hiểu biết phài mời chuyên gia xác nhận.
- Kiểm tra việc qui đổi từ ngoại tệ ra tiền Việt Nam tại thời điểm nhập máy móc thiết bị nếu là thiết bị nhập khẩu
- Kiểm tra lại việc tính toán giá thực tế của các loại thiết bị
- Kiểm tra quá trình hạch toán về thiết bị đúng chế độ qui định
- Kiểm tra chế độ bảo quản, tiến độ mua sắm, bàn giao thanh toán có phù hợp với qui định của dự toán và thiết kế hay không
* Kiểm toán chi phí khác về xây dựng cơ bản
Nội dung chi phí khác về XDCB bao gồm chi phí có tính vào giá trị công trình và chi phí không tính vào giá trị công trình
Chi khác về XDCB được chia làm hai loại: Một loại chi theo định mức như: Chi đền bù nhà cửa, vật kiến trúc, thuê đất và một loại là chi theo dự án như chi phí ban quản lý công trình, chi phí tuyển công nhân…
- Loại chi theo định mức thì KTV cần căn cứ vào bảng giá qui định của cấp có thẩm quyền đối chiếu và tính lại theo khối lượng thực tế. Loại chi theo dự toán thì KTV phải căn cứ vào dự toán được phê duyệt so sánh, đối chiếu với thực tế đã chi.
- Kiểm tra chi phí đầu tư tạo thành TSLĐ bằng cách so sánh thực tế với dự toán theo từng quy cách, phẩm cấp, chủng loại.
- Kiểm tra quá trình hạch toán về chi phí XDCB khác bằng cách xem xét trình tự hạch toán của một số nghiệp vụ
- Đối chiếu chi phí đầu tư được duyệt bỏ với số liệu kiểm kê thực tế và quyết định cho phép duyệt bỏ của cấp có thẩm quyền
- Kiểm tra các khoản ghi giảm chi phí đầu tư và việc phân bổ chi phí khác về XDCB vào từng HMCT
Việc phân bổ chi phí khác về xây dựng cơ bản tùy thuộc nội dung từng loại chi phí và cách phân bổ, tiêu thức lựa chọn đã trình bày ở phần nội dung chi khác về xây dựng cơ bản cso tính vào giá trị công trình.
1.4. Kiểm toán vốn bằng tiền
1.4.1. Mục tiêu kiểm toán vốn bằng tiền
Nhằm xác định rõ về cơ sở dẫn liệu của nghiệp vụ vốn bằng tiền phát sinh và số dư tài khoản vốn bằng tiền như: Các nghiệp vụ liên quan đến vốn bằng tiền thì có thực sự xảy ra và được ghi chép đầy đủ, đúng phương pháp;
Số dư tài khoản vốn bằng tiền trên sổ cái phải khớp đúng với số liệu kiểm kê thực tế về từng loại tiền và số liệu tổng cộng trên các sổ kế toán chi tiết;
Việc qui đổi ngoại tệ ra tiền Việt Nam phù hợp và tuân theo tỉ giá ngoại tệ qui định.
1.4.2. Quá trình KSNB đối với vốn bằng tiền
- Kế toán tiền không được kiêm thủ quĩ
- Nhân viên được phân công nhiệm vụ phải có đầy đủ năng lực và liêm chính
- Ghi chép một cách kịp thời, đầy đủ vào sổ chi tiết của từng loại tiền
- Khi thu chi tiền phải có đầy đủ các chứng từ và có biên lai cho người nộp hoặc nhận tiền
- Hàng ngày, phải có sự đối chiếu số liệu giữa kế toán và thủ quĩ, định kỳ giữa kế toán với ngân hàng về từng loại tiền
- Xây dựng các thủ tục xét duyệt các khoản chi và áp dụng đúng nguyên tắc ủy quyền phê chuẩn
- Phải có hệ thống các biện pháp đảm bảo an toàn đối với tiền mặt, tiền gửi và tiền tạm ứng
- Riêng tài khoản tạm ứng phải thực hiện đúng theo qui định của hiệp định vay, tức là phải cân đối hàng tháng, phải bổ sung kịp thời về thủ tục, thanh toán đúng các khoản chi hợp lệ…
1.4.3. Phương pháp kiểm toán
- Kiểm kê quĩ và phải có chữ ký xác nhận của người chịu trách nhiệm;
- Kiểm tra khóa sổ tài khoản vốn bằng tiền
- Lập bảng cân đối thu chi theo từng loại tiền để đối chiếu với sổ chi tiết và sổ tổng hợp để đối chiếu số dư trên báo cáo và số kiểm kê thực tế
- Đối chiếu và xác nhận với ngân hàng có liên quan về các khoản chi tiêu và số dư
- Kiểm tra việc qui đổi ngoại tệ theo đúng tỉ giá qui định tại thời điểm phát sinh nghiệp vụ
- Kiểm tra tính hợp pháp hợp lệ của các chứng từ thu chi, việc phát hành séc, các séc chưa được thanh toán
- Kiểm tra về các tài khoản tạm ứng; phải lập thêm bảng kê về số lượng các loại tiền, thời gian mục đích và nội dung cụ thể trên các đơn xin rút vốn từ tài khoản này được chấp nhận
- Kiểm tra chi phí xây lắp và có sự đối chiếu xác nhận của ngân hàng phục vụ;
- Sử dụng một số kỹ thuật phân tích về các khoản chi so với dự toán, định mức để đi sâu kiểm toán các bộ phần cần thiết
- Chọn mẫu một số nghiệp vụ thu chi mà KTV cho là trọng yếu để tiến hành xem xét quá trình ghi chép xử lý và qui trình hạch toán của chủ đầu tư, ban quản lý công trình.
1.5. Kiểm toán vật tư thiết bị
1.5.1. Mục tiêu kiểm toán vật tư thiết bị
- Lảm rõ cơ sở dẫn liệu của vật tư thiết bị trên báo cáo quyết toán là có thật và được mua sắm bằng vốn đầu tư của dự án công trình (thuộc sở hữu của chủ đầu tư) và tuân thủ những qui định mua sắm của dự án đã được phê duyệt
- Các loại vật tư thiết bị được tính toán, đánh giá đúng số lượng, số tiền và tuân theo nguyên tắc được chấp nhận phổ biến
- Các nghiệp vụ phát sinh về vật tư, thiết bị phải được ghi chép đầy đủ, kịp thời, đúng kỳ, đúng phương pháp kế toán, đúng chế độ qui định và đúng đối tượng
- Tính nhất quán trong việc tính toán, đánh giá và phân loại vật tư thiết bị theo đúng qui định
- Vật tư, thiết bị được mua sắm đúng thiết kế, dự toán được duyệt, đảm bảo chất lượng kỹ thuật qui định
- Vật tư, thiết bị được trình bày và khai báo trên báo cáo quyết toán đúng giá trị, đầy đủ và không bị sai lệch
- Quá trình KSNB về vật tư thiết bị của ban quản lý dự án là chặt chẽ, hiệu quả, rủi ro kiểm soát về vật tư và thiết bị là thấp. KTV hoàn toàn tin tưởng vào quá trình KSNB này
1.5.2. Quá trình KSNB về vật tư thiết bị
- Dự án phải có thiết kế, dự toán và vật tư thiết bị mua sắm phải phù hợp với thiết kế dự toán đã được duyệt
- Có kế hoạch, hợp đồng, đơn đặt hàng, chứng từ mua sắm, vận chuyển và biên bản thanh lý hợp đồng đầy đủ, chặt chẽ…
- Có các biên bản kiểm nghiệm vật tư thiết bị mua sắm, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật và môi trường sinh thái…
- Đảm bảo sự tách biệt độc lập giữa các bộ phận phê duyệt, đi mua, kiểm nghiệm, kế toán…
- Luôn lưu lại dấu hiệu kiểm soát nội bộ trên các chứng từ mua sắm vật tư, thiết bị có liên quan…
- Có các biên bản giao nhận, lắp đặt phù hợp với khối lượng và tiến độ thi công
- Có sự phê chuẩn, ủy quyền của những người có trách nhiệm về việc mua sắm vật tư thiết bị
- Có hệ thống sổ kế toán theo dõi riêng cho từng chủng loại, qui cách, số lượng và giá trị
- Có chế độ kiểm kê, bảo quản và hệ thống kho tàng đảm bảo cho vật tư, thiết bị an toàn đúng qui định
1.5.3. Phương pháp kiểm toán
- KTV lựa chọn những vật tư, thiết bị có giá rị lớn, quan trọng, có nhiều khả năng sai sót trọng yếu để tiến hành thử nghiệm
- Thực hiện so sánh danh mục vật tư, thiết bị trong báo cáo với dự toán được duyệt, phân tích số vật tư, thiết bị chênh lệch và tìm nguyên nhân để đi sâu kiểm toán.
- Thực hiện kiểm kê thực tế đối chiếu với kết quả kiểm kê của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, với báo cáo quyết toán.
- Đối chiếu giữa sổ kế toán tổng hợp và sổ chi tiết của vật tư thiết bị
- Đối chiếu những chứng từ, hóa đơn nghi ngờ với khách hàng và nhà cung cấp.
- Xem xét quá trình kiểm kê của chủ đầu tư, để đảm bảo việc kiểm kê của chủ đầu tư là chính xác, đầy đủ và chặt chẽ về vật tư, thiết bị.
- Kiểm tra lại các hợp đồng, đơn đặt hàng, hóa đơn mua vật tư, thiết bị kể cả chứng từ vận chuyển của những loại mà KTV cho là trọng yếu để xác định về quá trình kiểm soát từ đầu đến cuối, cả việc tính toán giá trị và ghi sổ kế toán.
- Đối chiếu các loại vật tư, thiết bị sử dụng, mua sắm với kế hoạch và tiến độ thi công nhằm xác định những vấn đề bất hợp lý.
- Xem xét về việc đánh số liên tục của chứng từ có liên quan đến vật tư, thiết bị và tính nhất quán của các phương pháp tính giá vật tư thiết bị.
1.6. Kiểm toán Tài sản cố định
1.6.1. Mục tiêu kiểm toán tài sản cố định
Xác minh cơ sở dẫn liệu của TSCĐ của đơn vị chủ đầu tư đó là:
- Các TSCĐ là có thật, thuộc sở hữu của chủ đầu tư và được hình thành qua đầu tư một cách đúng đắn
- Các TSCĐ phản ánh một cách đầy đủ và đúng giá trị trong báo cáo
- Các TSCĐ ghi trên sổ kế toán chi tiết phù hợp với sổ cái
- Việc tính toán và đánh giá TSCĐ đúng theo các chuẩn mực được chấp nhận phổ biến
- Sự trình bày và khai báo về TSCĐ, tính khấu hao TSCĐ, tính khấu hao TSCĐ là đúng đắn và đầy đủ
- Việc tính ra nguyên giá TSCĐ hình thành qua đầu tư là đúng đắn đầy đủ và hợp lý các chi phí cấu thành
- KSNB về TSCĐ là đầy đủ, chặt chẽ hiệu quả và KTV tin tưởng vào quá trình kiểm soát nội bộ về TSCĐ của chủ đầu tư
1.6.2. Quá trình KSNB đối với TSCĐ
- Mọi
tài sản cố định sử dụng hay mua sắm, xây dựng, sửa chữa phải có kế hoạch, dự toán phù hợp với thiết kế được phê duyệt và phải lưu lại dấu hiệu kiểm soát nội bộ của những người, bộ phận chức năng có liên quan.
- Hệ thống sổ kế toán chi tiết TSCĐ và sổ theo dõi TSCĐ theo nơi sử dụng phải đầy đủ, ghi chép kịp thời, rõ ràng và minh bạch. Có chế độ kiểm kê TSCĐ phù hợp với qui định.
- Các thủ tục mua sắm, xây dựng, thanh lý sửa chữa phải chặt chẽ, có sự kiểm duyệt cụ thể của những người có thẩm quyền, kể cả việc quản lý và sử dụng tài sản cố định.
- Có qui định trách nhiệm của các bộ phận liên quan đến TSCĐ trong việc sử dụng và bảo quản TSCĐ
- Có qui định về mua bảo hiểm rủi ro, bảo hiểm vật chất
- Có sự phân biệt giữa chi phí tính vào nguyên giá hay tính vào chi phí xây dựng dự án, công trình
- Có sự qui định về cách tính, cách phân bổ chi phí khác về XDCB vào TSCĐ một cách đúng đắn và nhất quán
1.6.3. Phương pháp kiểm toán
- KTV nghiên cứu, đánh giá kiểm soát nội bộ về TSCĐ dựa trên các qui định về kiểm soát. Kết quả nghiên cứu làm cơ sở cho KTV đánh giá về rủi ro kiểm soát và mở rộng hay thu hẹp các phương pháp kiểm toán cơ bản
- KTV thực hiện tổng hợp TSCĐ của ban quản lý, phân tích so sánh với danh mục TSCĐ trong thiết kế và dự toán được phê duyệt
- So sánh TSCĐ tăng giảm với dự toán, kế hoạch mua sắm, hợp đồng, đơn đặt hàng cùng các chứng từ vận chuyển, hóa đơn của nhà cung cấp
- Kiểm kê hiện vật đối chiếu với số hiện có trong báo cáo quyết toán của chủ đầu tư
- Kiểm tra tính hợp lý hợp pháp của chứng từ tăng giảm TSCĐ
- Kiểm tra lại nguồn gốc và một số hồ sơ gốc của một số TSCĐ
- Kiểm tra tính việc đánh giá tính toán về nguyên giá TSCĐ
- Kiểm tra lại các chứng từ thanh toán của những TSCĐ mua sắm, xây dựng chú ý đến thẩm quyền của người ký duyệt
- Nếu các TSCĐ mà KTV ít hiểu biết thì phải mời chuyên gia đến xác nhận
- Kiểm tra tính liên tục của các chứng từ tăng giảm TSCĐ để đánh giá tính đầy đủ của việc ghi chép, đồng thời, kiểm tra quá trình ghi chép và hạch toán của những TSCĐ cần thiết
- Đối chiếu, so sánh số liệu tổng hợp và sổ chi tiết TSCĐ
- Kiểm tra việc trình bày trên BC quyết toán về giá trị TSCĐ còn lại, nguyên giá, số đã khấu hao
- Kiểm tra và tính toán lại khấu hao TSCĐ của ban quản lý theo qui định và so sánh với số liệu của chủ đầu tư
- Kiểm tra tính nhất quán của việc áp dụng phương pháp tính khấu hao và phân bổ chi phí khác về XDCB cho từng hạng mục công trình
- Kiểm tra chi phí sửa chữa theo đúng kế hoạch, dự toán và qui định, kể cả việc hạch toán.
…
1.7. Kiểm toán công nợ
1.7.1. Mục tiêu kiểm toán công nợ của chủ đầu tư
- Các khoản công nợ trên báo cáo là có thật phù hợp với từng đối tượng
- Các khoản công nợ được đánh giá và tính toán đúng số lượng và số tiền
- Các khoản công nợ phát sinh có đầy đủ căn cứ và chứng từ hợp lệ
- Có sự xác nhận của chủ nợ, khách nợ
- Các khoản công nợ được ghi chép đầy đủ, đúng qui định
- Các khoản công nợ được trình bày một cách đúng đắn và đầy đủ
- Qui trình kiểm soát nội bộ công nợ của chủ đầu tư và ban quản lý dự án là chặt chẽ, hiệu quả và kiểm toán viên hoàn toàn tin tưởng vào quá trình kiểm soát nội bộ này
1.7.2. Qui trình KSNB đối với công nợ
- Phải có qui định chặt chẽ về từng loại công nợ khi phát sinh và xử lý
- Có hệ thống sổ ghi chép theo từng loại công nợ và từng đối tượng
- Có sự kiểm tra xét duyệt và phê chuẩn cho từng loại công nợ
- Định kỳ có sự kiểm tra, đối chiếu xác nhận công nợ với các đối tượng liên quan
- Sự ghi chép công nợ phải có hệ thống, kịp thời và có sự phân loại rõ ràng
- Có qui định về việc sử dụng tỷ giá ngoại tệ để hạch toán;
…
1.7.3. Phương pháp kiểm toán
- Lập bảng đối chiếu công nợ theo tuổi để đánh giá tình hình công nợ. So sánh công nợ khó đòi với tổng số nợ để xác định về tình hình công nợ và khả năng thanh toán
- Đối chiếu sổ kế toán chi tiết với sổ tổng hợp, với báo cáo quyết toán và bảng đối chiếu công nợ với các chủ nợ, khách nợ. Gửi thư yêu cầu xác nhận
- Tổng hợp các thư đã xác nhận và không xác nhận để có biện pháp kiểm toán bổ sung. Đối chiếu nợ phải trả với các phiếu giá công trình và các hóa đơn nhập hàng…
- Kiểm tra các sổ chi tiết công nợ và quá trình ghi chép đầy đủ, đúng phương pháp bằng cách xem xét quá trình xử lý nghiệp vụ phát sinh và việc ghi sổ kế toán, lập báo cáo
- Đánh giá các khoản nợ có khả năng đòi được, không đòi được để xác định số lập dự phòng
- Tổng hợp tình hình và đưa ra kết luận phù hợp
Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết: