PHÂN TÍCH TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP
CÁC CHỈ TIÊU TÀI CHÍNH QUAN TRỌNG (Phần 1)
Hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính phải phản ánh được quy mô tài
chính, cấu trúc tài chính, chính sách huy động vốn, chính sách đầu tư, hiệu
suất và hiệu quả sử dụng vốn. Do vậy
để phân tích khái quát tình hình tài chính của doanh nghiệp, người ta thường sử
dụng các chỉ tiêu sau:
(1)
Tổng nguồn vốn:
Tổng nguồn vốn phản ánh khả năng tổ chức, huy động vốn của doanh nghiệp. Tổng nguồn vốn tăng hay
giảm giữa kỳ phân tích với kỳ gốc thể hiện quy mô nguồn vốn huy động giữa kỳ phân tích đã tăng
(giảm) so với kỳ gốc. Nguồn vốn của
doanh nghiệp phản ánh nguồn gốc, xuất xứ hình thành tổng tài sản doanh nghiệp
hiện đang quản lý và sử dụng vào hoạt động kinh doanh.
(2)
Tổng luân chuyển thuần:
Tổng doanh thu
thuần phản ánh quy mô giá trị sản phẩm, lao vụ, dịch vụ và các giao dịch khác
mà doanh nghiệp đã thực hiện đáp ứng các nhu cầu khác nhau của thị trường, cung
cấp cơ sở phản ánh phạm vi hoạt động, tính chất ngành nghề kinh doanh, cơ sở để
xác định tốc độ luân chuyển vốn kinh doanh và trình độ quản trị hoạt động kinh
doanh của doanh nghiệp. Thông thường, khi doanh nghiệp không có hoạt động tài
chính và các hoạt động khác thì theo thông lệ chỉ tiêu này chính là doanh thu
của doanh nghiệp
(3) Lợi
nhuận sau thuế
Lợi
nhuận sau thuế (LNST) = Luân chuyển thuần – Tổng chi phí
LNST = Lợi nhuận trước chi phí lãi vay
và thuế TNDN – Chi phí lãi vay – Chi phí thuế TNDN
Chỉ tiêu lợi nhuận ròng cho biết quy mô lợi nhuận dành cho các chủ
sở hữu của doanh nghiệp qua mỗi thời kỳ nhất định. Chỉ tiêu này cung cấp cơ sở
cho việc đánh giá các chính sách kế toán của doanh nghiệp, trình độ quản trị
chi phí hoạt động, năng lực sinh lời hoạt động của doanh nghiệp và nguồn gốc
tăng trưởng bền vững về tài chính của doanh nghiệp
(4) Dòng tiền thu vào trong kỳ
Tổng dòng tiền thu vào của doanh nghiệp trong mỗi thời kỳ được xác
định thông qua sự tổng hợp dòng tiền thu vào từ tất cả các hoạt động tạo tiền
của doanh nghiệp trong kỳ. Tổng dòng tiền thu vào bao gồm: dòng tiền thu vào từ
hoạt động kinh doanh, dòng tiền thu vào từ hoạt động đầu tư và dòng tiền
thu vào từ hoạt động tài chính. Chỉ tiêu
này cho biết quy mô dòng tiền của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có quy mô dòng
tiền càng lớn trong khi có các yếu tố khác tương đồng với các đối thủ cùng
ngành thì năng lực hoạt động tài chính càng cao. Tuy nhiên, để đảm bảo không
ngừng tăng quy mô dòng tiền thì cần đánh giá chỉ tiêu dòng tiền lưu chuyển
thuần.
(5) Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ
Lưu chuyển tiền thuần phản ánh lượng tiền gia tăng trong kỳ từ các
hoạt động tạo tiền. Một doanh nghiệp có thể có dòng tiền thu về rất lớn nhưng
khả năng tạo tiền vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu chi ra bằng tiền nên dòng
tiền lưu chuyển thuần âm, khi dòng tiền lưu chuyển thuần âm liên tục là dấu
hiệu suy thoái về năng lực tài chính rõ rệt nhất của những doanh nghiệp đang
hoạt động bình thường. Ngược lại, khi dòng tiền thuần dương quá lớn và liên tục
tức là khả năng tạo tiền trong mỗi kỳ đều dư thừa so với nhu cầu chi trả làm
tăng tiền dự trữ cuối kỳ cũng là dấu hiệu cho thấy ứ đọng tiền mặt. Cần đánh
giá dòng tiền thuần gia tăng từ hoạt động nào, có mục tiêu tạo tiền rõ hay
không để có những đánh giá cụ thể.
Khi doanh nghiệp duy trì và gia tăng được dòng tiền lưu chuyển
thuần từ hoạt động kinh doanh tức là cơ hội tăng trưởng bền vững của doanh
nghiệp khá rõ rệt; nếu lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư dương tức là
doanh nghiệp thu hồi các khoản đầu tư, thanh lý, nhượng bán các tài sản cố định
lớn hơn lượng đầu tư, mua sắm mới, đó là dấu hiệu thu hẹp quy mô tài sản; nếu
dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính dương và tăng tức là huy động nguồn vốn
tăng thêm nhiều hơn hoàn trả nguồn vốn trong kỳ sẽ làm tăng thêm sự chia sẻ,
“pha loãng” quyền lực của các chủ sở hữu, lệ thuộc thêm về tài chính vào các
chủ thể cấp vốn. Vì vậy, cần xác định rõ nguyên nhân và tính chất hợp lý, hiệu
quả của sự gia tăng dòng tiền thuần từ hai hoạt động này.
Xem thêm:
Hệ thống chỉ tiêu phân tích khái quát tình hình tài chính (P2)
Tổng quan về quản trị tài chính trong doanh nghiệp