Tư vấn miễn phí | Email: contact@ngheketoan.edu.vn

Tổng quan về quản trị tài chính trong doanh nghiệp


1. Quản trị tài chính trong doanh nghiệp là gì?
Quản trị tài chính trong doanh nghiệp là việc lựa chọn đưa ra quyết định và tổ chức thực hiện các quyết định tài chính nhằm đạt được các mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp. 
Do các quyết định tài chính của doanh nghiệp đều gắn với việc tạo lập, phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp; vì vậy quản trị tài chính doanh nghiệp còn được nhìn nhận là quá trình hoạch định, tổ chức thực hiện, điều chỉnh và kiểm soát quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ đáp ứng nhu cầu hoạt động của doanh nghiệp.
Quản trị tài chính doanh nghiệp bao gồm các hoạt động của người quản lý (nhà quản trị) liên quan đến việc đầu tư, mua sắm tài trợ và quản lý tài sản của doanh nghiệp nhằm đạt được các mục tiêu đề ra. Có thể thấy rằng quản trị tài chính doanh nghiệp liên quan đến ba loại quyết định chính: Quyết định đầu tư, quyết định huy động vốn và quyết định phân phối lợi nhuận làm ra sao cho có lợi nhất cho các chủ sở hữu doanh nghiệp.
Quản trị tài chính doanh nghiệp là một bộ phận, nội dung quan trọng hàng đầu của quản trị doanh nghiệp, nó có quan hệ chặt chẽ và ảnh hưởng tới tất cả các mặt hoạt động của doanh nghiệp. Hầu hết các quyết định quản trị doanh nghiệp đều dựa trên cơ sở những kết quả rút ra từ việc đánh giá về mặt tài chính của hoạt động quản trị tài chính doanh nghiệp. Điều này xuất phát từ vai trò của công tác quản trị tài chính đối với doanh nghiệp.
2. Tại sao cần quan tâm đến quản trị tài chính trong doanh nghiệp?
Hiện nay với việc chuyển đổi sang nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, các doanh nghiệp phải thực hiện tự chủ hoàn toàn về sản xuất kinh doanh và về tài chính; hoạt động của các doanh nghiệp phải đương đầu với nhiều thách thức do sự cạnh tranh của các doanh nghiệp khác cùng với sự biến động khó lường của thị trường. Trong điều kiện đó, hoạt động của các doanh nghiệp phải được đặt trên cơ sở công tác hoạch định cả về chiến lược (dài hạn) và chiến thuật (ngắn hạn).
Về mặt chiến lược, các doanh nghiệp cần xác định được kế hoạch, mục tiêu kinh doanh dài hạn. Ví dụ, việc doanh nghiệp dự định phát triển một sản phẩm mới, hay thực hiện một dự án mở rộng hoạt động kinh doanh, việc góp vốn liên doanh dài hạn, việc phát hành thêm cổ phiếu mới để huy động thêm vốn góp đều là các quyết định có tính chất chiến lược đối với doanh nghiệp.
Bên cạnh các quyết định có tính chất chiến lược, các nhà quản trị doanh nghiệp cũng phải quan tâm đến các quyết định có tính chất chiến thuật (ngắn hạn). Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong thời hạn ngắn (quý, tháng, tuần,…) luôn gắn liền với việc phát sinh các quyết định cụ thể như thay thế một thiết bị đang dùng bằng một thiết bị khác tốt hơn, việc lựa chọn giữa thuê hay mua nhà làm văn phòng đại diện, việc điều chỉnh tỷ lệ chiết khấu thanh toán nhằm đẩy nhanh quá trình thu hồi tiền hàng,…là những quyết định có tính chất chiến thuật
Tất cả các quyết định chiến lược và chiến thuật của doanh nghiệp đều được lựa chọn chủ yếu dựa trên sự phân tích, đánh giá về mặt tài chính. Ngày nay vai trò của quản trị tài chính doanh nghiệp ngày càng trở nên hết sức quan trọng hơn đối với hoạt động của doanh nghiệp vì:
- Tình hình tài chính của doanh nghiệp liên quan và ảnh hưởng tới tất cả các hoạt động của doanh nghiệp.
- Quy mô kinh doanh và nhu cầu vốn cho hoạt động của doanh nghiệp ngày càng lớn. Cùng với sự phát triển của thị trường tài chính thì các công cụ tài chính để huy động vốn ngày càng phong phú và đa dạng hơn. Vì vậy các quyết định huy động vốn, quyết định đầu tư…của nhà quản trị tài chính ảnh hưởng lớn đến tình hình và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
- Các thông tin về tình hình tài chính là căn cứ quan trọng đối với các nhà quản lý doanh nghiệp trong việc kiểm soát và chỉ đạo các hoạt động của doanh nghiệp.


Để hiểu rõ hơn về các kỹ năng quản trị tài chính trong doanh nghiệp, mời các bạn tham khảo các bài viết sau:


Gửi thông tin tư vấn

Họ tên(*)
Số điện thoại(*)
Email(*)
Địa chỉ
Yêu cầu tư vấn