Tư vấn miễn phí | Email: contact@ngheketoan.edu.vn

Kỹ năng quản trị rủi ro


1. Khái niệm rủi ro
Định nghĩa về rủi ro rất phong phú và đa dạng, nhưng tựu trung lại có thể chia thành hai trường phái lớn: Trường phái truyền thống và trường phái hiện đại. 
Theo trường phái truyền thống rủi ro được xem là những thiệt hại, mất mát, nguy hiểm hoặc các yếu tố có liên quan đến nguy hiểm, khó khăn hoặc điều không tốt có thể xảy ra cho con người. Đối với doanh nghiệp thì đó là sự tổn thất về tài sản hay là sự giảm sút lợi nhuận thực tế so với lợi nhuận dự kiến hay nó còn được hiểu là những bất trắc ngoài ý muốn xảy ra trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo trường phái hiện đại, rủi ro là sự không chắc chắn hay môt tình trạng bất ổn có thể đo lường được, vừa mang tính tính cực vừa mang tính tiêu cực. Rủi ro có thể mang đến những tổn thất mất. Theo trường phái này rủi ro được định nghĩa về mặt định tính và định lượng.
1.1. Khái niệm định tính
Trong hoạt động của một doanh nghiệp, rủi ro trở thành “từ khóa” quan trọng bậc nhất. Rủi ro và thời gian là 2 yếu tố song sinh không thể tách rời nhau được. Các quyết định kinh doanh, quyết định tài chính ngày hôm nay bắt buộc phải tính toán đến những thu nhập đạt được trong tương lai. Tuy nhiên trong tương lại lại luôn có sự biến động, những biến cố bất ngờ có thể xảy ra và làm cho kết quả thu được không đạt được như dự tính. Điều đó cũng có nghĩa là các quyết định tài chính nhất thiết sẽ hàm chứa các rủi ro nào đó, 99.9% các trường hợp rủi ro này khác 0.
Như vậy, khái niệm rủi ro ở đây được được xem xét như là khả năng xuất hiện các kết quả thực tế không giống như dự đoán. Thuật ngữ này hay còn được sử dụng với ý nghĩa như là sự không chắc chắn ở thời điểm hiện tại về kết quả sẽ đạt được trong tương lai.
1.2. Khái niệm định lượng
Khái niệm trên giúp phân biệt được rủi ro và sự bất trắc, nhưng không cho phép đo lường được rủi ro. Để có thể đánh giá được mức độ rủi ro, người ta phải đo lường gián tiếp thông qua sự biến động giữa kết quả thu được thực tế so với dự kiến (trung bình)
Do đó, khái niệm rủi ro ở đây được xem xét như là sự khác biệt giữa giá trị thực tế so với giá trị kỳ vọng.
2. Quản trị rủi ro trong doanh nghiệp.
2.1. Khái niệm
“Là một quy trình được thiết lập bởi hội đồng quản trị, ban quản trị và các cán bộ có liên quan khác áp dụng trong quá trình xây dựng chiến lược doanh nghiệp thực hiện xác định những sự vụ có khả năng xảy ra gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp đồng thời quản trị rủi ro trong phạm vi cho phép nhằm đưa ra mức độ đảm bảo trong việc đạt được mục tiêu của doanh nghiệp”. 
Quản trị rủi ro doanh nghiệp ngày nay được coi như là một bộ phận không thể tách rời với chiến lược doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là chiến lược của doanh nghiệp sẽ được xem là không đầy đủ nếu thiếu vắng sự gắn kết với quản trị rủi ro. 
Có nhiều loại rủi ro khác nhau được xâm nhập từ bên ngoài doanh nghiệp cũng như phát sinh bên trong doanh nghiệp. Rủi ro thường được phân loại vào những nhóm chính như rủi ro chiến lược, rủi ro hoạt động, rủi ro tài chính, rủi ro quản trị tri thức và rủi ro tuân thủ.
2.2. Mục tiêu hoạt động của quản trị rủi ro doanh nghiệp
Quản trị rủi ro doanh nghiệp có mục đích hoạt động là bảo vệ và đóng góp những giá trị tăng thêm cho doanh nghiệp và các đối tác liên quan của doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp đạt được mục tiêu đã đề ra thông qua những nội dung cơ bản sau thể hiện tác dụng của quản trị rủi ro doanh nghiệp:
- Xây dựng khuôn khổ nhằm giúp doanh nghiệp thực hiện kế hoạch tương lai có tính nhất quán và có thể kiểm soát;
- Tăng cường năng lực trong việc ra quyết định, lập kế hoạch và sắp xếp thứ tự ưu tiên công việc trên cơ sở hiểu biết thấu đáo và chặt chẽ về hoạt động kinh doanh, môi trường kinh doanh, cơ hội và thách thức của doanh nghiệp;
- Góp phần phân bổ và sử dụng hiệu quả những nguồn lực trong doanh nghiệp;
- Giảm thiểu những sai sót trong mọi khía cạnh của doanh nghiệp;
- Bảo vệ và tăng cường tài sản cũng như hình ảnh doanh nghiệp;
- Phát triển và hỗ trợ nguồn nhân lực và nền tảng tri thức của doanh nghiệp;
- Tối ưu hóa hiệu quả hoạt động.
2.3. Chính sách quản trị rủi ro và bộ phận quản trị rủi ro tại doanh nghiệp
Chính sách quản trị rủi ro được xây dựng trong đó xác định phương pháp tiếp cận đối với rủi ro và quản trị rủi ro. Đồng thời chính sách quản trị rủi ro cũng nêu rõ trách nhiệm trong việc quản trị rủi ro trong toàn bộ doanh nghiệp.
Hội đồng quản trị là người chịu trách nhiệm xác định định hướng chiến lược và cơ cấu cho chức năng quản trị rủi ro doanh nghiệp nhằm đảm bảo hoạt động hiệu quả nhất. Các bộ phận chức năng trong doanh nghiệp có trách nhiệm trước hết trong việc quản trị rủi ro hàng ngày, gắn kết việc nhận thức và tuyên truyền về quản trị rủi ro trong bộ phận mình công tác. Kiểm toán nội bộ là người đảm bảo rằng công tác quản trị rủi ro được thực thi có hiệu quả thông qua việc đánh giá theo chương trình, kế hoạch của kiểm toán nội bộ.
Tùy thuộc quy mô của doanh nghiệp có thể thiết lập một bộ phận chuyên trách đảm nhiệm chức năng quản trị rủi ro trong doanh nghiệp. Nhìn chung, nhiệm vụ của bộ phận này cần phải thực hiện bao gồm:
- Xây dựng chính sách và chiến lược quản trị rủi ro trong doanh nghiệp;
- Thiết kế định hướng quản trị rủi ro ở cấp độ chiến lược và chức năng;
- Xây dựng văn hóa nhận thức về rủi ro trong doanh nghiệp trong đó có việc đào tạo về quản trị rủi ro trong doanh nghiệp;
- Xây dựng chính sách và tổ chức quản trị rủi ro nội bộ đối với các bộ phận chức năng trong doanh nghiệp;
- Thiết kế và rà soát quy trình quản trị rủi ro;
- Điều phối các hoạt động chức năng khác nhau có liên quan đến vấn đề quản trị rủi ro trong doanh nghiệp;
- Xây dựng các quy trình ứng phó với rủi ro trong đó có các chương trình dự phòng và duy trì hoạt động kinh doanh thường xuyên;
- Chuẩn bị báo cáo về quản trị rủi ro đệ trình hội đồng quản trị và các đối tác liên quan của doanh nghiệp.
2.4. Quy trình quản trị rủi ro
Quy trình quản trị rủi ro được thiết kế mang tính đồng bộ và có sự gắn kết với việc xây dựng và thực thi chiến lược của doanh nghiệp. Về cơ bản, quy trình quản trị rủi ro cần chứa đựng những giai đoạn hay bước công việc cơ bản như: Xác định rủi ro, mô tả rủi ro, lượng hóa rủi ro, phân tích rủi ro, xếp hạng rủi ro, đánh giá rủi ro, lập báo cáo về rủi ro, xử lý rủi ro, theo dõi và rà soát quy trình trình quản trị rủi ro.
Kèm theo quy trình quản trị rủi ro là hệ thống những phương pháp luận và công cụ phục vụ công tác quản trị rủi ro đồng bộ được thiết kế cho các công đoạn khác nhau của quy trình kinh doanh. Để thực thi quy trình quản trị rủi ro một cách hiệu quả cần tranh thủ sự ủng hộ và cam kế ủng hộ của lãnh đạo doanh nghiệp, phân công trách nhiệm rõ ràng cũng như phân bổ nguồn lực phù hợp, đào tạo và tuyên truyền về quản trị rủi ro cho mọi đối tượng liên quan.


Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết:


Gửi thông tin tư vấn

Họ tên(*)
Số điện thoại(*)
Email(*)
Địa chỉ
Yêu cầu tư vấn