I. Tổ chức lại doanh nghiệp
1. Chia doanh nghiệp
Chia doanh nghiệp là biện pháp tổ chức lại được áp dụng
cho công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần, theo đó công ty trách nhiệm
hữu hạn, công ty cổ phần được chia thành một số công ty cùng loại. Sau khi đăng
ký kinh doanh các công ty mới, công ty bị chia chấm dứt tồn tại. Các công ty
mới phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp
đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị chia hoặc có thể thoả
thuận với chủ nợ, khách hàng và người lao động để một trong số các công ty đó
thực hiện nghĩa vụ này.
2. Tách doanh nghiệp
Tách doanh nghiệp là biện pháp tổ chức lại được áp
dụng cho công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần, theo đó công ty trách
nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần được tách bằng cách chuyển một phần tài sản của
công ty hiện có (gọi là công ty bị tách) để thành lập một hoặc một số công ty
cùng loại (gọi là công ty được tách), chuyển một phần quyền và nghĩa vụ của
công ty bị tách sang công ty được tách mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị
tách. Thủ tục tách công ty được thực hiện theo Điều 151 Luật Doanh nghiệp. Sau
khi đăng ký kinh doanh, công ty bị tách và công ty được tách phải cùng liên đới
chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các
nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị tách, trừ trường hợp công ty bị tách, công
ty mới thành lập, chủ nợ, khách hàng và người lao động của công ty bị tách có
thoả thuận khác.
3. Hợp nhất doanh nghiệp
Hợp nhất doanh nghiệp là biện pháp tổ chức lại
được áp dụng cho tất cả các loại hình công ty, theo đó hai hoặc một số công ty
cùng loại (gọi là công ty bị hợp nhất) hợp nhất thành một công ty mới (gọi là
công ty hợp nhất) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích
hợp pháp sang công ty hợp nhất, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của các công ty
bị hợp nhất. Thủ tục hợp nhất công ty được thực hiện theo Điều 152, Luật Doanh
nghiệp. Sau khi đăng ký kinh doanh, các công ty bị hợp nhất chấm dứt tồn tại.
Công ty hợp nhất được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về
các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác
của các công ty bị hợp nhất.
4. Sáp nhập doanh nghiệp
Sáp nhập doanh nghiệp là biện pháp tổ chức lại
được áp dụng cho tất cả các loại hình công ty, theo đó một hoặc một số công ty
cùng loại (gọi là công ty bị sáp nhập) sáp nhập vào một công ty khác (gọi là
công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi
ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công
ty bị sáp nhập. Sau khi đăng ký kinh doanh, công ty nhận sáp nhập được hưởng
các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh
toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị sáp nhập.
5. Chuyển đổi doanh nghiệp
Có nhiều trường hợp chuyển đổi doanh nghiệp và thủ
tục cụ thể được quy định cho từng trường hợp chuyển đổi (quy định tại Điều 154
- Luật Doanh nghiệp và Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 1/10/2010).
II. Tạm ngừng kinh doanh
1. Doanh nghiệp
có quyền tạm ngừng kinh doanh nhưng phải thông báo bằng văn bản về thời điểm và
thời hạn tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm
nhất 15 ngày trước ngày tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh. Quy định này áp
dụng trong
trường
hợp doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
2. Cơ quan đăng
ký kinh doanh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng
kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi phát hiện doanh nghiệp
không có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
3. Trong thời
gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế còn nợ; tiếp tục
thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách
hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người
lao động có thỏa thuận khác.
III. Giải thể doanh nghiệp
Các trường hợp giải thể và điều kiện giải thể doanh nghiệp được quy định
như sau:
- Quyết định việc
giải thể doanh nghiệp thuộc quyền của chủ sở hữu doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi
doanh nghiệp không còn thoả mãn các điều kiện tồn tại theo quy định của pháp
luật hoặc kinh doanh vi phạm pháp luật, thì bắt buộc doanh nghiệp phải giải
thể. Doanh nghiệp giải thể trong các trường hợp sau:
- Kết thúc thời hạn
hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;
- Theo quyết định
của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân; của tất cả thành viên hợp
danh đối với công ty hợp danh; của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối
với công ty trách nhiệm hữu hạn; của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ
phần;
- Công ty không còn
đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật Doanh nghiệp trong thời
hạn sáu tháng liên tục;
- Bị thu hồi Giấy
chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Các quy định về giải thể doanh nghiệp không chỉ tạo cơ sở pháp lý để chấm
dứt tồn tại của doanh nghiệp, mà quan trọng hơn là còn bảo vệ quyền lợi của
những chủ thể có liên quan, đặc biệt là quyền lợi của chủ nợ và người lao động
khi doanh nghiệp chấm dứt tồn tại. Về pháp lý, vấn đề quan trọng nhất trong
giải thể doanh nghiệp là giải quyết những khoản nợ và những hợp đồng mà doanh
nghiệp đã giao kết trước khi chấm dứt tồn tại.
IV. Phá sản doanh nghiệp
Việc phá sản doanh nghiệp được thực
hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.
Bài viết tham khảo:
- Những vấn đề chung về Doanh nghiệp
- Phân biệt giữa Tạm ngừng kinh doanh, giải thể và phá sản doanh nghiệp
- Quyền và Nghĩa vụ của Doanh nghiệp trước Pháp luật
- Giải thể Doanh nghiệp là gì?