Người quản lý doanh nghiệp, người đại diện pháp
luật của doanh nghiệp và người đại diện
theo ủy quyền được quy
định trong Luật Doanh nghiệp 2014, Luật số 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014 như
sau:
1.
Người quản lý doanh
nghiệp
Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý công
ty và người quản lý doanh nghiệp tư nhân, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân,
thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành
viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản
trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm
quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ
công ty.
2. Người đại diện theo pháp luật của doanh
nghiệp
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là
cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ
giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên
đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và
các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có
thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định
cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo
pháp luật của doanh nghiệp.
Doanh
nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú
tại Việt Nam.
Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện
theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và phải ủy quyền bằng văn
bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp
luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật
vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.Người
đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm sau đây: Thực hiện các
quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo
đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp; Trung thành với lợi ích của doanh
nghiệp; không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp,
không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của doanh nghiệp để tư lợi
hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác; Thông báo kịp thời, đầy đủ,
chính xác cho doanh nghiệp về việc người đại diện đó và người có liên quan của
họ làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp chi phối tại các doanh nghiệp khác.
Theo đó, trường hợp người đại diện theo pháp luật
của doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ, trách nhiệm được nêu trên thì phải chịu
trách nhiệm cá nhân đối với những thiệt hại cho doanh nghiệp.
3. Người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông là tổ chức
Người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu,
thành viên, cổ đông công ty là tổ chức phải là cá nhân được ủy quyền bằng văn
bản nhân danh chủ sở hữu, thành viên, cổ đông đó thực hiện các quyền và nghĩa
vụ theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác
thì việc cử người đại diện theo ủy quyền thực hiện theo quy định sau đây: Tổ
chức là thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có sở hữu
ít nhất 35% vốn điều lệ có thể ủy quyền tối đa 03 người đại diện; Tổ chức là cổ
đông công ty cổ phần có sở hữu ít nhất 10% tổng số cổ phần phổ thông có thể ủy
quyền tối đa 03 người đại diện.
Trường hợp chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty
là tổ chức cử nhiều người đại diện theo ủy quyền thì phải xác định cụ thể phần
vốn góp, số cổ phần, cho mỗi người đại diện. Trường hợp chủ sở hữu, thành viên,
cổ đông công ty không xác định phần vốn góp, số cổ phần tương ứng cho mỗi người
đại diện theo ủy quyền, phần vốn góp, số cổ phần sẽ được chia đều cho số lượng
người đại diện theo ủy quyền.
Bài viết tham khảo:
- Quyền và Nghĩa vụ của Doanh nghiệp trước Pháp luật
- Tổ chức lại, giải thể và phá sản doanh nghiệp
- Những vấn đề chung về doanh nghiệp
- Giải thể Doanh nghiệp là gì?