Tư vấn miễn phí | Email: contact@ngheketoan.edu.vn

Chi tiết về nguyên lý kế toán


KIẾN THỨC NGUYÊN LÝ KẾ TOÁN

I.Tổng quan về kế toán

Kế toán là một lĩnh vực của khoa học kinh tế, là một chức năng không thể thiếu cùng với các chức năng tài chính, sản xuất, marketing và nhân sự trong công tác quản trị của mọi tổ chức. Kế toán là gì và bản chất của nó như thế nào luôn là câu hỏi đầu tiên đối với những ai bắt đầu nghiên cứu lĩnh vực khoa học này.

Từ thuở sơ khai, loài người đã biết sử dụng các cách thức đo lường, ghi chép, phản ánh được tiến hành bằng những phương thức đơn giản, như: đánh dấu trên thân cây, ghi lên vách đá, buộc nút trên các dây thừng… để ghi nhận những thông tin cần thiết. Về sau các loại sổ sách đã được sử dụng để ghi chép thay cho cách ghi và đánh dấu thời nguyên thủy. Các sổ sách này đã được cải tiến và chi tiết hơn trong thời kỳ phong kiến để đáp ứng với những phát triển mạnh mẽ trong các quan hệ kinh tế trong cộng đồng.

Để đơn giản hóa vấn đề, tôi có ví dụ sau:

Chủ doanh nghiệp ABC mua một máy in 16,5 triệu (tổng tiền thanh toán đã có thuế)  bằng tiền gửi ngân hàng dùng cho phòng nhân sự.

Với sự kiện phát sinh như trên, nhân viên kế toán sẽ phải làm những gì?

Ngày nay với sự hỗ trợ của các phần mềm kế toán, công việc của kế toán chính là phản ánh nghiệp vụ "mua máy in" bằng ngôn ngữ đặc thù của kế toán thông qua hệ thống các tài khoản, sau đó phần mềm sẽ tự động cập nhật lên các sổ kế toán.

Mở đầu làm quen có thể hiểu về kế toán nôm na như vậy, chúng tôi xin đưa ra định nghĩa được nêu bởi Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC): "Kế toán là nghệ thuật ghi chép, phân loại, tổng hợp và trình bày kết quả theo cách riêng có dưới hình thái tiền đối với các sự kiện nghiệp vụ có tính chất tài chính";

1. Các khái niệm của kế toán

1.1. Đơn vị kế toán

1.1.1. Khái niệm đơn vị kế toán

Chúng ta hay nhắc đến "Đơn vị kế toán A", "Đơn vị kế toán B", vậy đơn vị kế toán là gì?

Đơn vị kế toán là đơn vị kinh tế có tài sản riêng, chịu trách nhiệm sử dụng và kiểm soát tài sản đó và phải lập báo cáo kế toán.

Đơn vị kế toán có thể là đơn vị hoạt động vì lợi nhuận (doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ; ngân hàng; các công ty bảo hiểm , công ty tài chính,…) hoặc hoạt động phi lợi nhuận (trường học, bệnh viện, nhà thờ,…)

Một pháp nhân kinh tế là một đơn vị kế toán nhưng ngược lại không phải mọi đơn vị kế toán đều có tư cách pháp nhân.

1.1.2. Nội dung

Trong quá trình thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin kế toán phải có sự tách biệt giữa các đơn vị kế toán.

Sự tách biệt này chỉ ra rằng mỗi một đơn vị kế toán đều có hệ thống báo cáo kế toán riêng biệt của nó. Kế toán của đơn vị nào phải đứng trên góc độ của đơn vị đó để thực hiện việc thu nhận, xử lý, và cung cấp thông tin kinh tế - tài chính.

Trong quá trình thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin kế toán phải có sự tách biệt giữa đơn vị kế toán với các bên liên quan.

Điều này phản ánh, kế toán chỉ ghi nhận các nghiệp vụ kinh tế - tài chính của đơn vị kế toán, không phản ánh sự kiện kinh tế của các bên liên quan như chủ sở hữu, nhà quản lý, người lao động,… Bất kể chủ sở hữu đơn vị kế toán chịu trách nhiệm vô hạn hay hữu hạn với các nghĩa vụ nợ thì kế toán vẫn phải tách biệt tài sản của đơn vị đó với tài sản cá nhân của chủ sở hữu.

1.2. Thước đo tiền tệ

1.2.1. Khái niệm

Kế toán sử dụng thước đo tiền tệ để phản ánh toàn bộ nguồn lực của đơn vị dưới dạng giá trị và giúp người sử dụng thông tin có cái nhìn tổng quát về tình hình tài chính và hoạt động của đơn vị đó.

Vậy thước đo tiền tệ là thước đo sử dụng để đo lường các đối lượng quản lý kinh tế dưới dạng giá trị.

Áp dụng với ví dụ "mua máy in 16,5 triệu"  ban đầu, sử dụng thước đo giá trị, kế toán thể hiện thông tin dưới dạng giá trị là 16,5 triệu.

1.2.2. Nội dung

- Các đối tượng kế toán và những giao dịch ảnh hưởng đến chúng phải được kế toán đo lường bằng thước đo giá trị. Bởi vì, giá trị là linh hồn của hạch toán kế toán, thể hiện bản giá trị kinh tế của sự kiện phát sinh.

- Đồng tiền ở được kế toán sử dụng trong giao dịch được gọi là đồng tiền kế toán. Thông thường, đồng tiền kế toán ở mỗi quốc gia là đồng tiền của quốc gia đó (hay nội tệ). Tuy nhiên đồng tiền kế toán cũng có thể là ngoại tệ.

- Các sự kiện và giao dịch có thể phát sinh bằng nội tệ hoặc ngoại tệ. Điều này có nghĩa là, nếu sự kiện kinh tế phát sinh bằng ngoại tệ, kế toán phải quy đổi về nội tệ hay đồng tiền kế toán theo tỷ giá nhất định.

1.3. Kỳ kế toán

Kỳ kế toán là khoảng thời gian xác định từ thời điểm đơn vị kế toán bắt đầu ghi sổ kế toán đến thời điểm kết thúc việc ghi sổ kế toán, khóa sổ kế toán để lập báo cáo tài chính.

Độ dài lớn nhất của kỳ kế toán là năm được gọi là niên độ kế toán, thông thường phù hợp với niên độ tài chính quốc gia, có thể không trùng với năm dương lịch.

Các độ dài còn lại của kỳ kế toán như:

Kỳ kế toán quý: là ba tháng, tính từ ngày 01 tháng đầu quý đến ngày cuối cùng của tháng cuối quý.

Kỳ kế toán tháng: là một tháng, tính từ ngày 01 đầu tháng đến ngày cuối cùng của tháng.

2. Các nguyên tắc cơ bản của kế toán

* Nhóm các nguyên tắc là cơ sở cho việc tính giá các đối tượng kế toán

Nguyên tắc giá gốc: Nguyên tắc giá gốc là nguyên tắc kế toán theo đó các đối tượng kế toán được ghi nhận theo giá gốc ban đầu khi hình thành và không cần điều chỉnh theo sự thay đổi của giá thị trường trong suốt thời gian tồn tại của đối tượng kế toán đó ở đơn vị kế toán.

Ví dụ: Mua một lô hàng nhập kho ngày 1/12/N với giá 120 triệu và chưa xuất kho trong năm N. Tại ngày 31/12/N giá thị trường của lô hàng này là 110 triệu, Theo nguyên tắc giá gốc, kế toán vẫn ghi nhận giá trị của lô hàng hóa đó trên báo cáo kế toán ngày 31/12/N là 120 triệu.

Nguyên tắc giá thị trường:là nguyên tắc kế toán theo đó trị giá của các đối tượng kế toán được ghi nhận trên báo cáo theo giá thị trường. Trong ví dụ trên, kế toán sẽ ghi nhận giá trị của lô hàng hóa trên báo cáo kế toán ngày 31/12/N là 110 triệu đồng.

Nguyên tắc giá thấp hơn giữa giá gốc và giá thị trường: là nguyên tắc kế toán theo đó kế toán chọn giá thấp hơn giữa giá gốc và giá thị trường để phản ánh các đối tượng kế toán trên báo cáo kế toán. Với ví dụ trên, giá trị của lô hàng hóa hóa ghi nhận trên báo cáo kế toán ngày 31/12/N là 110 triệu đồng.

* Nguyên tắc kế toán là cơ sở ghi nhận và đo lường thu nhập, chi phí, kết quả hoạt động

Nguyên tắc kế toán tiền: là nguyên tắc kế toán theo đó thu nhập, chi phí được kế toán ghi nhận khi và chỉ khi đơn vị kế toán thu hoặc chi tiền đối với các giao dịch liên quan thu nhập và chi phí.

Tiếp tục với ví dụ trên, 50% lô hàng được xuất ra để bán trong năm N+1 với tổng giá bán thực tế là 150 trđ, trong đó khách hàng trả ngay 120 trđ, còn 30 trđ khách hàng sẽ trả vào năm N+2. Theo nguyên tắc kế toán tiền, doanh thu năm N+1 của lô hàng trên được kế toán ghi nhận là 120trđ.

Nguyên tắc kế toán dồn tích: là nguyên tắc kế toán theo đó thu nhập và chi phí được kế toán ghi nhận khi chúng phát sinh và đủ điều kiện ghi nhận là thu nhập và chi phí mà không nhất thiết phải gắn với dòng tiền thu hoặc chi; trong ví dụ trên, kế toán ghi nhận doanh thu năm N+1 của lô hàng hóa đã bán là 150trđ.

Nguyên tắc kế toán phù hợp: là nguyên tắc theo đó thu nhập và chi phí của đơn vị kế toán phải được ghi nhận một cách tương ứng trong cùng kỳ kế toán nhằm đảm bảo việc xác định kết quả của kỳ kế toán được chính xác và tin cậy.

Nguyên tắc phù hợp chỉ được trong điều kiện doanh nghiệp áp dụng nguyên tắc kế toán dồn tích.

Áp dụng với ví dụ trên, năm N+1 xuất bán 50% lô hàng, theo nguyên tắc phù hợp, chi phí được ghi nhận tương ứng với doanh thu năm N+1 là 50%×120trđ=60trđ.

Nguyên tắc trọng yếu: trong ghi nhận và đo lường thu nhập, chi phí, kết quả cho phép kế toán đơn giản hóa những sự kiện có ảnh hưởng không quan trọng đến kết quả.

Ví dụ, công cụ dụng cụ là loại tư liệu lao động nhỏ không đủ tiêu chuẩn ghi nhận là tài sản cố định nhưng lại có đặc điểm vận động tương đối giống tài sản cố định ở sự dịch chuyển dần giá trị vào chi phí hoạt động từng kỳ và vẫn giữ hình thái vật chất ban đầu. Theo nguyên tắc kế toán phù hợp, giá trị công cụ được sử dụng trong nhiều niên độ kế toán cũng phải được kế toán phân bổ vào chi phí của từng kỳ. Tuy nhiên, do giá trị công cụ, dụng cụ lao động tương đối nhỏ nên để đảm bảo tính hiệu quả, kế toán có thể áp dụng nguyên tắc trọng yếu và tính một lần giá trị của công cụ vào chi phí của một kỳ và điều này không tạo sự biến động lớn của kết quả hoạt động kỳ đó.

*Nhóm nguyên tắc kế toán là cơ sở định tính cho thông tin kế toán

Nguyên tắc khách quan: theo nguyên tắc này, thông tin kế toán phải được thu nhận, xử lý, cung cấp trên cơ sở có các bằng chứng để chứng minh các nghiệp vụ kinh tế- tài chính phát sinh và hoàn thành. Điều này nhằm đảm bảo thông tin kế toán không bị chi phối bởi khuynh hướng chủ quan của người làm kế toán.

Nguyên tắc nhất quán: nhằm đảm bảo thông tin kế toán có giá trị so sánh. Tính nhất quán cần được duy trì trong việc áp dụng các nguyên tắc kế toán, các phương pháp đo lường, ghi nhận các giao dịch cùng bản chất trong hoàn cảnh tương tự.

Ví dụĐể có thể dễ dàng so sánh đối chiếu, kế toán cần áp dụng nhất quán một phương pháp khấu hao TSCĐ giữa các kỳ kế toán, trường hợp có thay đổi, đơn vị cần giải trình và trình bày lí do thay đổi trong thuyết minh BCTC.

Nguyên tắc thận trọng: xuất phát từ yêu cầu về tính tin cậy của thông tin kế toán; Nguyên tắc thận trọng đặt ra yêu cầu cơ bản đối với việc ghi nhận sự tăng (giảm) vốn chủ sở hữu và do đó có ảnh hưởng nhất định đến việc ghi nhận thu nhập và chi phí. Như vậy, theo nguyên tắc này, kế toán sẽ ghi nhận sự tăng lên của vốn chủ khi và chỉ khi có chứng cứ chắc chắn. Ngược lại, sự giảm đi của vốn chủ sẽ được kế toán ghi nhận ngay khi có chứng cứ có thể.

3. Đối tượng sử dụng thông tin kế toán

3.1. Nhà quản lý đơn vị

Những người này cần nắm được các thông tin về tình trạng tài chính, tình hình hoạt động và luồng tiền… của đơn vị nhằm thực hiện kế hoạch và kiểm soát các hoạt động của đơn vị kế toán

3.2.Chủ sở hữu

Là người cấp vốn cho đơn vị dưới hình thức đầu tư chịu rủi ro cao nhất, bởi vì lợi ích của họ phụ thuộc vào kết quả hoạt động của đơn vị; bởi vậy, nhu cầu thông tin của họ thường có phạm vi rộng hơn so với chủ nợ và các đối tượng khác.

3.3. Chủ nợ

Là những nhà cấp tín dụng cho đơn vị dưới dạng cho vay; hoặc tín dụng thương mại… Đơn vị đi vay có đủ khả năng thanh toán hay không là vấn đề được quan tâm hàng đầu của các chủ nợ. Bên cạnh đó, khả năng sinh lời cũng là một chỉ tiêu mà các chủ nợ chú trọng khi đánh giá Báo cáo tài chính của đơn vị đi vay.

3.4. Chính phủ

Chính phủ can thiệp vào hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức trong nền kinh tế ở một mức độ nhất định. Những thông tin làm cơ sở cho việc ra quyết định, trong đó có thông tin kế toán đối với cơ quan đại diện của Chính phủ đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều hành toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

3.5. Các đối tượng khác

Các đối tượng khác có nhu cầu sử dụng thông tin kế toán gồm người lao động, tổ chức công đoàn, các tổ chức kiểm toán, công chúng,…

Mục đích sử dụng, và mức độ nhu cầu thông tin của các đối tượng có thể khác nhau giữa các nhóm và giữa các đối tượng trong nhóm, song cũng có những điểm chung nhât định như: các thông tin tình hình tài chính, tình hình và kết quả hoạt động, tình hình lưu chuyển tiền tệ và những thông tin chung khác của đơn vị kế toán.

4.Vai trò và yêu cầu của thông tin kế toán

4.1. Vai trò của kế toán trong hệ thống quản lý kinh tế

- Kế toán phục vụ quản lý vĩ mô của Nhà nước

- Kế toán phục vụ quản lý vi mô của người điều hành đơn vị

- Kế toán hỗ trợ cho các công cụ quản lý khác

4.2. Yêu cầu đối với thông tin kế toán

4.2.1. Tính tin cậy

Thông tin kế toán thỏa mãn tiêu chuẩn tin cậy khi đáp ứng được các yêu cầu: Trung thực và khách quan; Trung lập; Thận trọng; Thẩm định được.

4.2.2.Tính hữu ích

Được hiểu là khả năng thỏa mãn tối đa nhu cầu thông tin kế toán cho đối tượng sử dụng nhất định trong việc ra quyêt định kinh tế cụ thể. Thông tin kế toán đảm bảo hữu ích khi đáp ứng được các tiêu chuẩn: Tính kịp thời; Tính đầy đủ và dễ hiểu; Có giá trị so sánh, đánh giá quá khứ và dự đoán tương lai; Tính hiệu quả.

II. Các yếu tố cơ bản của Báo cáo tài chính

1. Khái quát các thông tin cơ bản về Báo cáo tài chính

Báo cáo tài chính là sản phẩm cuối cùng của quy trình kế toán;trong đó các thông tin kinh tế được kế toán viên trình bày dưới dạng bảng biểu, cung cấp các thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và các luồng tiền của doanh nghiệp đáp ứng các cầu cho những người sử dụng chúng trong việc đưa ra các quyết định về kinh tế.

Báo cáo tài chính phải cung cấp những thông tin của một doanh nghiệp về:

1.                 Tài sản;

2.                 Nợ phải trả;

3.                 Vốn chủ sở hữu;

4.                 Doanh thu, thu nhập khác, chi phí sản xuất kinh doanh và chi phí khác;

5.                 Lãi, lỗ và phân chia kết quả kinh doanh;

6.                 Các luồng tiền.

 Ngoài các thông tin này, doanh nghiệp còn phải cung cấp các thông tin khác trong “Bản thuyết minh Báo cáo tài chính” nhằm giải trình thêm về các chỉ tiêu đã phản ánh trên các Báo cáo tài chính tổng hợp và các chính sách kế toán đã áp dụng để ghi nhận các nghiệp vụ.

*Nếu doanh nghiệp hoạt động theo thông tư 133/2016/TT-BTC, các báo cáo bắt buộc gồm:

- Báo cáo tình hình tài chính (Mẫu số B01a – DNN)

- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (Mẫu số B02 – DNN)

- Bản thuyết minh Báo cáo tài chính (Mẫu số B09 – DNN)

* Nếu doanh nghiệp hoạt động theo thông tư 200/2014/TT-BTC, các báo cáo bắt buộc bao gồm:

+) Bảng cân đối kế toán (Mẫu số B 01-DN)

+)Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh Mẫu số B 02 – DN

+)Báo cáo lưu chuyển tiền tệ Mẫu số B 03 – DN

+)Bản thuyết minh Báo cáo tài chính Mẫu số B 09 – DN

* Nếu doanh nghiệp hoạt động theo quyết định 48/QĐ-BTC, các báo cáo bắt buộc bao gồm:

+) Bảng Cân đối kế toán: Mẫu B 01 – DNN

+) Báo cáo Kết quả hoạt động kinh doanh: Mẫu B 02 – DNN

+) Bản Thuyết minh báo cáo tài chính: Mẫu B 09 – DNN

+) Bảng Cân đối tài khoản: Mẫu số F 01- DNN

*  Nếu doanh nghiệp hoạt động theo quyết định 15/2006/QĐ-BTC:

- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh Mẫu số B 02 - DN

- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ Mẫu số B 03 - DN

- Bản thuyết minh báo cáo tài chính Mẫu số B 09-DN

*Thời hạn nộp báo cáo tài chính

+) Đối với doanh nghiệp nhà nước

a) Thời hạn nộp Báo cáo tài chính quý:

- Đơn vị kế toán phải nộp Báo cáo tài chính quý chậm nhất là 20 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán quý; Đối với công ty mẹ, Tổng công ty Nhà nước chậm nhất là 45 ngày;

- Đơn vị kế toán trực thuộc doanh nghiệp, Tổng công ty Nhà nước nộp Báo cáo tài chính quý cho công ty mẹ, Tổng công ty theo thời hạn do công ty mẹ, Tổng công ty quy định.

b) Thời hạn nộp Báo cáo tài chính năm:

- Đơn vị kế toán phải nộp Báo cáo tài chính năm chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm; Đối với công ty mẹ, Tổng công ty nhà nước chậm nhất là 90 ngày;

- Đơn vị kế toán trực thuộc Tổng công ty nhà nước nộp Báo cáo tài chính năm cho công ty mẹ, Tổng công ty theo thời hạn do công ty mẹ, Tổng công ty quy định.

+)  Đối với các loại doanh nghiệp khác

a) Đơn vị kế toán là doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh phải nộp Báo cáo tài chính năm chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm; đối với các đơn vị kế toán khác, thời hạn nộp Báo cáo tài chính năm chậm nhất là 90 ngày;

b) Đơn vị kế toán trực thuộc nộp Báo cáo tài chính năm cho đơn vị kế toán cấp trên theo thời hạn do đơn vị kế toán cấp trên quy định.

Để có thể hiểu chi tiết hơn về Báo cáo tài chính, các bạn có thể tra cứu chuẩn mực, chế độ kế toán doanh nghiệp đang áp dụng trong chuyên mục hệ thống văn bản PLKT của chúng tôi.

2. Các yếu tố cơ bản của Báo cáo tài chính

Về thực chât các yếu tố này chính là các đối tượng kế toán được phản ánh trên các báo cáo tài chính nhằm thỏa mãn nhu cầu thông tin chung cho tất cả các đối tượng sử dụng.

Các yếu tố cơ bản của BCTC gồm:

+) Yếu tố về tình hình tài chính (phản ánh trên Bảng cân đối kế toán): Tài sản, Nợ phải trả, vốn chủ sở hữu.

+) Yếu tố về tình hình hoạt động: (phản ánh trên Báo cáo kết quả hoạt động): thu nhập, chi phí, kết quả.

2.1. Tài sản

2.1.1.Khái niệm và các điều kiện ghi nhận Tài sản

Tài sản là nguồn lực kinh tế do đơn vị kế toán kiểm soát và có thể thu được lợi ích kinh tế trong tương lai.

Tài sản có thể tồn tại dưới hình thái vật chất cụ thể hoặc không có hình thái vật chất cụ thể.

Dù tồn tại dưới bất kỳ hình thái nào, tài sản được kế toán ghi nhận trên Bảng cân đối kế toán đều phải thỏa mãn các điều kiện:

(1)              Có khả năng tiền tệ hóa một cách đáng tin cậy:

(a) Lượng hóa được dưới dạng tiền

(b) Giá trị được xác định một cách đáng tin cậy

(2)              Đơn vị kế toán kiểm soát được:

(a)               Đơn vị thu được phần lớn lợi ích kinh tế hợp pháp và gánh chịu phần lớn rủi ro từ việc sử dụng nguồn lực đó; và

(b)              Hạn chế được sự tiếp cận của các đối tượng khác đối với lợi ích kinh tế từ nguồn lực đó.

Bên cạnh đó, lợi ích kinh tế được mang lại từ những nguồn lực do đơn vị kiểm soát và sử dụng mà đơn vị không nhất thiết phải sở hữu chúng. Điều này không nhấn mạnh tính sở hữu của đơn vị kế toán đối với tài sản.

(3)              Mang lại lợi ích kinh tế trong tương lai một cách tương đối chắc chắn cho đơn vị kế toán: theo điều kiện này, tài sản phải tạo ra được lợi ích kinh tế trong tương lai chứ không phải tạo ra lợi ích kinh tế của kỳ hiện tại.

(4)              Là kết quả của giao dịch quá khứ:

Kế toán chỉ phản ánh những tài sản là kết quả của các nghiệp vụ kinh tế- tài chính đã phát sinh và hoàn thành, không phản ánh những tài sản được hình thành trong tương lai.

2.1.2. Phân loại tài sản

a.Tài sản ngắn hạn

Tài sản ngắn hạn bao gồm các nhóm: vốn bằng tiền, các khoản đầu tư ngắn hạn, tài sản trong thanh toán và hàng tồn kho.

Nhóm vốn bằng tiền bao gồm các khoản: Tiền mặt, tiền đang chuyển, tiền gửi ngân hàng.

Nhóm các khoản đầu tư ngắn hạn: gồm những khoản đầu tư tài chính với thời gian thu hồi vốn trong vòng 1 năm hay một chu kỳ hoạt động bình thường.

Nhóm tài sản thanh toán (còn gọi là các khoản phải thu): gồm các tài sản của đơn vị kế toán đang trong quá trình thanh toán, phải thu hồi dưới những hình thức khác nhau với thời gian đáo hạn trong vòng 1 năm.

Nhóm hàng tồn kho: là những tài sản dự trữ cho các quá trình hoạt động của đơn vị kế toán, bao gồm tài sản được giữ để bán trong kỳ hoạt động bình thường (hàng hóa); tài sản đang trong quá trình sản xuất kinh doanh dở dang (sản phẩm dở dang, nửa thành phẩm); tài sản dự trữ cho quá trình sản xuất (nguyên vật liệu, công cụ, dụng cụ).

Nhóm tài sản ngắn hạn khác: gồm tài sản ngắn hạn không được phân loại vào nhóm các tài sản ngắn hạn ở trên.

b. Tài sản dài hạn

Tài sản dài hạn bao gồm các nhóm: Phải thu dài hạn, tài sản cố định và bất động sản đầu tư, các khoản đầu tư tài chính dài hạn và các khoản tài sản dài hạn khác.

Nhóm phải thu dài hạn: gồm những tài sản trong thanh toán có thời gian đáo hạn trên 1 năm.

Nhóm tài sản cố định và bất động sản đầu tư: gồm tài sản cố định và bất động sản đầu tư.

Nhóm đầu tư tài chính dài hạn: là khoản đầu tư vào các hoạt động tài chính với thời hạn thu hồi vốn trên 1 năm hoặc 1 chu kỳ hoạt động thông thường.

Nhóm các khoản tài sản dài hạn: gồm những tài sản dài hạn không thuộc nhóm tài sản dài hạn nêu trên.

2.2. Nợ phải trả

2.2.1.Khái niệm

Nợ phải trả là nghĩa vụ tài chính hiện tại mà đơn vị kế toán phải thanh toán bằng nguồn lực của mình.

Để được ghi nhận là nợ phải trả trên Bảng cân đối kế toán, một nghĩa vụ phải thỏa mãn các điều kiện: (1)Có khả năng tiền tệ hóa một cách đáng tin cậy; (2) Đơn vị phải thanh toán bằng nguồn lực của mình; (3) là kết quả của giao dịch quá khứ.

2.2.2. Phân loại Nợ phải trả

Căn cứ vào thời gian đáo hạn Nợ phải trả được chia thành Nợ phải trả ngắn hạn và Nợ phải trả dài hạn; Nếu căn cứ vào tiêu thức 1 năm thì những khoản nợ có thời gian thanh toán trong vòng 01 năm được phân loại là nợ phải trả ngắn hạn, những khoản nợ có thời gian thanh toán trên 1 năm được phân loại là nợ phải trả dài hạn.

2.3. Vốn chủ sở hữu

2.3.1.Khái niệm

Vốn chủ sở hữu là loại nguồn vốn thuộc sở hữu của đơn vị kế toán, đơn vị có quyền sử dụng lâu dài trong suốt thời gian hoạt động của đơn vị.

Vốn chủ sở hữu biểu thị phần giá trị tài sản ròng thuộc về chủ sở hữu. Trong quá trình hoạt động của đơn vị, vốn chủ sở hữu có thể tăng hoặc giảm do việc tăng (giảm) tài sản hoặc giảm (tăng) nợ phải trả. Do tính chất liên quan nên điều kiện ghi nhận vốn chủ sở hữu là sự kế thừa các điều kiện ghi nhận Tài sản, hoặc Nợ phải trả.

Trên phương diện tính toán, vốn chủ sở hữu được thể hiện như sau:

Vốn chủ sở hữu= Tài sản – Nợ phải trả

2.3.2. Các loại vốn chủ sở hữu

- Vốn góp của chủ sở hữu là phần vốn do chủ sở hữu đơn vị kế toán đầu tư vào đơn vị đó.

- Vốn chủ sở hữu cũng được hình thành từ kết quả hoạt động kinh doanh có hiệu quả của đơn vị.

- nguồn vốn chủ sở hữu khác là một phần vốn chủ sở hữu không thuộc hai nguồn vốn chủ sở hữu trên: nguồn kinh phí sự nghiệp, chênh lệch tỉ giá; chênh  lệch đánh giá lại tài sản

2.4.Thu nhập

2.4.1. Khái niệm và điều kiện ghi nhận thu nhập

Thu nhập là tổng giá trị các lợi ích kinh tế đơn vị kế toán thu được trong kỳ kế toán từ các hoạt động của đơn vị, góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu một cách gián tiếp.

Thu nhập của đơn vị kế toán xác định cho từng kỳ kế toán và thỏa mãn các điều kiện:

-                     Có khả năng tiền tệ hóa một cách đáng tin cậy (tức là có thể lượng hóa dưới dạng tiền và giá trị được xác định một cách đáng tin cậy.

-                     Đơn vị kế toán thu được lợi ích kinh tế góp phần làm tăng gián tiếp vốn chủ sở hữu.

-                     Là kết quả hình thành từ giao dịch quá khứ

2.4.2. Các loại thu nhập

- Thu nhập thông thường là loại thu nhập được tạo ra từ hoạt động mang tính chất thường xuyên của đơn vị kế toán; bao gồm hoạt động chủ yếu và hoạt động tài chính.

- Thu nhập khác là loại thu nhập được tạo ra từ hoạt động khác của đơn vị kế toán (hoạt động không có tính chất thường xuyên của đơn vị: Thu nhập từ thanh lý, nhượng bán TSCĐ,…)

2.5. Chi phí

2.5.1. Khái niệm và điều kiện ghi nhận Chi phí

Chi phí là tổng giá trị các khoản làm giảm lợi ích kinh tế của đơn vị trong kỳ kế toán, góp phần giảm vốn chủ sở hữu một cách gián tiếp.

Chi phí của đơn vị kế toán phải được xác định cho từng kỳ kế toán cụ thể và thỏa mãn các điều kiện:

-                     Có khả năng tiền tệ hóa một cách đáng tin cây (lượng hóa được dưới dạng tiền và giá trị được xác định một cách đáng tin cậy)

-                     Giảm lợi ích kinh tế góp phần làm giảm gián tiếp vốn chủ sở hữu: tức là các giao dịch làm giảm tài sản này, nhưng tài sản khác không tăng, nợ phải trả không giảm => vốn chủ sở hữu không giảm trực tiếp. Hoặc Nợ phải trả này tăng nhưng Nợ phải trả khác không giảm, và Tài sản không tăng=> vốn chủ sở hữu không giảm trực tiếp.

Ví dụ: Chi phí thuế TNDN của đơn vị, Chi phí quản lí doanh nghiệp

-                     Là kết quả hình thành từ giao dịch trong quá khứ.

2.5.2. Các loại chi phí

- Chi phí thông thường: chi phí hoạt động chủ yếu, chi phí hoạt động tài chính, chi phí quản lý chung.

- Chi phí khác: chi cho hoạt động khác của doanh nghiệp: chi thanh lý, nhượng bán, …

2.6. Kết quả hoạt động

Đây là chỉ tiêu quan trọng trình bày trên báo cáo tài chính, phản ánh thành quả hoạt động của đơn vị trong từng kỳ kế toán cụ thể.

Thông thường cách xác định kết quả trong kỳ như sau:

Kết quả hoạt động trong kỳ = Thu nhập trong kỳ - Chi phí trong kỳ

III. Các phương pháp kế toán

1. Phương pháp chứng từ kế toán

a. Khái niệm

Là phương pháp kế toán sử dụng các bản chứng từ kế toán để phản ánh, kiểm tra các nghiệp vụ kinh tế- tài chính phát sinh và thực sự hoàn thành theo thời gian, địa điểm phát sinh nghiệp vụ đó, phục vụ công tác kế toán, công tác quản lý.

b. Các loại chứng từ kế toán

b.1. Phân loại chứng từ kế toán theo nội dung kinh tế phản ánh trên chứng từ kế toán.

Theo tiêu thức này, chứng từ kế toán gồm các loại:

-          Chứng từ tiền tệ: phiếu chi, phiếu thu,..

-          Chứng từ hàng tồn kho: phiếu nhập kho, phiếu xuất kho,..

-          Chứng từ tài sản cố định: biên bản giao nhận, thanh lý TSCĐ,..

….

b.2. Phân loại chứng từ kế toán theo thời gian lập chứng từ và mức độ tài liệu trong chứng từ

Theo tiêu thức này, chứng từ kế toán gồm:

- Chứng từ gốc: là chứng từ được lập ngay khi nghiệp vụ kinh tế- tài chính phát sinh, phản ánh trực tiếp, nguyên vẹn nghiệp vụ kinh tế theo thời gian, địa điểm phát sinh như: phiếu thu, phiếu chi, phiếu nhập kho, phiếu xuất kho,..

- Chứng từ tổng hợp là chứng từ kế toán được lập trên cơ sở tổng hợp số liệu của nhiều chứng từ gốc cùng loại (cùng nội dung kinh tế), phục vụ việc ghi sổ kế toán được thuận lợi. loại chứng từ này chỉ có giá trị pháp lý và được ghi sổ kế toán khi có đủ chứng từ gốc đính kèm: chứng từ ghi sổ, Bảng tổng hợp chứng từ cùng loại,..

b.3. Phân loại chứng từ kế toán theo địa điểm lập chứng từ

- Chứng từ bên trong: chứng từ được lập tại đơn vị kế toán: phiếu nhập kho, phiếu xuất kho, hóa đơn bán hàng của đơn vị,…

- Chứng từ bên ngoài: là chứng từ kế toán phản ánh nghiệp vụ kinh tế- tài chính có liên quan đến đơn vị nhưng được lập bởi các đơn vị khác: hóa đơn bán hàng của bên bán, giấy báo Nợ, giấy báo Có,…

c. Những yếu tố của chứng từ kế toán

Dưới đây là các yếu tố cơ bản là những yếu tố bắt buộc mọi chứng từ kế toán phải có, bao gồm:

- Tên gọi chứng từ: tên gọi khái quát nội dung nghiệp vụ kinh tế- tài chính ghi trong chứng từ, giúp cho việc phân loại chứng từ, tổng hợp số liệu một cách thuận lợi.

- Ngày lập chứng từ và số hiệu chứng từ: giúp cho việc kiểm tra, quản lý nghiệp vụ đó về mặt thời gian, đồng thời giúp quản lý, lưu trữ chứng từ và là căn cứ ghi sổ kế toán.

- Nội dung nghiệp vụ kinh tế- tài chính: yếu tố này diễn đạt ngắn gọn, chính xác toàn bộ nội dung của nghiệp vụ kinh tế- tài chính; là căn cứ để kiểm tra tính hợp pháp, hợp lý của nghiệp vụ kinh tế- tài chính và lập định khoản kế toán phục vụ ghi sổ kế toán.

- Các đơn vị đo lường cần thiết:  yếu tố này phản ánh phạm vi, quy mô của nghiệp vụ kinh tế- tài chính ghi trong chứng từ; là căn cứ để kiểm tra tính hợp pháp, hợp lý của nghiệp vụ kinh tế- tài chính và tổng hợp số liệu ghi sổ kế toán.

- Tên, địa chỉ, chữ ký, dấu (nếu có) của đơn vị, bộ phận, cá nhân có liên quan đến nghiệp vụ kinh tế- tài chính ghi trong chứng từ kế toán: yếu tố này giúp cho việc kiểm tra chứng từ, đảm bảo tính pháp lý của chứng từ.

Ngoài ra, chứng từ còn có thêm các yếu tố bổ sung khác; là những yếu tố có thể có ở chứng từ này mà không có chứng từ khác.

d. Trình tự xử lý và luân chuyển chứng từ kế toán

- Lập chứng từ kế toán: mọi nghiệp vụ kinh tế phát sinh đều phải phản ánh vào các bản chứng từ kế toán theo thời gian và địa điểm phát sinh của chúng. Lập chứng từ kế toán phải đảm bảo đầy đủ các yếu tố của chứng từ kế toán và được chuyển về phòng kế toán để kế toán kiểm tra, hoàn chỉnh, phân loại phục vụ ghi sổ kế toán.

- Kiểm tra chứng từ kế toán: kiểm tra tính rõ ràng, trung thực, đầy đủ của các yếu tố trên chứng từ; kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của nội dung kinh tế phát sinh phản ánh trên chứng từ; ngoài ra còn kiểm tra tính chính xác của số liệu, việc chấp hành các quy định trong việc lập , kiểm tra đối với từng loại nghiệp vụ kinh tế

- Hoàn chỉnh chứng từ kế toán: tập hợp, phân loại chứng từ kế toán phục vụ ghi sổ kế toán.

- Luân chuyển chứng từ kế toán: chứng từ kế toán sau khi được kiểm tra, hoàn chỉnh cần được tổ chức luân chuyển đến các bộ phận, đơn vị, cá nhân liên quan, phục vụ việc ghi sổ kế toán và thông tin kinh tế.

- Bảo quản và lưu trữ chứng từ kế toán.

2. Phương pháp tính giá

2.1. Khái niệm

Phương pháp tính giá là phương pháp kế toán sử dụng thước đo tiền tệ để xác định giá trị của các đối tượng kế toán theo những nguyên tắc nhất định nhằm phục vụ quá trình thu nhận, xử lý, hệ thống hóa và cung cấp thông tin kinh tế- tài chính ở đơn vị.

Phương pháp tính giá phải đảm bảo những yêu cầu cơ bản sau:

-          Tính giá phải đảm bảo tính tin cậy.

-          Tính giá phải đảm bảo tính nhất quán.

2.2. Các loại giá và nguyên tắc tính giá cơ bản trong phương pháp tính giá

2.2.1. Các loại giá cơ bản

a. Giá gốc

Giá gốc là giá được ghi nhận ban đầu của các đối tượng kế toán tại thời điểm chúng hình thành ở đơn vị.

Giá gốc có thể là giá thực tế phát sinh trong giao dịch tạo ra đối tượng tính giá; hoặc có thể là giá hợp lí của đối tượng tính giá tại thời điểm đó.

Ví dụ: ngày 10/01/N, Công ty A mua 15000 cổ phiếu Z trên thị trường chứng khoán tập trung với mục đích nắm giữ dài hạn. Tổng giá mua công ty A đã thanh toán là 750 trđ. Ngày 31/12/N, cổ phiếu Z được giao dịch với giá đóng cửa là 60.000đ/1 cổ phiếu.

Giá gốc của số cổ phiếu Z được kế toán Công  ty A ghi nhận ban đầu khi số cổ phiếu này được công ty mua về là 750 trđ.

b. Giá thị trường

Giá thị trường là giá được thỏa thuận thống nhất giữa các bên tham gia thị trường tại thời điểm nhất định; Giá thị trường có thể là giá thay thế hoặc giá thực hiện.

Giá thị trường chỉ có thể xác định được khi tồn tại các giao dịch thực tế của đối tượng tính giá hoặc của đối tượng cùng loại.

Ví dụ: Ngày 10/01/N, Công ty A mua 15000 cổ phiếu X trên thị trường chứng khoán tập trung với mục đích nắm giữ dài hạn, Công ty đã thanh toán 750 trđ; tại ngày 31/12/N, cổ phiếu X được giao dịch với giá đóng cửa là 60.000đ/cp; giá thị trường của số cổ phiếu X do công ty nắm giữ tại 31/12/N là 60000×150000= 900trđ.

c. Giá hợp lý

Giá hợp lý là giá có thể được giao dịch một cách tự nguyện giữa các bên có đầy đủ hiểu biết trong giao dịch ngang giá.

Trường hợp tồn tại thị trường hoạt động, giá hợp lý được xác định căn cứ vào giá thị trường của đối tượng giao dịch đồng nhất; hoặc giá thị trường của đối tượng tương tự được điều chỉnh cho những khác biệt. Trường hợp thị trường hoạt động không tồn tại, giá hợp lý được xác định thông qua định giá.

Ví dụ: Ngày 12/03/N, Công ty A nhận được một lô hàng hóa Y có trọng lượng 500 kg do đơn vị bạn biếu tặng. Tại thời điểm xảy ra giao dịch, nếu công ty A mua hàng hóa này trên thị trường thì đơn giá mua là 400.000đ/kg; vậy giá hợp lý tại thời điểm ghi nhận ban đầu của lô hàng này tương đương với giá thị trường tại thời điểm đó là 400.000*500k=200 (trđ)

Cũng ví dụ trên nhưng giả định không có thị trường hoạt động thì lúc đó giá hợp lý của lô hàng này phải được định giá theo phương pháp thích hợp.

Giá hợp lý và giá thị trường có những điểm khác biệt nhất định. Giá thị trường là giá được xác định trong giao dịch có thực trên thị trường, do vậy không phải lúc nào cũng tồn tại giá thị trường; Bên cạnh đó, giá hợp lí có thể là giá thị trường trong điều kiện tồn tại thị trường hoạt động, mặt khác nó có thể là giá mang tính ước lượng thông qua định giá khi thị trường hoạt động không tồn tại.

d. Giá trị hiện tại

Giá trị hiện tại là giá trị được xác định trên cơ sở chiết khấu luồng tiền tương lai về thời điểm hiện tại.

Để xác định được giá trị hiện tại cần có 3 dữ liệu:

+ Luồng tiền tương lai

+ Thời gian chiết khấu

+ Tỷ lệ chiết khấu

Ví dụ: Ngày 03/05/N, Công ty B thực hiện giao dịch bán hàng cho khách hàng theo phương thức trả góp. Tổng giá bán trả góp là 350 trđ; thời hạn trả góp là (02) năm, lãi suất 8% năm.

Vậy giá trị hiện tại của khoản Phải thu khách hàng chính là giá tại thời điểm phát sinh giao dịch được chiết khấu từ luồng tiền tương lai là : 300/(1+0.08)2= 257 (trđ)

2.2.2.Các nguyên tắc tính giá cơ bản

* Nguyên tắc giá gốc

Kế toán sử dụng giá gốc để tính giá tại tất cả các thời điểm: ghi nhận ban đầu, sau ghi nhận ban đầu, lập báo cáo kế toán. Kế toán không phải ghi nhận sự biến động giá thị trường của các đối tượng kế toán, do vậy không phát sinh chênh lệch đánh giá lại các đối tượng kế toán.

* Nguyên tắc giá thị trường

Theo nguyên tắc giá thị trường, kế toán sử dụng giá gốc tại thời điểm ghi nhận ban đầu các đối tượng kế toán. Nhưng sau ghi nhận ban đầu và khi lập báo cáo kế toán, giá thị trường được sử dụng để tính giá các đối tượng kế toán. Do vậy, phát sinh chênh lệch (tăng hoặc giảm) giữa giá thị trường tại thời điểm tính giá với giá gốc ghi nhận ban đầu.

* Nguyên tắc giá thấp hơn giữa giá gốc và giá thị trường

Theo nguyên tắc này, kế toán sử dụng giá gốc tại thời điểm ghi nhận ban đầu các đối tượng kế toán. Nhưng sau ghi nhận ban đầu và khi lập báo cáo kế toán, giá thấp hơn giữa giá gốc và giá thị trường sẽ được sử dụng để tính giá các đối tượng kế toán. Do vậy, phát sinh chênh lệch giữa giá thị trường tại thời điểm tính giá với giá gốc ghi nhận ban đầu.

Lưu ý: các chênh lệch phát sinh do áp dụng nguyên tắc giá thị trường và nguyên tắc giá thấp hơn giữa giá gốc và giá thị trường được ghi nhận trực tiếp vào vốn chủ sở hữu hoặc ghi vào thu nhập (chi phí) sẽ tùy thuộc quan điểm bảo toàn vốn của hệ thống kế toán của đơn vị.

2.2.3. Các loại giá chủ yếu được sử dụng để tính giá tài sản

a. Giá gốc của tài sản

Giá gốc của tài sản là giá trị khoản tiền hoặc tương đương tiền mà đơn vị kế toán đã trả, phải trả để có được tài sản; hoặc tính theo giá trị hợp lý của tài sản đó vào thời điểm tài sản được ghi nhận.

(a1) Giá gốc của tài sản tại thời điểm ghi nhận ban đầu

Xác định tùy theo từng trường hợp cụ thể:

- Tài sản hình thành trên cơ sở phát sinh các chi phí như mua ngoài: giá gốc của tài sản được ghi nhận là giá thực tế phát sinh trong giao dịch tạo ra tài sản, bao gồm chi phí mua và chi phí khác thỏa mãn điều kiện ghi nhận tài sản.

- Tài sản hình thành do thuê tài chính hoặc mua theo hình thức trả chậm: giá gốc của tài sản được ghi nhận theo giá hợp lý hoặc giá trị hiện tại của tài sản tại thời điểm ghi nhận ban đầu được chiết khấu từ luồng tiền tương lai.

- Tài sản hình thành từ các nguồn khác như trao đổi, nhận vốn góp, được biếu tặng, được tài trợ: giá gốc của tài sản được ghi nhận theo giá hợp lý.

- Tài sản là các khoản phải thu: Giá gốc là khoản phải thu gốc, là giá trị hiện tại tại thời điểm ghi nhận ban đầu.

- Tài sản hình thành dưới dạng các khoản tiền khác với đồng tiền kế toán: Giá gốc là giá trị của khoản tiền theo tỷ giá hối đoái tại thời điểm phát sinh giao dịch.

(a2) Giá gốc của tài sản tại thời điểm sau ghi nhận ban đầu

Giá trị tài sản giảm đi do quá trình tiêu dùng vào các hoạt động của đơn vị; hoặc giảm nợ phải thu do thu hồi nợ; Kế toán ghi nhận phần giá trị giảm đi của các tài sản đó trên cơ sở sử dụng loại giá và kỹ thuật tính giá thích hợp.

(a3) Giá gốc của tài sản tại thời điểm lập báo cáo kế toán

Giá gốc của tài sản tại thời điểm lập báo cáo kế toán được xác định trên cơ sở giá gốc tài sản đầu kỳ, giá gốc tài sản tăng trong kỳ và giá gốc tài sản giảm trong kỳ:

Giá gốc tài sản cuối kỳ= Giá gốc TS đầu kỳ+ Giá gốc tài sản tăng trong kỳ- Giá gốc tài sản giảm trong kỳ

b. Giá thị trường của tài sản

Giá thị trường của tài sản là loại giá được thỏa thuận, thống nhất giữa các bên tham gia trao đổi trên thị trường.

Có hai loại giá thị trường:

+ Giá đầu vào/ Giá hiện hành: là giá trị của khoản tiền hoặc tương đương tiền cần thiết mà đơn vị phải trả để có được tài sản tương tự tại thời điểm.

+ Giá thực hiện (giá đầu ra): là mức giá mà đơn vị kế toán có thể thu được khi thực hiện bán tài sản.

(b1) Giá thị trường của tài sản tại thời điểm ghi nhận ban đầu

Giá thị trường của tài sản tại thời điểm ghi nhận ban đầu là giá thỏa thuận, thống nhất giữa các bên trên thị trường trao đổi tài sản tại thời điểm đó.

Đối với tài sản hình thành do mua trên thị trường, giá thị trường được ghi nhận là giá thực tế phát sinh trong giao dịch mua tạo ra tài sản. Đối với trường hợp còn lại, giá thị trường của tài sản tại thời điểm ghi nhận ban đầu là giá thay thế.

(b2) Giá thị trường của tài sản tại thời điểm sau ghi nhận ban đầu

Giá thị trường của tài sản tại thời điểm sau ghi nhận ban đầu được xác định trên cơ sở giá thị trường  của tài sản tại thời điểm đó.

(b3) Giá thị trường của tài sản tại thời điểm lập báo cáo kế toán

Giá thị trường của tài sản tại thời điểm lập báo cáo kế toán là giá được thỏa thuận, thống nhất giữa các bên trao đổi tài sản trên thị trường tại thời điểm đó.

c. Giá hợp lý của tài sản

Giá hợp lý của tài sản là mức giá mà tại đó tài sản có thể được trao đổi một cách tự nguyện giữa các bên có đầy đủ hiểu biết trong giao dịch trao đổi ngang giá.

Tại thời điểm ghi nhận ban đầu, giá hợp lý của tài sản là giá thị trường của tài sản đồng nhất được giao dịch trên thị trường hoạt động tại thời điểm đó; hoặc là giá được xác định một cách hợp lý bằng phương pháp định giá thích hợp nếu không tồn tại thị trường hoạt động.

Tại thời điểm sau ghi nhận ban đầu, kế toán trên cơ sở giá hợp lý cũng thực hiện đánh giá lại tài sản theo giá hợp lý tại thời điểm đó để xác định giá trị tài sản giảm đi trong kỳ kế toán; hoặc có thể dựa trên cơ sở giá hợp lý đã ghi nhận trên báo cáo kế toán cuối kỳ trước, tương tự như với giá thị trường.

Tại thời điểm lập báo cáo kế toán, giá hợp lý của tài sản sẽ được ghi nhận trên báo cáo kế toán tương đương với giá thị trường của tài sản đồng nhất trên thị trường hoạt động tại thời điểm đó; hoặc là giá được xác định một cách hợp lý theo phương pháp định giá thích hợp nếu không tồn tại thị trường hoạt động .

d. Giá trị hiện tại của tài sản

Giá trị hiện tại của tài sản là giá trị có chiết khấu của luồng tiền tương lai mà đơn vị dự tính sẽ tạo ra tài sản đó trong kỳ hoạt động bình thường.

Ngoại trừ các khoản cho vay, tài sản cố định cho thuê tài chính, đối với hầu hết tài sản đều rất khó xác định một cách đáng tin cậy giá trị hiện tại của chúng. Đây là công việc khó khăn, phụ thuộc vào quan điểm chủ quan và làm giảm tính tin cậy của thông tin kế toán.

2.2.4. Các loại giá chủ yếu được sử dụng để tính giá nợ phải trả

a. Giá gốc của nợ phải trả

Giá gốc của nợ phải trả là giá trị của khoản tiền hoặc tương đương tiền mà đơn vị kế toán đã nhận để đổi lấy một nghĩa vụ tài chính, hoặc phải trả để thanh toán nghĩa vụ tài chính trong kỳ hoạt động thông thường.

(a1) Giá gốc của nợ phải trả tại thời điểm ghi nhận ban đầu

Trường hợp 1: Giá gốc của nợ phải trả là số tiền/tương đương tiền đơn vị đã nhận từ giao dịch tạo ra nghĩa vụ tài chính. Trường hợp này tương ứng với các khoản nợ phải trả phát sinh trên cơ sở nhận về một khoản tiền.

Vd1:Ngày 01/03/N, Công ty S vay ngân hàng D nhập quỹ tiền mặt 160 trđ. Thời hạn vay (01) năm, lãi suất 15%/năm trả (01) lần khi đáo hạn nợ gốc. Kỳ kế toán của công ty S trùng với năm dương lịch.

Trong ví dụ này, giá gốc ghi nhận khoản vay ngân hàng của công ty S tại ngày 01/07/N là số tiền đã nhận: 160 trđ.

Trường hợp 2: Giá gốc của nợ phải trả là số tiền mà đơn vị phải trả phát sinh từ giao dịch tạo ra nghĩa vụ tài chính. Theo đó, giá gốc của nợ phải trả được xác định là giá trị khoản tiền phải trả hình thành tại thời điểm phát sinh giao dịch tạo ra nghĩa vụ tài chính. Nếu khoản nợ phải trả có chịu lãi thì giá gốc được xác định tương đương với giá trị khoản nợ gốc tại thời điểm phát sinh.

Vd2: ngày 27/10/N, Công ty Z thực hiện giao dịch mua một tài sản cố định hữu hình của công ty Y theo phương thức mua trả góp. Tổng giá mua trả góp là 300 trđ; thời hạn trả góp là (02) năm, lãi suất 8%/ năm; giá mua trả ngay:257 trđ.

Như vậy, giá gốc của khoản phải trả người bán của công ty Z được kế toán ghi nhận tại ngày 27/10/N là số tiền gốc phải trả phát sinh tại ngày đó, cũng chính giá mua trả ngay: 257 trđ

(a2) Giá gốc của nợ phải trả tại thời điểm sau ghi nhận ban đầu

Giá trị các khoản nợ phải trả sẽ giảm đi do quá trình thanh toán của đơn vị, hoặc do cơ cấu nợ phải trả thành vốn chủ sở hữu. Kế toán phải lượng hóa và phản ánh phần giá trị giảm đi của các khoản nợ phải trả đó.

(a3) Giá gốc của nợ phải trả tại thời điểm lập báo cáo kế toán

Giá gốc NPT cuối kỳ = Giá gốc NPT đầu kỳ + Giá gốc NPT tăng trong kỳ - Giá gốc NPT giảm trong kỳ

b. Giá trị hiện tại của Nợ phải trả

Giá trị hiện tại của nợ phải trả là giá trị của luồng tiền trong tương lai được chiết khấu về thời điểm hiện tại mà đơn vị kế toán sẽ phải chi trả để thanh toán nghĩa vụ tài chính trong kỳ hoạt động thông thường.

Giá trị hiện tại được áp dụng đối với các khoản nợ phải trả có chịu lãi.

Trở lại với ví dụ 2, giá trị hiện tại của khoản phải trả người bán là giá trị luồng tiền tương lai (tổng giá mua cả gốc+lãi:300 trđ) được chiết khấu về thời điểm ghi nhận ban đầu với thời gian chiết khấu (02) năm và lãi suất 8%/năm: 300/(1+0.08)2 = 257

c. Giá thị trường và giá hợp lý của nợ phải trả

- Giá thị trường của NPT là giá trị không có chiết khấu của khoản tiền cần thiết mà đơn vị kế toán sẽ phải chi trả để thanh toán nghĩa vụ tài chính trong kỳ hoạt động thông thường.

- Giá hợp lý của NPT là giá trị không có chiết khấu của khoản tiền mà đơn vị kế toán có thể sẽ phải trả trong giao dịch có đầy đủ hiểu biết giữa các bên để thanh toán nghĩa vụ tài chính trong kỳ hoạt động thông thường.

2.2.5. Các loại giá chủ yếu để tính giá vốn chủ sở hữu

Nói đến vốn chủ sở hữu là nói đến 2 loại nghiệp vụ kinh tế- tài chính: nghiệp vụ liên quan đến vốn góp và nghiệp vụ liên quan đến kết quả hoạt động.

Nghiệp vụ liên quan đến vốn góp: gồm các nghiệp vụ chủ sở hữu góp vốn hoặc rút vốn; các loại giá được sử dụng để tính giá vốn chủ sở hữu trong trường hợp này là các loại giá được sử dụng để xác định giá trị tài sản được chủ sở hữu góp vốn hoặc rút vốn.

Nghiệp vụ kinh tế tài chính liên quan đến kết quả hoạt động bao gồm các nghiệp vụ liên quan đến thu nhập, chi phí. Các loại giá được sử dụng để tính giá vốn chủ sở hữu trong trường hợp này phụ thuộc vào tính giá thu nhập và chi phí.

2.3. Kỹ thuật tính giá cơ bản

2.3.1. Kỹ thuật tính giá gốc tài sản ghi nhận ban đầu

Trình tự các bước thực hiện công việc theo trình tự:

(1)    Xác định đối tượng tính giá: nhận diện đối tượng tính giá đó thuộc loại tài sản cụ thể nào: Tài sản cố định; Hàng tồn kho

(2)    Thu thập  thông tin về các chi phí phát sinh cấu thành giá tài sản: kế toán cần thu thập thông tin về các chi phí phát sinh cấu thành tài sản đó.Các chi phí này được phản ánh trên các chứng từ thu nhận thông tin về nghiệp vụ kinh tế tài chính liên quan đến quá trình hình thành tài sản và phải thỏa mãn các điều kiện ghi nhận tài sản.

(3)    Tổng hợp các chi phí thực tế cấu thành giá của tài sản: trên cơ sở dữ liệu thông tin đã thu thập và thỏa mãn điều kiện ghi nhận tài sản, kế toán tổng hợp các chi phí cấu thành giá của tài sản. Việc tổng hợp chi phí có thể theo kỹ thuật trực tiếp hoặc gián tiếp.

·         Kỹ thuật tổng hợp trực tiếp: được áp dụng đối với các chi phí chỉ liên quan đến (01) đối tượng tính giá.

VD: Giá mua, chi phí vận chuyển bốc dỡ,… chi trả riêng cho từng loại hàng  mua

·         Kỹ thuật tổng hợp gián tiếp: áp dụng đối với các chi phí liên quan đến hai đối tượng tính giá trở lên.

VD: Chi phí vận chuyển, bốc dỡ phát sinh chung cho nhiều loại hàng mua; Chi phí sản xuất chung phát sinh liên quan đến nhiều loại sản phẩm. Để phân bổ chi phí chung, kế toán phải lựa chọn tiêu thức phù hợp; tiêu thức phân bổ là hợp lý khi đảm bảo các yêu cầu đối với thông tin kế toán, phản ánh được mối quan hệ nhân quả giữa tiêu thức phân bổ và chi phí phát sinh, dễ tính toán và xác định.

Chi phí phân bổ cho tài sản A =  × Số đơn vị tiêu thức phân bổ thuộc tài sản A

(4)    Tính toán, xác định giá tài sản hình thành: Trên cơ sở các chi phí đã tổng hợp được, kế toán sẽ tính toán xác định giá gốc của tài sản hình thành. Tùy thuộc vào đặc điểm của quá trình hình thành tài sản, kỹ thuật tính giá tài sản có thể là đơn giản hoặc phức tạp.

-          Đối với quá trình hình thành tài sản diễn  ra dứt điểm, không có chi phí dở dang tại thời điểm tính giá, giá của tài sản hinh thành được xác định theo kỹ thuật giản đơn, như sau:

Z= C (1)

Trong đó:

Z: giá thực tế của tài sản hình thành

C: tổng chi phí thực tế phát sinh hình thành nên tài sản

-          Đối với quá trình hình thành tài sản diễn ra liên tục, có chi phí dở dang tại thời điểm tính giá; Tài sản dở dang của kỳ này sẽ tiếp tục được đơn vị bỏ thêm chi phí để hình thành trong mỗi một kỳ toán không chỉ có sự tham gia của chi phí phát sinh trong kỳ mà còn bao gồm cả phần chi phí dở dang của kỳ trước chuyển sang, đồng thời trừ chi phí dở dang cuối kỳ này chuyển sang kỳ sau.

Z= C +Dđk - Dck

Trong đó:

Z và C như đã  nêu tại công thức (1)

Dđk: Chi phí dở dang kỳ trước chuyển sang kỳ này

Dck: Chi phí dở dang kỳ này chuyển sang kỳ sau

2.3.2. Kỹ thuật tính giá gốc tại sản sau ghi nhận ban đầu

Tùy thuộc từng loại tài sản cụ thể kế toán sẽ lựa chọn kỹ thuật tính giá thích hợp đối với thời điểm sau ghi nhận ban đầu.

- Đối với tài sản cố đinh:

Giá trị còn lại của TSCĐ = Nguyên giá TSCĐ – Hao mòn lũy kế

- Đối với hàng tồn kho: nguyên vật liệu, hàng hóa, thành phẩm, công cụ, dụng cụ: Giá gốc của HTK xuất trong kỳ được tính theo một trong các phương pháp: đích danh, đơn giá bình quân, nhập trước – xuất trước, nhập sau – xuất trước.

+ Phương pháp thực tế đích danh: HTK thuộc lần nhập kho nào thì khi xuất sẽ lấy giá gốc thực tế của chính lần nhập đó làm căn cứ xác đinh giá gốc xuất kho của nó.

+Phương pháp đơn giá bình quân: giá gốc HTK xuất trong kỳ được xác định trên cơ sở đơn giá bình quân của HTK đầu kỳ và HTK nhập trong kỳ theo công thức:

Trị giá HTK xuất kho = Đơn giá bình quân có thể được tính cho cả kỳ kế toán, hoặc được tính sau mỗi một lần nhập mới, tùy thuộc vào tình hình của đơn vị kế toán.

+ Phương pháp nhập trước – xuất trước: HTK xuất kho được xác định trên cơ sở giả định là HTK nhập sau thì được xuất trước.

Riêng đối với HTK xuât để bán, thời điểm cần tính giá tiếp theo là khi được xác định là tiêu thụ: Giá gốc hàng bán ra gồm giá gốc xuất kho cộng thêm các chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.

3. Phương pháp tài khoản kế toán

Phương pháp tài khoản kế toán là phương pháp sử dụng các tài khoản kế toán để phân loại các nghiệp vụ kinh tế-tài chính theo nội dung kinh tế nhằm ghi chép, phản ánh một cách thường xuyên, liên tục, có hệ thống số hiện có và sự biến động của từng đối tượng kế toán cụ thể.

Nói nôm na việc sử dụng phương pháp tài khoản kế toán chính là:

-          Sử dụng các tài khoản kế toán để phản ánh một cách có hệ thống các đối tượng kế toán cụ thể theo từng chỉ tiêu kinh tế- tài chính.

-          Sử dụng cách ghi chép trên tài khoản kế toán để phản ánh các nghiệp vụ kinh tế- tài chính phát sinh và hoàn thành trên cơ sở phân loại theo nội dung kinh tế để ghi vào tài khoản tương ứng.

3.1. Tài khoản kế toán và kết cấu chung của tài khoản kế toán

3.1.1. Khái niệm và cách mở tài khoản kế toán

Tài khoản kế toán là hình thức biểu hiện của phương pháp tài khoản kế toán, đc sử dụng để phản ánh một cách thường xuyê, liên tục, có hệ thống số hiện có và sự vận động của từng đối tượng kế toán cụ thể.

Tham khảo hệ thống tài khoản kế toán theo thông tư 133/2016/TT-BTC

Ở đây, chúng tôi đề cập cách phân loại tài khoản kế toán theo cách thông dụng nhất là phân loại theo nội dung kinh tế, theo đó tài khoản kế toán được chia thành: tài khoản tài sản, tài khoản nguồn vốn, tài khoản quá trình hoạt động.

Trong đó:

Tài khoản tài sản: gồm các tài khoản phản ánh đối tượng kế toán có nội dung kinh tế thuộc tài sản.

Tài khoản nguồn vốn: gồm các đối tượng kế toán phản ánh đối tượng kế toán có nội dung kinh tế thuộc nợ phải trả, vốn chủ sở hữu.

Tài khoản quá trình hoạt động gồm các tài khoản phản ánh đối tượng kế toán có nội dung kinh tế thuộc quá trình hoạt động.

3.1.2. Kết cấu của tài khoản kế toán

Nợ                                              Tài khoản kế toán                                                                      Có

Phản ánh mặt vận động thứ nhất

Phản ánh mặt vận động thứ hai

 

Quan hệ cân đối giữa các chỉ tiêu phản ánh trên tài khoản:

Số dư đầu kỳ + Số phát sinh tăng trong kỳ = Số phát sinh giảm trong kỳ + Số dư cuối kỳ

a.       Kết cấu của tài khoản tài sản

Nợ                                              Tài khoản kế toán                                                  Có

SDDK: Tài sản hiện có đầu kỳ

SPS: Tài sản tăng lên trong kỳ

SDCK: Tài sản hiện có cuối kỳ

 

SPS: Tài sản giảm trong kỳ

Lưu ý: có những trường hợp ngoại lệ, tài khoản phản ánh tài sản nhưng không tuân theo kêt cấu chung trên đây, đó là tài khoản điều chỉnh giảm cho tài khoản tài sản: ví dụ như TK Hao mòn tài sản cố định; Cũng có trường hợp đặc biệt như TK Chi phí trả trước phản ánh chi phí trả trước nhưng thực chất tài khoản này thuộc loại tài khoản tài sản.

* Kết cấu TK Chi phí trả trước

Nợ                                              Tài khoản kế toán                                                                      Có

SDDK: Chi phí trả trước hiện còn chưa phân bổ đầu kỳ

SPS: Chi phí trả trước thực tế phát sinh trong kỳ

SDCK: Chi phí trả trước hiện còn chưa phân bổ cuối kỳ

 

 

SPS: Chi phí trả trước phân bổ tính vào chi phí trong kỳ

 

b.      Kết cấu tài khoản nguồn vốn

Nợ                                              Tài khoản kế toán                                                  Có

SPS: Nguồn vốn giảm đi trong kỳ

 

SDDK: Nguồn vốn hiện có đầu kỳ

SPS: Nguồn vốn tăng lên trong kỳ

SDCK: Nguồn vốn hiện có cuối kỳ

 

Kết cấu tài khoản nguồn vốn ngược lại với kết cấu tài khoản tài sản, nghĩa là số dư và phát sinh tăng ở bên Có, giảm bên Nợ.

c.       Kết cấu tài khoản quá trình hoạt động

Kết cấu chung của tài khoản thu nhập

Nợ                                              Tài khoản kế toán                                                  Có

SPS: Kêt chuyển thu nhập trong kỳ

 

SPS: Thu nhập phát sinh trong kỳ

 

 

Kết cấu chung của tài khoản chi phí

Nợ                                              Tài khoản kế toán                                                  Có

SPS: Phản ánh chi phí phát sinh trong kỳ

 

SPS: Kết chuyển chi phí trong kỳ

 

 

Kết cấu tài khoản xác định kết quả hoạt động

Nợ                                              Tài khoản kế toán                                                  Có

SPS:

Phản ánh chi phí trong kỳ

Phản ánh lãi trong kỳ

SPS:

Phản ánh thu nhập trong kỳ

Phản ánh lỗ trong kỳ

 

 

d.      Kết cấu tài khoản điều chỉnh

- Kết cấu tài khoản điều chỉnh tăng được xây dựng tương tự kết cấu tài khoản chủ yếu mà nó điều chỉnh.

- Kết cấu tài khoản điều chỉnh giảm được xây dựng ngược với kết cấu tài khoản chủ yếu mà nó điều chỉnh.

Một ví dụ điển hình cho tài khoản điều chỉnh là TK Hao mòn tài sản cố đinh, điều chỉnh giảm  cho Tài khoản tài sản cố đinh nên có kết cấu ngược với TK tài sản.

Nợ                                              Tài khoản kế toán                                                  Có

SPS: Giá trị hao mòn TSCĐ giảm đi trong kỳ

 

SDDK: Giá trị hao mòn TSCĐ lũy kế đầu kỳ

SPS: Giá trị hao mòn TSCĐ tăng lên trong kỳ

SDCK: Giá trị hao mòn TSCĐ hiện có cuối kỳ

 

3.2. Cách ghi chép, phản ánh nghiệp vụ kinh tế- tài chính phát sinh vào tài khoản kế toán

3.2.1. Ghi đơn

Ghi đơn là cách ghi mà mỗi nghiệp vụ kinh tế - tài chính phát sinh chỉ được phản ánh vào một tài khoản kế toán riêng biệt, độc lập, không tính đến mối quan hệ với tài khoản kế toán khác (chỉ ghi vào bên Nợ hoặc bên Có của tài khoản kế toán.

Ghi đơn do không phản ánh mối quan hệ giữa các đối tượng kế toán nên chỉ sử dụng để theo dõi chi tiết một đối tượng kế toán chi tiết nào đó.

Hoặc ghi đơn để phản ánh nghiệp vụ phát sinh vào các tài khoản ngoài bảng.

3.2.2. Ghi kép

Ghi kép là cách ghi mà mỗi nghiệp vụ kinh tế - tài chính phát sinh được phản ánh một cách đồng thời vào các tài khoản kế toán có liên quan theo đúng nội dung kinh tế của nghiệp vụ và theo đúng mối quan hệ khách quan giữa các đối tượng kế toán mà nghiệp vụ tác động đến.

* Phân loại bút toán căn cứ vào thời điểm bút toán

- Bút toán ghi trong kỳ: thực hiện hàng ngày (đinh kỳ), trên cơ sở chứng từ kế toán phản ánh những nghiệp vụ kinh tế- tài chính phát sinh trong kỳ.

Ví dụ: Nôp tiền vào tài khoản ngân hàng:250 triệu đồng.

Nợ TK Tiền gửi ngân hàng                           250

Có TK Tiền mặt                            250

- Bút toán ghi cuối kỳ: thực hiện thời điểm cuối kỳ kế toán trước khi lập báo cáo tài chính (gồm có bút toán điều chỉnh và bút toán khóa sổ)

+ Bút toán điều chỉnh:

Bút toán điều chỉnh bao giờ cũng liên quan đến ít nhất một tài khoản trên Bảng cân đối kế toán và một tài khoản trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.

Các bút toán điều chỉnh như: phân bổ chi phí trả trước, trích khấu hao TSCĐ, phân bổ doanh thu chưa thực hiện,…

* Bút toán phân bổ chi phí trả trước

Chi phí trả trước phát sinh vào một kỳ kế toán nhất định nhưng có liên quan đến kết quả hoạt động SXKD của nhiều kỳ kế toán. Vì vậy Chi phí trả trước được ghi    nhận như là một khoản tài sản và giá trị của nó được chuyển dịch dần vào chi phí các kỳ mà nó phát huy tác dụng.

Ví dụ:Ngày 01/09/N, đơn vị X mua bảo hiểm 1 năm cho tài sản văn phòng với tổng số tiền là 480 trđ, thanh toán ngày bằng TGNH.Niên độ kế toán của đơn vị X kết thúc vào ngày 31/12

Bút toán ghi nhận ngày 01/09/N:

Nợ TK Chi phí trả trước                                    480

Có TK Tiền gửi ngân hàng             480

Bút toán phân bổ chi phí tiền bảo hiểm trả trước tính vào chi phí quản lý doanh nghiệp (TK 642) năm N là 480*4/12=160 triệu

·         Bút toán trích khấu hao tài sản cố định

Khấu hao tài sản cố định là sự phân bổ một cách có hệ thống tổng giá trị phải khấu hao của TSCĐ cho các kỳ sử dụng hữu ích tài sản đó

Ví dụ: ngày 12/10/N kế toán mua một TSCĐ sử dụng ở phòng nhân sự trị giá 100 triệu đồng, thanh toán ngay bằng  TGNH, dự tính sử dụng trong 2 năm, khấu hao theo phương pháp đường thẳng, giá trị thanh lý ước tính sau 2 năm bằng 0. Niên độ kế toán đơn vị X kết thúc vào ngày 31/12.

Ngày 12/10/N, kế toán ghi nhận TSCĐ:

Nợ TK TSCĐ (211)                            100

Có TK TGNH (112)              100

Ngày 31/12/N, kế toán kết chuyển hao mòn TSCĐ  để tập hợp chi phí: Hao mòn của TSCĐ trong năm N là: 100*2/2*12= 8 trđ

Nợ TK Chi phí quản lý doanh nghiệp      8

Có TK Hao mòn tài sản cố định               8       

* Bút toán phân bổ doanh thu chưa thực hiện

Doanh thu chưa thực hiện là số tiền mà đơn vị đã thu trước của khách hàng nhưng chưa cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ: tiền cho thuê tài sản, tiền lãi cho vay,.. nhận trước của nhiều kỳ trong tương lai.

VD: Ngày 22/12/N, đơn vị X có hợp đồng cho thuê tài sản trong 60 ngày, kể từ ngày 22/12/N đến hết ngày 19/02/N+1 và đã nhận ngày toàn bộ số tiền trong 60 ngày đó là 360 trđ bằng TGNH. Niên độ kế toán của đơn vị kết thúc ngày 31/12.

Ngày 22/12/N: kế toán ghi nhận

Nợ TK Tiền gửi ngân hàng                                             360

Có TK Doanh thu chưa thực hiện           360

Ngày 31/12/N, kế toán ghi nhận như sau: doanh thu đã được thực hiện trong năm N là 360*10/60=60 trđ

Nợ TK Doanh thu chưa thực hiện                                               60

Có TK Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ    60

* Bút toán ghi nhận chi phí dồn tích

Chi phí dồn tích là những khoản chi phí đã phát sinh trong kỳ nhưng chưa chi trả và chưa được ghi nhận trong kỳ. Ví dụ như chi phí tiền lương, chi phí lãi vay, chi phí thuê tài sản… phát sinh trong kỳ nhưng chưa chỉ trả và chưa ghi nhận trong kỳ

Ví dụ: Tháng 12/N, siêu thị X phải trả lương cho các nhân viên bán hàng với tổng số tiền 200 trđ, sẽ thanh toán vào ngày 05/01/N+1

Bút toán ghi nhận chi phí tiền lương vào ngày 31/12/N:

Nợ TK Chi phí bán hàng             200 trđ

Có TK Phải trả người lao động   200 trđ    

* Bút toán ghi nhận doanh thu dồn tích

Doanh thu dồn tích là doanh thu đã thực hiện trong kỳ nhưng thu được tiền và chưa được ghi nhận trong kỳ. Ví dụ như doanh thu từ việc cung ứng dịch vụ, cho thuê tài sản, tiền lãi cho vay… đã thực hiện được trong kỳ nhưng chưa được ghi nhận.

Ví dụ: Ngày 01/10/N, đơn vị X gửi tiết kiệm 5 tỷ đồng vào ngân hàng, kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 12%/năm, tiền gốc và lãi được nhận 1 lần khi hết hạn. Niên độ kế toán của đơn vị X kết thúc vào ngày 31/12.

Đến ngày 31/12/N, tiền lãi phải  thu 3 tháng xác định là: 150 trđ, kế toán ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính từ tiền lãi tiết kiệm qua bút toán sau:

Nợ TK Phải thu khác                                                150

Có TK Doanh thu hoạt động tài chính     150

* Bút toán ghi nhận Chi phí phải trả

Chi phí phải trả là những khoản thực tế chưa phát sinh trong kỳ, được dự tính phát sinh phải trả trong tương lai, nên kế toán thực hiện ghi nhận trước là chi phí hoạt động nhằm tránh sự biến động đột biến khi các khoản chi phí này thực tế xảy ra. Do đó, vào cuối kỳ kế toán, kế toán ghi sổ bút toán sau:

Nợ TK Chi phí có liên quan

Có TK Chi phí phải trả

Bút toán kết chuyển (khóa sổ): được thực hiện vào cuối mỗi kỳ kế toán nhằm kết chuyển số liệu trên các tài khoản kế toán tạm thời sang các tài khoản thực.

Mục đích của bút toán kết chuyển là phục vụ cho việc tính giá tài sản và xác định kết quả hoạt động của kỳ kế toán.

Ví dụ: Bút toán kết chuyển số liệu trên các tài khoản thu nhập sang tài khoản xác định kết quả hoạt động:

Nợ TK Thu nhập có liên quan

Có TK Xác định kết quả hoạt động

* Bút toán kết chuyển số liệu trên các tài khoản phản ánh các chi phí liên quan tạo ra thu nhập sang tài khoản xác định kết quả hoạt động:

Nợ TK Xác định kêt quả hoạt động

Có TK Chi phí có liên quan

*Bút toán kết chuyển lãi, lỗ trên tài khoản xác định kết quả hoạt động sang tài khoản lợi nhuận chưa phân phối:

Nếu kết chuyển lãi: Nợ TK Xác định kết quả hoạt động

Có TK Lợi nhuận chưa phân phối

Nếu kết chuyển lỗ: Nợ TK Lợi nhuận chưa phân phối

Có TK Xác định kết quả hoạt động

4. Phương pháp tổng hợp - cân đối kế toán

Phương pháp tổng hợp- cân đối kế toán là phương pháp được sử dụng để tổng hợp số liệu từ các sổ kế toán theo các mối quan hệ cân đối của đối tượng kế toán, cung cấp các chỉ tiêu kinh tế- tài chính cho các đối tượng sử dụng thông tin kế toán.

-          Quan hệ cân đối giữa tài sản, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu:

Tài sản = Nợ phải trả + Vốn chủ sở hữu

-          Quan hệ cân đối giữa thu nhập, chi phí, kết quả hoạt động :

Kết quả hoạt động = Thu nhập – Chi phí

-          Quan hệ cân đối của từng đối tượng kế toán cụ thể:

Số hiện có đầu kỳ + Số tăng trong kỳ = Số giảm trong kỳ + Số hiện có cuối kỳ

Hình thức biểu hiện của phương pháp tổng hợp – cân đối kế toán là hệ thống các báo cáo kế toán.

+ Các báo cáo tài chính cung cấp thông tin tổng quát về tình hình tài chính, tình hình và  kết quả hoạt động, tình hình lưu chuyển tiền và những thông tin thuyết minh của đơn vị kế toán: Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và Thuyết minh báo cáo tài chính.

+ Các báo cáo kế toán chi tiết cung cấp những thông tin chi tiết về đối tượng kế toán, tùy thuộc vào từng đơn vị kế toán mà các báo cáo kế toán chi tiết được xây dựng một cách phù hợp: Báo cáo tình hình nhập –xuất vật tư, báo cáo tình hình tăng giảm tài sản cố định, báo cáo giá thành sản xuất…

+ Hệ thống báo cáo kế toán quản trị được xây dựng tùy thuộc vào yêu cầu quản trị nội bộ của từng đơn vị kế toán; phản ánh từng mặt hoạt động ; từng đối tượng kế toán cụ thể có tính chất chuyên biệt.

* Nguyên tắc chung xây dựng các báo cáo kế toán

- Kết cấu các báo cáo kế toán phải đơn giản, hợp lý, thuận tiện cho việc tổng hợp số liệu của kế toán và việc nhận biết thông tin của các đối tượng sử dụng.

- Hệ thống các chỉ tiêu kinh tế -tài chính trong các báo cáo kế toán phải được sắp xếp theo trình tự nhất định đảm bảo tính khoa  học trong mối quan hệ cân đối của các đối tượng kế toán.

4.1. Bảng cân đối kế toán

Bảng cân đối kế toán là báo cáo tài chính phản ánh tổng quát tình hình tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của đơn vị kế toán tại một thời điểm.

Tài sản = Nợ phải trả + Vốn chủ sở hữu

Bảng cân đối kế toán gồm hai phần phản ánh riêng biệt hai mặt của lượng tài sản:

(1)    Phần tài sản: Các chỉ tiêu phản ánh tài sản được sắp xếp theo tính thanh khoản giảm dần của tài sản

(2)    Phần nguồn hình thành tài sản: Nợ phải trả được trình bày trước vốn chủ sở hữu; Đối với nợ phải trả các chỉ tiêu được sắp xêp theo thời gian đáo hạn tăng, theo đó nợ phải trả ngắn hạn được trình bày trước nợ phải trả dài hạn; Đối với phần vốn chủ sở hữu, các chỉ tiêu thuộc vốn góp của chủ sở hữu được trình bày trước tiên, sau đó là vốn từ kết quả hoạt động và vốn chủ sở hữu có nguồn gốc khác.

Về phương pháp tính các chỉ tiêu trên Bảng cân đối kế toán và mẫu bảng các bạn có thể tham khao chi tiết tại TT200/2014/TT-BTC về chế độ kế toán doanh nghiệp.

4.2. Báo cáo kết quả hoạt động

Báo cáo kết quả hoạt động là báo cáo tài chính phản ánh thu nhập, chi phí, và kết quả hoạt động của đơn vị kế toán trong một kỳ.

Kết quả hoạt động trong kỳ = Thu nhập trong kỳ - Chi phí trong kỳ

Nội dung phản ánh thu nhập gồm các chỉ tiêu về thu nhập từ các hoạt động của đơn vị: Thu nhập hoạt động chủ yếu, thu nhập hoạt động tài chính, thu nhập hoạt động khác.

Nội dung phản ánh chi phí gồm các chi phí về hoạt động của đơn vị: Chi phí hoạt động chủ yếu, chi phí hoạt động tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí khác.

Nội dung phản ánh  kết quả bao gồm các chỉ tiêu: Lợi nhuận kế toán trước thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận sau thuế,…

* Kết cấu của Báo cáo kết quả hoạt động

Các chỉ tiêu kinh tế - tài chính trên Báo cáo kết quả hoạt động được trình bảy theo thứ tự: trước tiên là thông tin về thu nhập, sau đó là chi phí và cuối cùng là kết quả; đồng thời các thông tin đó được sắp xếp theo hoạt động chủ yếu, hoạt động tài chính, và cuối cùng là hoạt động khác.

Về phương pháp tính các chỉ tiêu trên Báo cáo kết quả hoạt động, các bạn xem chi tiết tại TT200/2014/TT-BTC về chế độ kế toán doanh nghiệp để nắm rõ hơn.

IV. Sổ kế toán và hình thức kế toán

1. Sổ kế toán

a. Khái niệm sổ kế toán

Sổ kế toán là những tờ sổ được xây dựng theo mẫu nhất định, có liên hệ chặt chẽ với nhau, được sử dụng để ghi chép hệ thống hóa thông tin về các hoạt động kinh tế- tài chính trên cơ sở số liệu của các chứng từ kế toán theo đúng phương pháp kế toán, nhằm cung cấp các thông tin có hệ thống phục vụ công tác lãnh đạo và quản lý các hoạt động kinh tế- tài chính trong đơn vị.

Đặc điểm chung của sổ kế toán:

Hệ thống sổ kế toán hiện nay không nhất thiết phải theo một mẫu nhất định; nhưng về nguyên tắc chung cần có đầy đủ các yếu tố cơ bản cần thiết cho việc ghi chép, tổng hợp các thông tin, số liệu của các nghiệp vụ kinh tế- tài chính.

- Các tờ sổ kế toán cụ thể có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

- Sổ kế toán được mở theo kỳ kế toán (tháng, quý, năm)

- Căn cứ ghi sổ kế toán các chứng từ kế toán; việc ghi chép trên sổ kế toán phải theo đúng phương pháp kế toán.

b. Phân loại sổ kế toán

Cách phân loại chủ yếu là dựa theo nội dung ghi chép trên sổ kế toán:

- Sổ kế toán tổng hợp: Sổ kế toán mà trong đó ghi chép, phản ánh các nghiệp vụ hoặc các thông tin chỉ liên quan đến đối tượng kế toán tổng quát (tài khoản tổng hợp) thì được nhận biết đó là sổ kế toán tổng hợp.

Ví dụ: Sổ Cái, sổ nhật ký chung, sổ Nhật ký chứng từ ghi sổ, và một số sổ Nhật ký chứng từ,…

- Sổ kế toán chi tiết: là loại sổ kế toán mở cho từng đối tượng kế toán chi tiết, dùng để ghi chép nghiệp vụ kinh tế-tài chính liên quan đến các đối tượng kế toán.

Ví dụ: Sổ chi tiết nguyên vật liệu, Sổ chi tiết hàng hóa, sổ chi tiết thanh toán với khách hàng; Sổ chi tiết chi phí bán hàng,..

- Sổ kế toán kết hợp giữa tổng hợp và chi tiết: Là loại sổ kế toán được dùng để kết hợp ghi chép các nghiệp vụ kinh tế- tài chính vừa theo đối tượng tổng hợp, phản ánh trên các tài khoản tổng hợp, vừa theo đối tượng chi tiết phản ánh trên các tài khoản chi tiết liên quan.

Ví dụ: Sổ Cái tài khoản; một số Nhật ký chứng từ;…

Hiện nay, với sự ứng dụng của tin học vào công tác kế toán, phần mềm kế toán sẽ giúp các bạn lên các sổ kế toán phù hợp với hình thức kế toán công ty các bạn áp dụng. bạn chỉ cần hạch toán chính xác các chứng từ có được.

c. Quy trình mở sổ, ghi sổ, khóa sổ và chữa sổ kế toán

* Mở sổ

Một đơn vị kế toán bắt đầu hoạt động hoặc bắt đầu một niên độ kế toán mới thì kế toán cần tiến hành mở sổ kế toán.

Công việc mở sổ thường gồm: Xác định danh mục sổ kế toán cần mở và đăng ký danh mục sổ kế toán; chuyển số dư đầu kỳ ghi vào hệ thống sổ kế toán mới.

Tùy theo quy định cụ thể của pháp lý và của cấp quản lý có thẩm quyền, đơn vị có thể cần đăng ký danh mục sổ kế toán sử dụng với cơ quan chức năng và phải sử dụng nhất quán hệ thống sổ đã đăng ký trong suốt niên độ kế toán.

* Quy trình ghi sổ

Chu trình ghi sổ,xử lý, đối chiếu, khóa sổ đến lập báo cáo tài chính nói chung:

(1)    Hàng ngày, kế toán căn cứ chứng từ phát sinh để ghi vào Sổ nhật ký, đồng thời ghi vào các sổ chi tiết liên quan.

(2)    Từ Sổ nhật ký, kế toán ghi vào Sổ Cái của các tài khoản liên quan.

(3)    Cuối kỳ lập bảng tổng hợp chi tiết từ các Sổ chi tiết

(4)    Cuối kỳ đối chiếu số tổng cộng trên bảng tổng hợp chi tiết với sổ cái tài khoản tương ứng.

(5)    Cuối kỳ căn cứ Sổ Cái các tài khoản lập Bảng cân đối thử tạm thời để kiểm tra số liệu kế toán đã hạch toán, đồng thời để có số liệu lập các bút toán điều chỉnh.

(6)    Căn cứ Bảng cân đối thử tạm thời và các tài liệu liên quan, kế toán lập các bút toán điều chỉnh, như: Bút toán khấu hao TSCĐ, bút toán phân bổ chi phí, trích trước chi phí,..

(7)    Căn cứ số liệu trên Bảng cân đối thử tạm thời và các tài liệu liên quan khác, kế toán lập các bút toán khóa sổ các tài khoản doanh thu, tài khoản chi phí, tài khoản xác định kết quả.

(8)    Từ các bút toán khóa sổ và điều chỉnh, kế toán ghi các bút toán đó vào Sổ nhật ký.

(9)    Sau đó, ghi các bút toán điều chỉnh và bút toán khóa sổ vào sổ Cái tài khoản

(10)Từ sổ Cái tài khoản, kế toán lập Bảng cân đối thử hoàn chỉnh để kiểm tra, đối chiếu số liệu trước khi lập BCTC.

(11)Căn cứ số liệu trên Bảng cân đối thử hoàn chỉnh lập các Báo cáo tài chính.

* Chữa sổ kế toán

Công việc này diễn ra khi phát hiện sai sót trên sổ kế toán, việc chữa sổ kế toán theo đúng quy tắc; nguyên tắc chữa sổ là không được làm mất đi số đã ghi sai.

Có 3 phương pháp chữa sổ kế toán:

a.Phương pháp cải chính

Áp dụng trong trường hợp: sai diễn giải hoặc số liệu ghi sai nhưng không ảnh hưởng đến số tiền tổng cộng, không sai quan hệ đối ứng tài khoản.

Chữa sổ bằng cách gạch ngang chỗ đã ghi sai; sau đó ghi lại số đúng bằng mực thường lên phía trên; người chữa sổ và kế toán trưởng ký xác nhận

Phương pháp này chỉ áp dụng kế toán thủ công.

b. Phương pháp ghi bổ sung

Áp dụng trong trường hợp: ghi sót nghiệp vụ phát hiện trước hoặc sau khi cộng sổ kế toán; số tiền đã ghi nhỏ hơn số tiền thực tế phải ghi, không sai quan hệ đối ứng tài khoản.

c. Phương pháp ghi số âm

Áp dụng trong trường hợp: số đã ghi sai lớn hơn số đúng phải ghi nhưng không sai quan hệ đối ứng tài khoản và phát hiện được sau khi cộng sổ; hoặc ghi trùng số tiền nhiều lần; hoặc ghi sai quan hệ đối ứng tài khoản.

2. Hình thức kế toán

2.1. Khái niệm hình thức kế toán

Là hệ thống tổ chức sổ kế toán, bao gồm số lượng sổ, kết cấu các loại sổ trong việc ghi chép, tổng hợp, hệ thống hóa số liệu từ các chứng từ kế toán theo một trình tự và phương pháp nhất định nhằm cung cấp các số liệu cần thiết cho việc lập các báo cáo kế toán.

2.2. Các hình thức kế toán

Có 4 hình thức kế toán chủ yếu:

-          Hình thức kế toán Nhật ký- Sổ cái

-          Hình thức kế toán Chứng từ ghi sổ

-          Hình thức kế toán Nhật ký chung

-          Hinh thức kế toán Nhật ký chứng từ

Sau đây chúng tôi trình bày các hình thức kế toán nhằm giúp các bạn yêu kế toán có thể hình dung được đặc điểm, quy trình cũng như các loại sổ kế toán được áp dụng trong từng hình thức kế toán.

Thực tế hiện nay các doanh nghiệp đang sử dụng phần lớn hình thức kế toán máy có sự hỗ trợ của phần mềm, vì thế các bạn chỉ cần chọn hình thức kế toán doanh nghiệp áp dụng trên phần mềm, lập tức một hệ thống sổ phù hợp, khoa học sẽ được tự động sử dụng trong suốt quá trình các bạn thực hiện công tác kế toán.

Dù vậy, chúng tôi khuyến khích các bạn tìm hiểu quy trình thủ công của từng hình thức, để hiểu rõ hơn cách thức hệ thống trên phần mềm tiến hành ghi sổ trong từng hình thức.

2.2.1. Hình thức kế toán Nhật ký- Sổ cái (áp dụng với đơn vị có quy mô nhỏ sử dụng ít tài khoản tổng hợp)

a. Đặc điểm

- Chỉ có một sổ kế toán tổng hợp duy nhất là Nhật ký- Sổ Cái

- Cách ghi chép trên sổ tổng hợp đó là cùng kết hợp ghi theo thứ tự thời gian các nghiệp vụ phát sinh và ghi theo hệ thống tài khoản.

b. Hệ thống sổ kế toán của hình thức kế toán Nhật ký- Sổ Cái

- Sổ kế toán tổng hợp sử dụng trong hình thức Nhật ký- Sổ Cái là sổ NK-SC (việc ghi chép trên sổ kết hợp ghi theo thời gian các nghiệp vụ phát sinh và ghi theo hệ thống tài khoản.

- Sổ kế toán chi tiết được mở tùy theo đối tượng kế toán và yêu cầu quản lý của đơn vị.

c. Trình tự và phương pháp ghi sổ của hình thức kế toán Nhật ký- Sổ Cái 

Ghi chú1-1.jpg

d. Ưu điểm, hạn chế và điều kiện áp dụng hình thức kế toán Nhật ký- Sổ Cái

* Ưu điểm:

- Mẫu sổ đơn giản, dễ ghi chép; số lượng sổ ít, việc ghi chép ít, không trùng lặp; việc kiểm tra đối chiếu số liệu được thực hiện thường xuyên trên Nhật ký- Sổ Cái, không phải lập Bảng đối chiếu số phát sinh các TK.

* Hạn chế:

- Khó phân công việc trong phòng kế toán

- Sổ kế toán cồng kềnh, không thuận tiện ghi chép khi đơn vị có quy mô vừa hoặc quy mô lớn, nghiệp vụ kinh tế phát sinh nhiều, sử dụng nhiều tài khoản tổng hợp.

2.2.2. Hình thức kế toán Chứng từ ghi sổ

a. Đặc điểm

- Số liệu ghi vào Sổ Cái là căn cứ vào chứng từ ghi sổ chứ không phải chứng từ gốc.

- Các chứng từ gốc đều được phân loại, tổng hợp để lập chứng từ ghi sổ.

b. Hệ thống sổ kế toán của hình thức kế toán Chứng từ ghi sổ

- Sổ kế toán tổng hợp: Các sổ cái tài khoản; Sổ đăng ký chứng từ ghi sổ

- Sổ kế toán chi tiết: Có nhiều sổ chi tiết khác nhau được mở tùy theo đối tượng kế toán và yêu cầu quản lý của đơn vị

 c. Trình tự và phương pháp ghi sổ của hình thức kế toán Chứng từ ghi sổ 

Ghi chú1-2.jpg

Mô tả quy trình:

(1)- Hàng ngày, căn cứ vào các chứng từ kế toán hoặc Bảng Tổng hợp chứng từ kế toán cùng loại đã được kiểm tra, được dùng làm căn cứ ghi sổ, kế toán lập Chứng từ ghi sổ. Căn cứ vào Chứng từ ghi sổ để ghi vào sổ Đăng ký Chứng từ ghi sổ, sau đó được dùng để ghi vào Sổ Cái. Các chứng từ kế toán sau khi làm căn cứ lập Chứng từ ghi sổ được dùng để ghi vào Sổ, Thẻ kế toán chi tiết có liên quan.

(2)- Cuối tháng, phải khoá sổ tính ra tổng số tiền của các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh trong tháng trên sổ Đăng ký Chứng từ ghi sổ, tính ra Tổng số phát sinh Nợ, Tổng số phát sinh Có và Số dư của từng tài khoản trên Sổ Cái. Căn cứ vào Sổ Cái lập Bảng Cân đối số phỏt sinh.

(3)- Sau khi đối chiếu khớp đúng, số liệu ghi trên Sổ Cái và Bảng tổng hợp chi tiết (được lập từ các sổ, thẻ kế toán chi tiết) được dùng để lập Báo cáo tài chính.

Quan hệ đối chiếu, kiểm tra phải đảm bảo Tổng số phát sinh Nợ và Tổng số phát sinh Có của tất cả các tài khoản trên Bảng Cân đối số phát sinh phải bằng nhau và bằng Tổng số tiền phát sinh trên sổ Đăng ký Chứng từ ghi sổ. Tổng số dư Nợ và Tổng số dư Có của các tài khoản trên Bảng Cân đối số phát sinh phải bằng nhau, và số dư của từng tài khoản trên Bảng Cân đối số phát sinh phải bằng số dư của từng tài khoản tương ứng trên Bảng tổng hợp chi tiết.

d. Ưu điểm, hạn chế và điều kiện áp dụng hình thức kế toán Chứng từ ghi sổ

* Ưu điểm: Mẫu sổ đơn giản, dễ ghi chép, thuận tiện phân công lao động kế toán.

* Hạn chế: khối lượng ghi chép nhiều, trùng lặp, việc kiểm tra đối chiếu thường dồn vào cuối kỳ nên cung cấp thông tin thường chậm.

* Điều kiện áp dụng: áp dụng cho các đơn vị có quy mô vừa, quy mô lớn, có nhiều lao động kế toán, sử dụng nhiều tài khoản.

2.2.3. Hình thức kế toán Nhật ký chung

a. Đặc điểm

- Mở 1 sổ Nhật ký chung để ghi bút toán hạch toán các nghiệp vụ phát sinh theo thứ tự thời gian

- Số liệu ghi vào sổ Cái là căn cứ vào Nhật ký chung để ghi chứ không phải từ chứng từ gốc.

b. Hệ thống sổ của hình thức kế toán Nhật ký chung

- Sổ kế toán tổng hợp: sổ Nhật ký chung, sổ Cái

- Sổ chi tiết: mở tùy theo đối tượng kế toán và yêu cầu quản lý của đơn vị.

c. Trình tự và phương pháp ghi sổ của hình thức kế toán Nhật ký chung

Ghi chú1-3.jpg

Mô tả quy trình:

(1)    Căn cứ vào các chứng từ gốc đã được kiểm tra, đảm bảo tính hợp pháp, hợp lý, hợp lệ, hàng ngày lập định khoản  kế toán và ghi vào Nhật ký- Sổ Cái. Riêng những chứng từ liên quan đến các đối tượng kế toán chi tiết cần hạch toán chi tiết thì đồng thời được ghi vào các sổ chi tiết.

(2)    Đối với các chứng từ gốc liên quan đến tiền mặt, thủ quỹ ghi vào sổ quỹ, cuối ngày chuyển sổ quỹ và chứng từ gốc cho kế toán, kế toán tổng hợp số liệu, lập định khoản và ghi vào Nhật ký- Sổ Cái.

(3)    Cuối kỳ hạch toán, kế toán căn cứ vào các sổ chi tiết để lập các bảng chi tiết số phát sinh.

(4)    Sau đó thực hiện kiểm tra, đối chiếu số liệu giữa các tài khoản tổng hợp trên ngày Nhật ký – Sổ Cái, giữa Nhật ký- Sổ cái với sổ quỹ và giữa Nhật ký- Sổ Cái với các Bảng chi tiết số phát sinh.

(5)     Sau khi kiểm tra, đối chiếu số liệu, căn cứ vào Nhật ký - Sổ cái và các Bảng chi tiết số phát sinh để lập các báo cáo kế toán.

a. Công việc hàng ngày:

 - Hàng ngày, căn cứ vào các chứng từ đã kiểm tra được dùng làm căn cứ ghi sổ, trước hết ghi nghiệp vụ phát sinh vào sổ Nhật ký chung, sau đó căn cứ số liệu đã ghi trên sổ Nhật ký chung để ghi vào Sổ Cái theo các tài khoản kế toán phù hợp.

         + Nếu đơn vị có mở sổ, thẻ kế toán chi tiết thì đồng thời với việc ghi sổ Nhật ký chung, các nghiệp vụ phát sinh được ghi vào các sổ, thẻ kế toán chi tiết liên quan.

 - Trường hợp đơn vị mở các sổ Nhật ký đặc biệt thì hàng ngày, căn cứ vào các chứng từ được dùng làm căn cứ ghi sổ, ghi nghiệp vụ phát sinh vào sổ Nhật ký đặc biệt liên quan. Định kỳ (3, 5, 10... ngày) hoặc cuối tháng, tuỳ khối lượng nghiệp vụ phát sinh, tổng hợp từng sổ Nhật ký đặc biệt, lấy số liệu để ghi vào các tài khoản phù hợp trên Sổ Cái, sau khi đã loại trừ số trùng lặp do một nghiệp vụ được ghi đồng thời vào nhiều sổ Nhật ký đặc biệt (nếu có).

 b. Công việc cuối tháng, quý, năm:

 - Cuối tháng, cuối quý, cuối năm, cộng số liệu trên Sổ Cái, lập Bảng cân đối số phát sinh. Sau khi đã kiểm tra đối chiếu khớp, đúng số liệu ghi trên Sổ Cái và bảng tổng hợp chi tiết (được lập từ các sổ, thẻ kế toán chi tiết) được dùng để lập các Báo cáo tài chính.

 - Về nguyên tắc, Tổng số phát sinh Nợ và Tổng số phát sinh Có trên Bảng cân đối số phát sinh phải bằng Tổng số phát sinh Nợ và Tổng số phát sinh Có trên sổ Nhật ký chung (hoặc sổ Nhật ký chung và các sổ Nhật ký đặc biệt sau khi đã loại trừ số trùng lặp trên các sổ Nhật ký đặc biệt) cùng kỳ.

c. Ưu điểm, hạn chế và điều kiện áp dụng hình thức kế toán Nhật ký chung

* Ưu điểm: mẫu sổ đơn giản, dễ ghi chép, thuận tiện cho việc phân công lao đông kế toán.

* Hạn chế: Khối lượng ghi chép nhiều, trùng lặp.

* Điều kiện áp dụng: áp dụng đối với đơn vị có quy mô vừa,có nhiều lao động kế toán,sử dụng máy tính trong công tác kế toán.

2.2.2. Hình thức kế toán Nhật ký- Chứng từ

a. Đặc điểm

- Các nhật ký- chứng từ đều mở ghi theo bên có tài khoản liên quan đối ứng với Nợ các tài khoản khác

- Số liệu ghi vào Sổ Cái là căn cứ vào các Nhật ký chứng từ (ghi vào cuối tháng) chứ không phải từ chứng từ gốc.

b. Hệ thống sổ kế toán của hình thức kế toán Nhật ký – chứng từ

- Sổ kế toán tổng hợp: Các sổ nhật ký chứng từ; các Bảng kê; và các sổ Cái tài khoản.

- Sổ chi tiết: có nhiều sổ chi tiết khác nhau được mở tùy theo đối tượng kế toán và yêu cầu quản lý của đơn vị.

c. Trình tự ghi sổ của hình thức kế toán Nhật ký- Chứng từ 

Ghi chú1-4.jpg

Mô tả quy trình:

(1)   Hàng ngày căn cứ vào các chứng từ gốc đã được kiểm tra đảm bảo tính hợp lệ, hợp lý, hợp pháp, tiến hành phân loại, tổng hợp số liệu và lập định khoản rồi ghi vào Nhật ký chứng từ.

+ Đối với các chứng từ không ghi thẳng vào Nhật ký chứng từ thì được ghi vào các Bảng kê liên quan, cuối tháng căn cứ số liệu trên Bảng kê để ghi vào Nhật ký chứng từ.

+ Riêng đối với những chứng từ liên quan đến đối tượng kế toán chi tiết chưa được kết hợp phản ánh trên Nhật ký chứng từ, kế toán căn cứ vào các chứng từ gốc ghi đồng thời vào các sổ kế toán chi tiết liên quan.

(2) Đối với chứng từ liên quan đến chi phí cần phân bổ, kế toán căn cứ vào các chứng từ đó để tập hợp, tính toán, phân bổ và ghi vào các Bảng phân bổ, cuối tháng căn cứ vào các Bảng phân bổ để ghi vào Nhật ký chứng từ và Bảng kê liên quan.

(3) Các chứng từ liên quan đến tiền mặt được thủ quỹ ghi vào Sổ quỹ, cuối ngày chuyển sổ quỹ kèm các chứng từ thu, chi tiền mặt cho kế toán, kế toán tổng hợp và ghi vào sổ Nhật ký- Chứng từ, Bảng kê liên quan.

(4) Cuối tháng, căn cứ vào yêu cầu tổng hợp số liệu hoặc tính toán các chỉ tiêu phục vụ ghi sổ và quản lý, kế toán ghi chuyển số liệu giữa các Nhật ký- chứng từ và các Bảng kê liên quan.

(5) Cuối tháng, kiểm tra đối chiếu số liệu trên từng Bảng kê, trên từng Nhật ký- chứng từ và giữa Bảng kê với Nhật ký- Chứng từ.

(6) Căn cứ số liệu trên Nhật ký- Chứng từ ghi vào Sổ cái các tài khoản.

(7) Căn cứ vào các sổ kế toán chi tiết để lập Bảng chi tiết số phát sinh theo từng tài khoản tổng hợp có mở chi tiết.

(8) Đối chiếu số liệu giữa các Bảng chi tiết số phát sinh với các Sổ Cái tài khoản tương ứng.

(9) Căn cứ số liệu trên các Bảng kê, trên các sổ Cái, trên các Bảng chi tiết số phát sinh để lập các báo cáo kế toán.

d. Ưu điểm, hạn chế và điều kiện áp dụng hình thức kế toán Nhật ký chứng từ

* Ưu điểm: Giảm nhẹ khối lượng ghi sổ kế toán; việc kiểm tra, đối chiếu số liệu được thực hiện thường xuyên ngay trên trang sổ, không phải lập Bảng đối chiếu phát sinh các tài khoản; cung cấp thông tin kịp thời.

* Hạn chế: mẫu sổ kế toán phức tạp, yêu cầu trình độ cao đối với các kế toán viên; không thuận tiện cho việc ứng dụng tin học trong công tác kế toán.

* Điều kiện áp dụng: Áp dụng đối với đơn vị quy mô vừa, quy mô lớn, đội ngũ kế toán viên có trình độ chuyên môn cao.

V. Hệ thống pháp lý kế toán

Hệ thống pháp lý kế toán là tập hợp các quy định pháp luật nhằm điều chỉnh thực tiễn kế toán ở các đơn vị.

1. Các nhân tố ảnh hưởng đến hệ thống pháp lý kế toán quốc gia

(1)    Hệ thống luật của một quốc gia

Luật là công cụ quản lý hành vi của các tổ chức, cá nhân theo những dạng luật nhất định.

Ví dụ: luật phổ thông được áp dụng ở Anh,Mỹ, Úc,…. có đặc điểm ít tính trừu tượng, giải quyết từng lĩnh vực, vấn đề cụ thể. Luật công ty của các nước này không quy định chi tiết đơn vị kế toán phải công bố Báo cáo tài chính như thế nào và hệ thống pháp lý về kế toán của những quốc gia này hình thành, tồn tại và phát triển không quá lệ thuộc vào các hệ thống luật pháp khác.

Luật châu Âu áp dụng ở nước châu Âu lại quy định cụ thể và chi tiết các đơn vị kế toán phải lập và trình bày hệ thống báo cáo tài chính như thế nào, hệ quả là hệ thống pháp lý về kế toán chịu sự phụ thuộc của Luật doanh nghiệp và một loạt những luật liên quan như Luật thương mại, luật thuế,…

(2)    Thị trường chứng khoán

Được coi là phương tiện hữu hiệu để thu hút vốn đầu tư trong nền kinh tế thị trường, là nơi các khoản đầu tư được trao đổi. Mối quan hệ giữa thị trường chứng khoán, các chuyên gia phân tích và tư vấn, các nhà đầu tư với nhu cầu số lượng, chất lượng thông tin kế toán luôn gắn bó chặt chẽ với nhau.

Thị trường chứng khoán càng phát triển thì các vấn đề về luật Kế toán, Chuẩn mực kế toán và chính sách, chế độ kế toán càng phải đảm bảo cung cấp một hệ thống báo cáo tài chính trung thực và hợp lý cho đối tượng sử dụng thông tin kế toán là các nhà đầu tư.

(3)    Sự hình thành và phát triển công ty cổ phần

Đặc điểm quyền sở hữu tách rời quyển kiểm soát và quản lý của công ty cổ phần ảnh hưởng không nhỏ tới hệ thống pháp lý kế toán của một quốc gia

(4)    Tính chất sở hữu đơn vị kế toán

Yếu tố này ảnh hưởng đến việc công bố rộng rãi thông tin kế toán: hệ thống pháp lý có sự khác biệt rõ rệt giữa các quốc gia mà quyền sở hữu đơn vị kế toán chủ yếu là các thành viên cùng huyết thống với các quốc gia mà đơn vị kế toán được sở hữu một cách rộng rãi hay với những quốc gia mà đơn vị kế toán được sở hữu chủ yếu bởi Nhà nước.

(5)    Sự tăng trưởng kinh tế

Sự chuyển dịch một nền kinh tế hay tính chất đặc thù của một ngành nhất định trong hệ thống kinh tế chiếm một vị trí quan trọng trong nền kinh tế ảnh hưởng đến chuẩn mực, chế độ kế toán của một quốc gia.

(6)    Lạm phát

Yếu tố này liên quan đến sự thay thế trong chế độ, chuẩn mực kế toán ở phạm vi nhất định đối với việc sử dụng giá thị trường và những loại giá khác trong việc tính giá các đối tượng kế toán.

(7)    Thuế

Sự ảnh hưởng của luật thuế đến hệ thống pháp lý kế toán liên quan chủ yếu đến các vấn đề thuộc về xác định kết quả kinh doanh, bao gồm cả việc xác đinh thu nhập và chi phí.

2. Các thành tố của hệ thống pháp lý kế toán quốc gia

2.1. Luật kế toán

Luật kế toán là văn bản pháp luật có hiệu lực cao nhất trong hệ thống pháp lý kế toán; Các quy định trong luật kế toán mang tính khái quát chung với mọi loại hình đơn vị kế toán, tạo ra khung pháp lý cơ bản, điều chỉnh hoạt động kế toán trên đầy đủ các phương diện: khoa học, nghề nghiệp, công cụ quản lý kinh tế. Luật kế toán là cơ sở để xây dựng các chuẩn mực và chế độ kế toán.

Hiện nay chúng ta đang áp dụng luật kế toán số 88/2015/QH13 (có hiệu lực từ 01/01/2016) và nghị định số 174/2016/NĐ-CP hướng dẫn luật kế toán.

2.2. Những nguyên tắc kế toán được thừa nhận chung và chuẩn mực kế toán

- Những nguyên tắc chung là những quy định có tính nguyên tắc được thừa nhận chung. Những quy định này thường là các quy định mang tính chuyên môn về kế toán, thường gồm: khái niệm đơn vị kế toán, khái niệm thước đo tiền tệ, khái niệm về giả thuyết hoạt động liên tục,…. Nhằm mục đích những người sử dụng thông tin kế toán có cùng cách hiểu và cách làm chung về một vấn đề kế toán.

- Chuẩn mực kế toán là những quy tắc cơ bản và các quy định có tính mực thước về phương pháp hạch toán, đánh giá, thuyết minh và trình bày thông tin, số liệu kế toán được áp dụng để hạch toán và lập các BCTC của đơn vị.

Trên thế giới hiện nay, có chuẩn mực kế toán quốc gia và chuẩn mực kế toán quốc tế.

2.3. Chế độ kế toán

Chế độ kế toán được quy định và hướng dẫn những nội dung, phương pháp kế toán cụ thể mang tính đặc thù trong một số lĩnh vực hoặc ngành kinh doanh và loại hình đơn vị kế toán cụ thể. Các quy định trong chế độ kế toán có sự phân hóa cụ thể đến từng lĩnh vực, ngành, loại hình đơn vị đặc thù và bao gồm chủ yếu các nội dung về hệ thống chứng từ kế toán, hệ thống tài khoản,sổ và báo cáo kế toán.

Tại Việt Nam hiện nay, chế độ kế toán đang được vận hành theo:

+ Thông tư 200/2014/TT-BTC (thay thế QDD15/2006)

+ Luật kế toán số 88/2015/QH13 (có hiệu lực từ 01/01/2016)

+ Nghị định số 174/2016/NĐ-CP hướng dẫn luật kế toán.

+ Thông tư 53/2016/TT-BTC ngày 21/03/2016 sửa đổi, bổ sung TT200/2014

+ Thông tư 133/2016/TT-BTC (thay thế QĐ48)

BÀI TẬP NGUYÊN LÝ KẾ TOÁN

Bài 1:

Tại đơn vị X, tháng 3/20XX có tài liệu sau: (đơn vị tính: nghìn đồng)

I/ Số dư đầu kỳ các TKKT như sau:

1. TK tiền mặt :111.000

2. TK Tiền gửi ngân hàng :800.000

3. TK Phải thu của khách hàng: 40.000

4. TK Tạm ứng: 9.000

5. TK nguyên, vật liệu: 200.000

6. TK Tài sản cố định hữu hình: 2.000.000

7. TK Vay ngắn hạn: 500.000

8. TK Phải trả cho người bán: 300.000

9. TK Phải trả cho người lao động: 50.000

10. TK Thuế và các khoản phải nộp NSNN: 20.000

11. TK Nguồn vốn kinh doanh: 2.290.000

Các TK khác có số dư bằng không hoặc không có số dư 

II/ Các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong tháng 3/20XX như sau:

1. Xuất tiền mặt chi tạm ứng cho nhân viên đi công tác: 2.000

2. Rút tiền gửi ngân hàng về quỹ tiền mặt: 70.000

3. Chuyển tiền gửi ngân hàng trả lương cho người lao động: 47.000

4. Mua một TSCĐ hữu hình bằng tiền vay: 300.000

5. Người mua trả nợ tiền mua hàng kì trước bằng tiền gửi ngân hàng:35.000

6. Cán bộ, công nhân viên hoàn trả tiền tạm ứng nhập quỹ tiền mặt: 1.000

7. Nhà nước cấp cho đơn vị một thiết bị SX làm tăng nguồn vốn kinh doanh: 120.000

8. Vay ngắn hạn ngân hàng trả nợ cho người bán: 100.000

9. Khấu trừ vào lương của công nhân viên để thu hồi tiền tạm ứng: 3.000

10. Chuyển TGNH nộp thuế cho NSNN: 20.000 và trả nợ vay ngắn hạn: 80.000

Yêu cầu: 

1. Lập định khoản kế toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong kỳ và chứng từ sử dụng trong từng trường hợp.

2. Lập bảng đối chiếu số phát sinh 

3. Lập bảng cân đối kế toán cuối kỳ 

Bài 2: 

Tại đơn vị A, tháng 6/20XX có tài liệu sau: (đơn vị tính: nghìn đồng)

I/ Số dư đầu kỳ các TKKT như sau:

1. TK Tiền mặt: 50.000

2. TK Tiền gửi ngân hàng: 500.000

3. TK Phải thu của khách hàng: 200.000

4. TK Tạm ứng: 20.000

5. TK Nguyên, vật liệu: 700.000

6. TK Thành phẩm: 40.000

7. TK Phải thu khác: 10.000

8. TK Tài sản cố định hữu hình: 2.000.000

9. TK Vay ngắn hạn: 300.000

10. TK Nguồn vốn kinh doanh: 2.390.000

11. TK Phải trả cho người bán: 200.000

12. TK Phải trả cho người LĐ: 32.000

13. TK Phải trả, phải nộp khác: 10.000

14. TK Vay dài hạn 250.000

15. TK Quỹ đầu tư phát triển 200.000

16. TK Nguồn vốn XDCB 50.000

17. TK LN chưa phân phối 80.000

18. TK Thuế và Các khoản phải trả nhà nước: 8.000

Các TK khác có số dư bằng không hoặc không có số dư.

II. Các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong tháng 6/20XX:

1. Chủ sở hữu góp vốn bổ sung bằng tiền mặt: 200.000

2. Cán bộ nhân viên mua TSCĐ hữu hình bằng tiền tạm ứng: 15.000

3. Xuất tiền mặt trả lương cho công nhân viên: 30.000

4. Tạm giữ lương công nhân viên vắng mặt trong kỳ trả lương: 2.000

5. Xuất quỹ TM gửi vào tài khoản ngân hàng: 100.000 và trả nợ người bán: 50.000

6. Chuyển quỹ đầu tư phát triển sang nguồn vốn kinh doanh: 80.000

7. Khách hàng trả nợ tiền mua hàng kỳ trước bằng tiền mặt :150.000

8. Mua một thiết bị sản xuất chưa trả tiền cho người bán: 40.000

9. Xuất tiền mặt trả lương tạm giữ cho công nhân viên: 2.000

10. Chuyển tiền gửi ngân hàng trả nợ cho người bán: 90.000

11. Xuất tiền mặt trả nợ tiền vi phạm hợp đồng: 3.000 và nộp thuế: 8.000

12. Tạm ứng cho CNV đi mua nguyên vật liệu bằng tiền gửi ngân hàng: 70.000

13. Cán bộ công nhân viên nộp phạt bằng tiền mặt do kỳ trước làm mất mát tài sản của đơn vị: 3.000

14. Xuất tiền mặt chi hộ tiền điện thoại cho cán bộ của đơn vị: 2.000

15. Chuyển quỹ đầu tư phát triển sang nguồn vốn xây dựng cơ bản: 100.000

Yêu cầu:

1. Lập định khoản kế toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong kỳ 

2. Lập bảng đối chiếu số phát sinh các tài khoản 

3. Lập bảng cân đối kế toán cuối kỳ 

Bài 3: 

I. Số dư đầu tháng của một số TK và sổ chi tiết:

1. TK Nguyên liệu, vật liệu: 800.000, trong đó:

+ Sổ chi tiết VLA: SL:3000kg; ST: 600.000

+ Sổ chi tiết VLB: SL:2000kg ; ST:200.000

2. TK Phải trả cho người bán: 200.000, trong đó:

+ Phải trả cho doanh nghiệp X: 150.000

+ Phải trả cho doanh nghiệp Y: 50.000

3. TK tạm ứng: 200.000

+ Tạm ứng cho cán bộ D: 180.000

+ Tạm ứng cho cán bộ E: 20.000

Các TK khác có số dư bất kỳ, hoặc không có số dư 

II. Các nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh trong tháng:

1. Mua nguyên liệu A chưa trả tiền cho doanh nghiệp X:

- Giá mua nguyên liệu: 1000 kg*190 nghìn/kg

2. Chi phí vận chuyển số vật liệu trên phải trả cho doanh nghiệp vận tải Y: 10.000

3. Nguyên liệu A mua của doanh nghiệp X đã nhập đủ đủ kho.

4. Mua vật liệu B trả bằng TGNH, giá mua vật liệu B: 800kg*95 nghìn/kg

5. Chi phí vận chuyển, bốc dỡ vật liệu B mua ở trên đã chi bằng tiền mặt 2.800

6. Nhập kho đủ số vật liệu B mua về

7. Cán bộ D mua nguyên vật liệu bằng tiền tạm ứng:

- Nguyên liệu A: 500 kg* 200 nghìn/kg

- Vật liệu B: 500kg*100/kg

8. Chi phí vận chuyển nguyên vật liệu trên cán bộ D đã thanh toán bằng tiền tạm ứng: 9.000. Số chi phí vận chuyển đó phân bổ cho từng thứ vật liệu nhập kho theo khối lượng

9. Số nguyên vật liệu trên đã nhập đủ kho

10. Cán bộ D hoàn trả tiền mặt: 21.000

11. Xuất kho nguyên vật liệu dùng bao gói hàng hóa đem bán (tính theo đơn giá bình quân)

- Nguyên liệu A: 2.000 kg 

- Vật liệu B: 2.000 kg

12. Dùng TGNH trả nợ cho người bán:

- Doanh nghiệp X: 300.000

- Doanh nghiệp Y: 60.000

Yêu cầu:

1. Tính toán, lập định khoản kế toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong kỳ.

Bài 4:

Tại doanh nghiệp X, tháng 9/20XX có các tài liệu sau (đơn vị tính: ngđ)

I. Số dư đầu kỳ của một số TKKT như sau:

- TK hàng hóa: 400.000

- TK phải thu của khách hàng: 60.000

Trong đó:

+ Sổ chi tiết phải thu của công ty A: 40.000

+Sổ chi tiết phải thu của công ty B: 20.000

- TK tiền gửi ngân hàng: 500.000

- TK lợi nhuận chưa phân phối: 150.000

II. Các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong tháng như sau:

1. Xuất kho hàng hóa đem bán, giá vốn hàng xuất kho 250.000

2. Giá bán số hàng hóa trên là 320.000, công ty B chịu tiền mua hàng 

3. Chi phí vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa đem bán chi bằng tiền mặt hết: 5.000

4. Chi phí quản lý doanh nghiệp chi bằng tiền gửi ngân hàng hết :10.000

5. Tính lương phải trả cho nhân viên trong kỳ:

- Nhân viên bán hàng: 3.000

- Nhân viên quản lý doanh nghiệp: 5.000

6. Trích khấu hao tài sản cố định hữu  hình dùng ở bộ phận bán hàng: 5.000; bộ phận quản lý doanh nghiệp: 8.000

7. Kết chuyển giá vốn hàng xuất bán và doanh thu của số hàng hóa đã bán trong kỳ 

8. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tập hợp được trong kỳ, cuối kỳ kết chuyển hết cho hàng đã bán trong kỳ.

9. Xác định kết quả bán hàng trong kỳ.

Yêu cầu:

1. Tính toán, lập định khoản kế toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong kỳ 

2. Chứng từ sử dụng trong từng trường hợp 

Bải số 5: Tại công ty ABC quý I/20XX có tài liệu sau (đơn vị tính: trđ)

I. Số dư đầu kỳ của các TKKT như sau:

1. TK Tiền mặt  150

2. TK Tiền gửi ngân hàng 500

3. TK Hàng hóa 600

4. TK Tạm ứng (Sổ chi tiết Tạm ứng CB A:50)

5. TK Nguyên liệu, vật liệu 

(SCT vật liệu X: SL: 1000kg, ST: 1500)

(SCT vật liệu Y: SL: 500kg, ST: 500)

6. TK TSCĐ hữu hình: 15.000

7. TK Hao mòn TSCĐ 2.000

8. TK Vay ngắn hạn 1.000

9. TK Phải trả cho NLĐ 300

10. TK nguồn vốn kinh doanh 15.000

Các TK khác có số dư bằng không hoặc không có số dư 

II. Các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong quý I/20XX:

1. Xuất kho vật liệu dùng cho bao gói hàng đem bán, trong đó:

Vật liệu A: SL:800kg

Vật liệu B: SL:300 kg

2. Tính lương phải trả cho 

Nhân viên bán hàng: 20

Nhân viên quản lý doanh nghiệp: 30

3. Trích khấu hao TSCĐ dùng cho:

- Bộ phận bán hàng: 60

- Bộ phận quản lý doanh nghiệp: 80

4. Xuất kho hàng hóa đem bán, giá xuất kho:500

5. Giá bán số hàng hóa trên 800, khách hàng trả ngay bằng tiền mặt

6. Xuất tiền mặt chi tạm ứng cho cán bộ A đi mua hàng: 100

7. Xác định kết quả kinh doanh cuối kỳ 

Thông tin bổ sung:

- Đơn vị áp dụng tính giá hàng xuất kho theo phương pháp bình quân gia quyền 

- Giả định đơn vị không phải nộp bất kỳ khoản thuế nào 

- Không có sản phẩm làm dở đầu kỳ và cuối kỳ hạch toán 

1. Sử dụng các chứng từ kế toán thích hợp để phản ánh các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong kỳ.

2. Lập định khoản kế toán các nghiệp vụ phát sinh trong kỳ.

Bài 6:

Tại doanh nghiệp X, tháng 6/20XX có các tài liệu sau: (đơn vị: ngđ)

I. Số dư đầu kỳ của một số TKKT và các sổ chi tiết như sau:

- TK Hàng hóa: 700.000. Trong đó:

+ Sổ chi tiết hàng hóa A: SL 100; ST: 450.000

+ Sổ chi tiết hàng hóa B: SL 50; ST: 250.000

Các TKKT khác có số dư bất kỳ (xxx) hoặc không có số dư.

II. Các nghiệp vụ phát sinh trong kỳ 

1. Nhập kho hàng hóa mua ngoài, trị giá vốn thực tế của hàng mua nhập kho: 

- Hàng hóa A: Số lượng: 50; Số tiền: 240.000

- Hàng hóa B: Số lượng: 25; Số tiền: 125.000

2. Xuất kho hàng hóa đem bán, bao gồm:

- Hàng hóa A: Số lượng: 80

- Hàng hóa B: Số lượng 50 

(Trị giá vốn thực tế của hàng xuất kho tính theo giá bình quân)

Tổng giá bán của hàng hóa là: 765.000, khách hàng chưa trả tiền. Trong đó:

- Hàng hóa A:440.000

- Hàng hóa B:325.000

3. Chi phí vận chuyển, bốc dỡ số hàng hóa đem bán đã chi bằng tiền gửi ngân hàng: 13.000.

4. Chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ chi bằng tiền mặt hết: 15.300

5. Kết chuyển giá vốn hàng xuất bán, doanh thu của số hàng hóa đã bán 

6. Chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh trong kỳ phân bổ hết cho hàng hóa đã bán trong kỳ. Trong đó chi phí bán hàng phân bổ cho từng loại hàng bán ra theo tỷ lệ với số lượng hàng đã bán ra, chi phí quản lý doanh nghiệp phân bổ theo doanh thu bán hàng của từng loại hàng đã bán.

7. Xác định kết quả kinh doanh cuối kỳ.

Yêu cầu:

1. Tính toán, lập định khoản kế toán cho các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong kỳ 

2. Chứng từ sử dụng trong từng nghiệp vụ 


HƯỚNG DẪN GIẢI BÀI TẬP NGUYÊN LÝ KẾ TOÁN
Bài 1:

1.Lập định khoản kế toán các nghiệp vụ kế toán các nghiệp vụ phát sinh trong kỳ

1. Nợ TK 141       2.000

Có TK 111  2.000

Chứng từ sử dụng:

+ Đề xuất công tác

+ Dự toán chuyến đi công tác

+ Quyết định của giám đốc điều cử đi công tác

+ Lịch trình công tác

+ Giấy đề nghị tạm ứng

+ Phiếu chi

2. Nợ TK 111                                                                  70.000

Có TK 112 (chi tiết cho từng ngân hàng nếu có)  70.000

Chứng từ sử dụng:

Phiếu thu

Giấy lĩnh tiền mặt

3. Nợ TK 334                                                             47.000                                                         

Có TK 112 (mở chi tiết cho từng ngân hàng)  47.000

Chứng từ sử dụng:

+ Ủy nhiệm chi

4. Nợ TK 211   300.000

Có TK 3411      300.000

Chứng từ sử dụng:

+ Hóa đơn GTGT

+ ….

5. Nợ TK 112 (chi tiết cho từng ngân hàng)                  35.000

Có TK 131 (chi tiết cho từng đối tượng khách hàng)     35.000

Chứng từ sử dụng:

+ Giấy báo Có

+ Hóa đơn GTGT

+ Bảng kê (nếu có)

6. Nợ TK 111        1.000

Có TK 141     1.000

Chứng từ sử dụng:

+ Phiếu thu

7. Nợ TK 211         120.000

Có TK 411      120.000

Chứng từ sử dụng?

8. Nợ TK 331 (chi tiết cho người bán)  100.000

Có TK 341                                   100.000

+ Chứng từ sử dụng:

9. Nợ TK 334 (chi tiết nhân viên)   3.000

Có TK 141                             3.000

+ Chứng từ sử dụng:

10. Nợ TK 333             20.000

Nợ TK 341                80.000

Có TK 112       100.000

+ Chứng từ sử dụng:

2. Lập bảng đối chiếu số phát sinh

STT

Tên TK

Số dư đầu kì

Số phát sinh trong kì

Số dư cuối kỳ

 

 

Nợ

Nợ

Nợ

1

Tiền mặt

      111,000

 

           71,000

             2,000

             180,000

 

2

Tiền gửi ngân hàng

      800,000

 

           35,000

         217,000

             618,000

 

3

Phải thu của khách hàng

        40,000

 

                    -  

           35,000

                 5,000

 

4

Tạm ứng

          9,000

 

             2,000

             4,000

                 7,000

 

5

Nguyên liệu - Vật liệu

      200,000

 

                    -  

                    -  

             200,000

 

6

Tài sản cố định hữu hình

  2,000,000

 

         420,000

 

         2,420,000

 

7

Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn

 

      500,000

           80,000

         100,000

 

             520,000

8

Phải trả cho người bán

 

      300,000

         100,000

                    -  

 

             200,000

9

Phải trả cho người lao động

 

        50,000

           50,000

                    -  

 

                        -  

10

Vay và nợ thuê tài chính dài hạn

 

                 -  

                    -  

         300,000

 

             300,000

11

Thuế và các khoản phải nộp NSNN

 

        20,000

           20,000

                    -  

 

                        -  

12

Nguồn vốn kinh doanh

 

  2,290,000

                    -  

         120,000

 

         2,410,000

 

Tổng cộng

  3,160,000

  3,160,000

         778,000

         778,000

         3,430,000

         3,430,000

 3.Lập bảng cân đối kế toán cuối kỳ

Dưới đây là trích bảng cân đối kế toán (chỉ thể hiện số liệu các TK được nhắc đến trong đề bài)

Tài sản

Số đầu kỳ

Số cuối kỳ

Nguồn vốn

Số đầu kỳ

Số cuối kỳ

A- Tài sản ngắn hạn 

            1,160,000

   1,010,000

A- Nợ phải trả

 870,000

 1,020,000

I.Tiền và các khoản tương đương tiền

911,000

798,000

 I. Nợ ngắn hạn 

       870,000

              720,000

1. Tiền

               911,000

       798,000

 1. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 

       500,000

              520,000

….

              

     

 2. Phải trả cho người bán 

       300,000

              200,000

III. Các khoản phải thu dài hạn

49,000

12,000

 3.Phải trả cho người lao động 

         50,000

                         -  

1. Phải thu của khách hàng

                  40,000

           5,000

 4. Thuế và các khoản phải trả nhà nước

         20,000

                         -  

2.Phải thu ngắn hạn khác

9,000

7,000

 II. Nợ dài hạn 

                   -  

              300,000

IV. Hàng tồn kho

200,000

200,000

 1. Vay và nợ thuê tài chính dài hạn 

                   -  

              300,000

5. Nguyên liệu vật liệu

               200,000

       200,000

 B- Nguồn vốn chủ sở hữu 

 2,290,000

2,410,000 

 V.Tài sản ngắn hạn khác

-

 1. Nguồn vốn kinh doanh 

   2,290,000

          2,410,000

 

 

 

 

 

 

B- Tài sản dài hạn

            2,000,000

   2,420,000

 

 

 

I. Tài sản cố định

 

 

 

 

 

1. Tài sản cố định hữu hình

            2,000,000

   2,420,000

 

 

 

Tổng cộng Tài sản

            3,160,000

   3,430,000

 Tổng cộng nguồn vốn 

   3,160,000

          3,430,000

 Bải 2:

1.     Nợ TK 111   200.000

Có TK 411    200.000

Chứng từ sử dụng:

2.     Nợ TK 211    15.000

Có TK 141     15.000

Chứng từ sử dụng:

Giấy đề nghị tạm ứng

Hóa đơn GTGT

3.     Nợ TK 334  30.000

Có TK 111   30.000

Chứng từ sử dụng:

Phiếu chi

4.     Nợ TK 334      2.000

Có TK 3388     2.000

Chứng từ sử dụng:

5.     Nợ TK 112 (chi tiết cho ngân hàng)   100.000

Nợ TK 331 (chi tiết người bán)            50.000

Có TK 111                                              150.000

Chứng từ sử dụng:

Phiếu chi

Giấy nộp tiền

6.     Nợ TK 411    80.000

Có TK 414      80.000

7.     Nợ TK 111                                    150.000

Có TK 131 (chi tiết khách hàng)   150.000

Chứng từ sử dụng:

Phiếu thu

8.     Nợ TK 211                                  40.000

Có TK 331 (chi tiết người bán)   40.000

Chứng từ sử dụng:

Hóa đơn GTGT

9.     Nợ TK 338     2.000

Có  TK 111    2.000

Chứng từ sử dụng:

Phiếu chi

10.  Nợ TK 331    90.000

Có TK 112     90.000

Chứng từ sử dụng:

Giấy bảo Nợ của ngân hàng

11.  Nợ TK 333  3.000

Nợ TK 338  8.000

Có TK 111   11.000

Chứng từ sử dụng:

Phiếu chi

12.   Nợ TK 141 (chi tiết cho nhân viên nhận tạm ứng)  70.000

Có TK 112                                                                 70.000

Chứng từ sử dụng:

Giấy báo Nợ

13.  Nợ TK 111     3.000

Có TK 1368     3.000

Chứng từ sử dụng:

Phiếu thu

14.Nợ TK 1368 (chi tiết cho nhân viên)  2.000

Có TK 111                                                2.000

Chứng từ sử dụng:

Phiếu chi

14.   Nợ TK 414  100.000

Có TK 441   100.000

Chứng từ sử dụng:

 II. Lập bảng đối chiếu số phát sinh (đvt: 1000 đồng)

STT

Tên TK

Số dư đầu kỳ

Số phát sinh trong kỳ

Số dư cuối kỳ

 

 

Nợ

Nợ

Nợ

1

TK Tiền mặt

           50,000

 

      353,000

     195,000

         208,000

 

2

TK TGNH

         500,000

 

      100,000

     160,000

         440,000

 

3

TK Phải thu của khách hàng

         200,000

 

              -  

     150,000

           50,000

 

4

TK Tạm ứng

           20,000

 

        70,000

       15,000

           75,000

 

5

TK Nguyên liệu, vật liệu

         700,000

 

              -  

             -  

         700,000

 

6

TK Thành phẩm

           40,000

 

              -  

             -  

           40,000

 

7

TK Phải thu khác

           10,000

 

          2,000

         3,000

             9,000

 

8

TK TSCĐ hữu hình

       2,000,000

 

        55,000

             -  

       2,055,000

 

9

TK Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn

 

         300,000

              -  

             -  

 

         300,000

10

TK Nguồn vốn kinh doanh

 

       2,390,000

              -  

     280,000

 

       2,670,000

11

TK Phải trả cho người bán

 

         200,000

      140,000

       40,000

 

         100,000

12

TK Phải trả cho người lao động

 

           32,000

        32,000

             -  

 

                 -  

13

TK Phải trả, phải nộp khác

 

           10,000

          5,000

         2,000

 

             7,000

14

TK Vay và nợ thuê tài chính dài hạn

 

         250,000

              -  

             -  

 

         250,000

15

TK Quỹ đầu tư phát triển

 

         200,000

      180,000

             -  

 

           20,000

16

TK Nguồn vốn xây dựng cơ bản

 

           50,000

              -  

     100,000

 

         150,000

17

TK LN chưa phân phối

 

           80,000

              -  

             -  

 

           80,000

18

TK Thuế và CKPTNN

 

             8,000

          8,000

             -  

 

                 -  

 

Tổng cộng

       3,520,000

       3,520,000

      945,000

     945,000

       3,577,000

       3,577,000

 III. Lập bảng cân đối kế toán

Bảng cân đối kế toán dưới đây chỉ thể hiện các TK được nhăc đến trong bài tập, do vậy đây là bảng CĐKT đã được lược bớt từ mẫu bảng B01 theo TT200/2014/TT-BTC.

Tài sản

Số đầu kỳ

Số cuối kỳ

Nguồn vốn

Số đầu kỳ

Số cuối kỳ

A- Tài sản ngắn hạn

 1,520,000

       1,522,000

 C. Nợ ngắn hạn 

          550,000

         407,000

I. Tiền và các khoản tương đương tiền

    550,000

          648,000

 1. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 

            300,000

           300,000

1. Tiền

      550,000

           648,000

 2. Phải trả người bán ngắn hạn 

            200,000

           100,000

II. Đầu tư tài chính ngắn hạn

              -  

                   -  

 3. Thuế và các khoản phải nộp NN 

               8,000

                   -  

III. Các khoản phải thu ngắn hạn

    230,000

          134,000

 4. Phải trả người lao động 

             32,000

                   -  

1. Phải thu ngắn hạn của KH

      200,000

             50,000

 5. Phải trả ngắn hạn khác

             10,000

              7,000

2. Phải thu ngắn hạn khác

        30,000

             84,000

 …

 

 

IV. Hàng tồn kho

    740,000

          740,000

 II. Nợ dài hạn 

          250,000

         250,000

1.Hàng tồn kho

      740,000

           740,000

 1. Vay và nợ thuê tài chính dài hạn 

            250,000

           250,000

V. Tài sản ngắn hạn khác

              -  

                   -  

 ….

 

 

B- Tài sản dài hạn

 2,000,000

       2,055,000

 D. Vốn chủ sở hữu 

       2,720,000

      2,920,000

I. Các khoản phải thu dài hạn

 

 

 1. Vốn góp của chủ sở hữu 

         2,390,000

        2,670,000

II. Tài sản cố định

 2,000,000

       2,055,000

 2. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 

             80,000

            80,000

1. Tài sản cố đinh hữu hình

    2,000,000

         2,055,000

 3. Nguồn vốn đầu tư XDCB

             50,000

           150,000

 

 

 

 4. Quỹ đầu tư phát triển

            200,000

            20,000

 

 

 

 

 

Tổng cộng tài sản

 3,520,000

       3,577,000

 Tổng cộng nguồn vốn 

       3,520,000

      3,577,000

 Bải 3:

1.     Nợ TK 151 (chi tiết vật liệu A)       190.000

Có TK  331 (chi tiết người bán X)   190.000

Chứng từ sử dụng: Hóa đơn GTGT

2.     Nợ TK 621 (chi tiết vật liệu A) 10.000

Có TK 331 (doanh nghiệp vận tải Y)  10.000

Chứng từ sử dụng:

3.     Nợ TK 152 (chi tiết vật liệu A)   190.000

Có TK 151                                    190.000

Chứng từ sử dụng:

Phiếu nhập kho

Bảng kê kèm phiếu nhập kho

4.     Nợ TK 151 (vật liệu B)   76.000

Có TK 112                       76.000

Chứng từ sử dụng:

Giấy báo Nợ

5.     Nợ TK 621  2.800

Có TK 111  2.800

Chứng từ sử dụng:

Phiếu chi

6.Nợ TK 152 (vật liệu B) 76.000

Có TK 151                        76.000

Chứng từ sử dụng:

Phiếu nhập kho

Bảng kê kèm theo phiếu nhập

7.Nợ TK 151                 150.000

(chi tiết nguyên liệu A: 100.000

                    Vật liệu B: 50.000)

Có TK 141                                   150.000

Chứng từ sử dụng: Giấy đề nghị tạm ứng

8.  Nợ TK 621          9.000

Có TK 141                 9.000

Chứng từ sử dụng

9. Nợ TK 152               150.000                     

(chi tiết nguyên liệu A: 100.000

                    Vật liệu B: 50.000)

Có TK 151                                  150.000

Chứng từ sử dụng:

Phiếu nhập kho

Bảng kê phiếu nhập

10. Nợ TK 111                     21.000

Có TK 141 (chi tiết cán bộ C) 21.000

Chứng từ sử dụng:

Phiếu thu

11. Xuất kho nguyên vật liệu dùng bao gói hàng hóa (tính theo đơn giá bình quân)

Ta có: Khối lượng NVL A: 3.000+1.000+500=4.500 (kg)

Số tiền: 600.000+190.000+10.000+100.000+900/(500+500) x 500 = 904.500

Giá trị NVL A xuất kho: 904.500*2000/4.500= 402.000

*) Khối lượng NVL B: 2.000+800+500=3.300

Số tiền: 200.000+78.800+ 54.500=333.300

Giá trị NVL B xuất kho là: 333.300*2000/3300=202.000

Nợ TK 621           604.000

(chi tiết NVL A : 402.000

             NVL B:   202.000)

Có TK 152       604.000

Chứng từ sử dụng:

Phiếu xuất kho

12. Nợ TK 331         360.000

(chi tiết người bán X: 300.000

Người bán Y: 60.000)

Có TK 112                  360.000

Chứng từ sử dụng: Giấy báo Nợ

Bài 4:

1. Định khoản

1. Nợ TK 632           250.000

Có TK 156         250.000

Chứng từ sử dụng:

Phiếu xuất kho kèm bảng kê

2. Nợ TK 131 (cty B)    352.000

Có TK 511              320.000

Có TK 3331                     32.000

Chứng từ sử dụng:

Hóa đơn GTGT

3. Nợ TK 641  5.000

Có TK 112      5.000

Chứng từ sử dụng:

Giấy báo Nợ

4. Nợ TK 642    10.000

Có TK 112         10.000

Chứng từ sử dụng:

Giấy báo Nợ

5.Nợ TK 641      3.000

   Nợ TK 642      5.000

Có TK 334                8.000

Chứng từ sử dụng:

6.Nợ TK 641     5.000

   Nợ TK 642     8.000

Có TK 214     13.000

Chứng từ sử dụng:

7.Kết chuyển giá vốn:

Nợ TK 911   250.000

Có TK 632       250.000

Kết chuyển doanh thu:

Nợ TK 511       352.000

Có TK 911        352.000

8. Nợ TK 91136.000

Có TK 641  13.000

        Có TK 642           23.000

9. Nợ TK 911              66.000

Có TK 421         66.000

Bài 6:

1. Nợ TK 156   365.000

(Chi tiết hàng hóa A: 240.000

Hàng hóa B: 125.000)

Có TK 331    365.000

2. Giá trị hàng hóa A xuất kho: (450.000+240.000)*80/(100+50)=368.000

Giá trị hàng hóa B xuất kho: (250.000+125.000)*50/(50+25)=250.000

a.Nợ TK 632            618.000

(Chi tiết hàng hóa A: 368.000

              Hàng hóa B: 250.000)

Có TK 156                 618.000

b. Nợ TK 131    765.000        

Có TK 3331      70.000

Có TK 511        695.000

(Chi tiết HH A: 400.000

               HH B: 295.000)

3. Nợ TK 641   13.000

Có TK 112        13.000

4. Nợ TK 642            15.300

Có TK 111        15.300

5.

a.Nợ TK 911            618.000

Có TK 632         618.000

b. Nợ TK 511            695.000

Có TK 911          695.000

6.Chi phí bán hàng phân bổ cho từng loại hàng bán ra theo tỷ lệ với số lượng hàng đã bán ra.

Chi phí bán hàng phân bổ cho hàng hóa A: 13.000*80/(80+50)=8.000

Chi phí bán hàng phân bổ cho hàng hóa B: 13.000-8.000=5.000

Nợ TK 911                13.000

(Chi tiết hàng hóa A: 8.000

              Hàng hóa B: 5.000)

Có TK 641               13.000

*)Chi phí quản lý doanh nghiệp phân bổ theo doanh thu bán hàng của từng loại hàng đã bán:

Chi phí quản lý doanh nghiệp phân bổ cho hàng hóa A: 15.300*440.000/(440.000+325.000)=8.800

Chi phí quản lý doanh nghiệp phân bổ cho hàng hóa B: 15.300-8.800=6.500

Nợ TK 911       15.300

(Chi tiết HH A: 8.800

              HH B: 6.500)

Có TK 642         15.300

7.Nợ TK 911         48.700

Có TK 421     48.700

Bài 5:

I.                   Định khoản

1.     Giá trị vật liệu A xuất kho: 1.500*800/1.000=1.200

Giá trị vật liệu Y xuất kho: 500*300/500=300

Nợ TK 621      1.500

Có TK 152       1.500

(Chi tiết NVL A: 1.200

               NVL B : 300)

Chứng từ sử dụng: Phiếu xuất kho; Bảng kê

2.Nợ TK 641             20

    Nợ TK 642            30

Có TK 334        50

Chứng từ sử dụng:

3.Nợ TK 641           60

Nợ TK 642            80

Có TK 214      140

Chứng từ sử dụng:

Bảng tính và trích KH TSCĐ

4.Nợ TK 632                 500

Có TK 156           500

Chứng từ sử dụng : Phiếu xuất kho

5.Nợ TK 131              800

Có TK 3331      73

Có TK 511        727

Chứng từ sử dụng:

6. Nợ TK 141 (cán bộ A)                 100

Có TK 111                             100

7.Xác định kết quả kinh doanh

Kết chuyển doanh thu:

Nợ TK 511         727

Có TK 911          727

Kết chuyển giá vốn:

Nợ TK 911        500

Có TK 632        500

Kết chuyển chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp:

a.Nợ TK 911               190

Có TK 641              80

Có TK 642            110

b.Nợ TK 911                 37

Có TK 421            37

 

Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết:

- Tầm quan trọng của Kế toán. 



Gửi thông tin tư vấn

Họ tên(*)
Số điện thoại(*)
Email(*)
Địa chỉ
Yêu cầu tư vấn