Tại điều 25
thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 quy định về ấn định thuế đối với trường
hợp người nộp thuế theo phương pháp kê khai vi phạm pháp luật thuế như sau:
Điều 25. Ấn định thuế đối với trường
hợp người nộp thuế nộp thuế theo phương pháp kê khai vi phạm pháp luật thuế
1. Cơ quan
thuế có quyền ấn định số tiền thuế phải nộp nếu người nộp thuế vi phạm trong
các trường hợp sau:
a) Không
đăng ký thuế theo quy định tại Điều 22 của Luật Quản lý thuế;
b) Không nộp
hồ sơ khai thuế trong thời hạn 10 (mười) ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ
sơ khai thuế hoặc ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định;
c) Không bổ
sung hồ sơ khai thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế hoặc đã bổ sung hồ
sơ khai thuế nhưng không đầy đủ, trung thực, chính xác các căn cứ tính thuế để
xác định số thuế phải nộp;
d) Không
xuất trình tài liệu kế toán, hóa đơn, chứng từ và các tài liệu liên quan đến việc
xác định các yếu tố làm căn cứ tính thuế khi đã hết thời hạn kiểm tra thuế,
thanh tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế;
đ) Trường
hợp kiểm tra thuế, thanh tra thuế, có căn cứ chứng minh người nộp thuế hạch
toán kế toán không đúng quy định, số liệu trên sổ kế toán không đầy đủ, không
chính xác, trung thực dẫn đến không xác định đúng các yếu tố làm căn cứ tính số
thuế phải nộp;
e) Có dấu
hiệu bỏ trốn hoặc phát tán tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thuế;
g) Đã nộp
hồ sơ khai thuế cho cơ quan quản lý thuế nhưng không tự tính được số thuế phải
nộp.
2. Ấn định
từng yếu tố liên quan đến việc xác định số thuế phải nộp
Người nộp thuế theo phương pháp kê khai bị ấn định
từng yếu tố liên quan đến việc xác định số thuế phải nộp trong các trường hợp
sau:
a) Trường hợp kiểm tra thuế, thanh tra thuế có căn
cứ chứng minh người nộp thuế hạch toán kế toán không đúng quy định, số liệu
trên sổ kế toán không đầy đủ, không chính xác, trung thực dẫn đến không xác định
đúng các yếu tố làm căn cứ tính số thuế phải nộp trừ trường hợp bị ấn định số
thuế phải nộp.
b) Qua kiểm tra hàng hoá mua vào, bán ra thấy người
nộp thuế hạch toán giá trị hàng hoá mua vào, bán ra không theo giá thực tế
thanh toán phù hợp với thị trường.
Cơ quan thuế có thể tham khảo giá hàng hoá, dịch vụ
do cơ quan quản lý nhà nước công bố cùng thời điểm, hoặc giá mua, giá bán của
các doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành nghề, cùng mặt hàng hoặc giá bán của
doanh nghiệp kinh doanh cùng mặt hàng có qui mô kinh doanh và số khách hàng lớn
tại địa phương để xác định giá thực tế thanh toán phù hợp với thị trường làm căn
cứ ấn định giá bán, giá mua và số thuế phải nộp.
3. Đối với một số ngành nghề hoạt động kinh
doanh qua kiểm tra phát hiện sổ sách, kế toán, hoá đơn, chứng từ không đầy đủ
hoặc có vi phạm pháp luật về thuế hoặc có phát sinh bất hợp lý trong việc kê
khai, nộp thuế thì cơ quan thuế ấn định tỷ lệ giá trị gia tăng, tỷ lệ thu nhập
chịu thuế tính trên doanh
thu hoặc ấn định doanh thu, thu nhập chịu thuế. Việc ấn định doanh thu, thu nhập
để xác định số thuế phải nộp dựa trên một hoặc một số tiêu chí đã được xác định
rõ như chi phí thuê nhà, chi phí nhân công, chi phí khấu hao, chi phí nguyên
nhiên vật liệu...Việc ấn định này do Bộ Tài chính quy định cụ thể áp dụng đối với từng
ngành nghề, hoạt động kinh doanh trong từng thời kỳ.
4. Căn cứ ấn định thuế
Cơ quan thuế ấn định thuế đối với người nộp thuế
theo kê khai có vi phạm pháp luật thuế dựa vào một hoặc đồng thời các căn cứ
sau:
a) Cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế thu thập từ:
- Người nộp thuế khai báo với cơ quan thuế về
doanh thu, chi phí, thu nhập, số thuế phải nộp trong các kỳ khai thuế trước.
- Tổ chức, cá nhân có liên quan đến người nộp thuế.
- Các cơ quan quản lý Nhà nước khác.
b) Các
thông tin về:
b.1) Người
nộp thuế kinh doanh cùng mặt hàng, ngành nghề, cùng qui mô tại địa phương. Trường
hợp tại địa phương không có thông tin về mặt hàng, ngành nghề, qui mô của người
nộp thuế thì lấy thông tin của người nộp thuế kinh doanh cùng mặt hàng, ngành
nghề, cùng quy mô tại địa phương khác;
b.2) Số
thuế phải nộp bình quân của một số cơ sở kinh doanh cùng ngành nghề, cùng mặt
hàng tại địa phương. Trường hợp tại địa phương không có thông tin về một số cơ
sở kinh doanh cùng ngành nghề, cùng mặt hàng của người nộp thuế thì lấy số thuế
phải nộp bình quân của một số cơ sở kinh doanh cùng ngành nghề, cùng mặt hàng tại
địa phương khác.
c) Tài liệu
và kết quả kiểm tra, thanh tra còn hiệu lực.
5. Khi ấn định thuế, cơ quan thuế phải gửi Quyết định
ấn định thuế cho người nộp thuế theo mẫu số 01/AĐTH ban hành kèm theo Thông tư
này.
6. Thời hạn nộp thuế là 10 (mười) ngày kể từ ngày
cơ quan thuế ký Quyết định ấn định thuế. Trường hợp cơ quan thuế ấn định thuế với
số tiền thuế ấn định từ năm trăm triệu đồng trở lên, thời hạn nộp thuế là 30
(ba mươi) ngày kể từ ngày cơ quan thuế ký quyết định ấn định thuế.
Trường hợp sau khi cơ quan thuế ký quyết định ấn định
thuế, người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế của kỳ khai thuế hoặc lần khai thuế đã
bị ấn định thuế thì người nộp thuế vẫn thực hiện nộp thuế theo quyết định ấn định
thuế của cơ quan thuế.
Số thuế đã khai trong hồ sơ khai thuế nộp chậm sẽ
được cơ quan thuế ghi nhận là số phát sinh của kỳ khai thuế hoặc lần khai thuế
đó để làm cơ sở xác định việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế,
trừ trường hợp cơ quan thuế không chấp nhận số đã kê khai thì cơ quan thuế sẽ
có văn bản thông báo cho người nộp thuế biết.
Trường hợp người nộp thuế không đồng ý với số thuế
do cơ quan thuế ấn định thì người nộp thuế vẫn phải nộp số thuế đó, đồng thời có quyền yêu cầu cơ quan thuế giải
thích hoặc khiếu nại về việc ấn định thuế.
Xem thêm: Phân biệt giữa doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNDN