Tư vấn miễn phí | Email: contact@ngheketoan.edu.vn

Tổng quan về thuế


1. Tổng quan

1.1. Thuế là gì?

* Thuế là một khoản chi phí, doanh nghiệp luôn tìm mọi cách để giảm trừ nó.

Trên góc dộ quản lý nhà nước

* Thuế là một khoản nộp bắt buộc mà các thể nhân và pháp nhân có nghĩa vụ phải thực hiện đối với Nhà nước theo mức độ và thời hạn được pháp luật qui định, nhằm sử dụng cho mục đích công cộng.

- Thể nhân là một cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. 
-  Pháp nhân là một tổ chức đáp ứng đầy đủ 04 điều kiện theo điều 94 bộ Luật Dân sự: 

+ Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập, đăng ký hoặc công nhận;

+ Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;

+ Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó;

+ Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.

1.2. Vậy thì tại sao phải nộp thuế?

Tại DN thì sao?

- Đối với doanh nghiệp thuế là một khoản chi phí làm giảm lợi nhuận vì vậy doanh nghiệp luôn tìm cách giảm số tiền thuế phải nộp ở mức thấp nhất.

- Doanh nghiệp cũng như các cá nhân đều thu được lợi ích từ việc nộp thuế, nhưng lợi ích này không được đo đếm trực tiếp bằng tiền mà thông qua các cơ chế đầu tư của Ngân sách nhà nước cho việc sản xuất và cung cấp hàng hóa công cộng. Do vậy khoản tiền thuế doanh nghiệp nộp có thể coi là khoản chi trả cho các lợi ích này, từ an ninh quốc phòng, giáo dục, y tế, giao thông cho đến các lợi ích về môi trường, xã hội khác.

 - Nộp thuế là nghĩa vụ của mọi công dân, người trốn thuế có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Do tính chất bắt buộc này, cùng với việc số thuế phải nộp còn cao ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của doanh nghiệp, và sự không cân xứng giữa số tiền đã nộp với lợi ích mà doanh nghiệp thu được từ thuế, nhiều công ty đã và đang tìm cách né thuế, trốn thuế. 

Nhà nước thì sao?

- Ổn định ngân sách quốc gia: Nhà nước muốn tồn tại và duy trì thì cần phải có ngân sách. Và nguồn tài chính đó có thể nhận được bằng cách động viên một phần thu nhập từ xã hội thông qua hình thức: vay, quyên góp, bắt buộc đóng góp. Để có nguồn tài chính ổn định thì chỉ có thể bắt buộc đóng góp và coi thuế như nghĩa vụ của mỗi công dân thì việc thu thuế mới hiệu quả. Vì vay thì phải trả cả gốc lẫn lãi suất, người cho vay có thể cho vay hoặc từ chối và có quyền yêu cầu hoàn trả bất cứ lúc nào; quyên góp thì phải phụ thuộc vào khả năng tài chính và sự tự nguyện mà điều này lại rất khó thực hiện trên thực tế.

- Các khoản thu từ thuế vào ngân sách là để phục vụ cho chính lợi ích của công dân: Ngân sách nhà nước chỉ có một phần được dùng cho quản lý hành chính còn lại đều được Nhà nước sử dụng để phục vụ lợi ích cộng đồng như đã nói ở phần trên. Nên công dân có nghĩa vụ phải nộp tiền để được hưởng lợi ích.

- Ngoài ra, thuế còn chính là công cụ quan trọng để nhà nước điều tiết thị trường hướng dẫn tiêu dùng theo hướng tích cực, bảo vệ thị trường trong nước và đảm bảo cân bằng giữa các nhóm lợi ích trong xã hội bằng cách tăng thuế, giảm thuế hoặc miễn thuế.

Hành vi nộp thuế của người dân mang tính cụ thể, cá nhân và trực tiếp, còn sự thụ hưởng lợi ích từ chi tiêu của chính phủ mang tính trừu tượng công cộng và gián tiếp. Do đó, ngoài việc hành thu thuế thật tế nhị mà minh bạch, chính phủ cần phải công bố rõ ràng chương trình hành động của mình và tăng cường giáo dục ý thức công dân về nghĩa vụ nộp thuế ngay từ khi còn nhỏ. Như vậy, dânchúng mới ý thức được sự cần thiết của thuế, mới xem nộp thuế là một việc làm tự nhiên và cần thiết cho cuộc sống cộng đồng.


1.3. Địa điểm và thủ tục nộp thuế.

Căn cứ Điều 28 TT156/2013

1. Người nộp thuế thực hiện nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, vào ngân sách nhà nước

a) Thông qua ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và tổ chức dịch vụ theo quy định của pháp luật.

b) Tại Kho bạc Nhà nước;

c) Tại cơ quan thuế quản lý thu thuế;

d) Thông qua tổ chức được cơ quan thuế ủy nhiệm thu thuế;

Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và tổ chức dịch vụ theo quy định của pháp luật, Kho bạc nhà nước, cơ quan thuế quản lý thu thuế, tổ chức được cơ quan thuế ủy nhiệm thu thuế (gọi chung là cơ quan, tổ chức thu tiền thuế) có trách nhiệm bố trí địa điểm, phương tiện, cán bộ, công chức, nhân viên thu tiền thuế bảo đảm thuận lợi cho người nộp thuế nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt kịp thời vào ngân sách nhà nước.

2. Thủ tục nộp thuế

a) Người nộp thuế nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản hoặc bằng các hình thức điện tử khác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Cơ quan, tổ chức thu tiền thuế có trách nhiệm:

- Hướng dẫn cách lập chứng từ nộp tiền thuế cho người nộp thuế đối với từng hình thức nộp tiền.

- Xác nhận trên chứng từ nộp tiền thuế của người nộp thuế hoặc cấp chứng từ nộp tiền thuế cho người nộp thuế theo quy định.

Người nộp thuế phải ghi đầy đủ, chi tiết các thông tin trên chứng từ nộp tiền thuế hoặc cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan, tổ chức thu tiền thuế để ghi thông tin trên chứng từ nộp tiền do Bộ Tài chính quy định.

Tổ chức trả các khoản thu nhập chịu thuế TNCN khấu trừ thuế TNCN có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được tự in chứng từ khấu trừ để cấp cho cá nhân bị khấu trừ thuế. Việc in chứng từ khấu trừ được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về việc phát hành, sử dụng, quản lý chứng từ khấu trừ thuế TNCN tự in trên máy tính.

b) Cơ quan thuế mở tài khoản chuyên thu tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác theo quy định của pháp luật để tập trung các khoản thu ngân sách nhà nước (trừ trường hợp người nộp thuế được nộp trực tiếp tại Kho bạc nhà nước theo hướng dẫn của Bộ Tài chính). Cuối ngày làm việc, tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế ở tài khoản chuyên thu tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác phải chuyển nộp ngân sách nhà nước.

Người nộp thuế, cơ quan, tổ chức thu tiền thuế thực hiện nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt do cơ quan thuế quản lý vào tài khoản chuyên thu của cơ quan thuế mở tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác. Cơ quan, tổ chức thu tiền thuế có trách nhiệm hướng dẫn người nộp thuế thực hiện nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và các khoản thu khác vào ngân sách nhà nước theo đúng tài khoản hướng dẫn nêu trên.

Việc mở tài khoản chuyên thu của cơ quan thuế tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; quy trình nộp tiền qua tài khoản chuyên thu; quy trình thanh toán với ngân sách nhà nước; việc kế toán thuế đối với người nộp thuế và kế toán thanh toán tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã nộp vào ngân sách nhà nước từ tài khoản chuyên thu của cơ quan thuế mở tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng được thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính.

3. Kho bạc nhà nước nơi chủ đầu tư mở tài khoản giao dịch có trách nhiệm khấu trừ số thuế GTGT để nộp vào ngân sách nhà nước khi chủ đầu tư đến làm thủ tục thanh toán theo tỷ lệ quy định là 2% trên số tiền thanh toán khối lượng các công trình, hạng mục công trình xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, các khoản thanh toán từ nguồn ngân sách nhà nước cho các công trình xây dựng cơ bản của các dự án sử dụng vốn ODA thuộc diện chịu thuế GTGT (phần vốn đối ứng trong nước thanh toán tại Kho bạc Nhà nước cho các công trình xây dựng cơ bản của các dự án ODA). Kho bạc Nhà nước chưa thực hiện khấu trừ thuế GTGT đối với trường hợp chủ đầu tư làm thủ tục tạm ứng vốn khi chưa có khối lượng công trình, hạng mục công trình xây dựng cơ bản hoàn thành.

Các khoản thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản không có hợp đồng kinh tế như: thanh toán cho các công việc quản lý dự án do chủ đầu tư trực tiếp thực hiện; các khoản chi của ban quản lý dự án, chi giải phóng mặt bằng, chi đối với các dự án do dân tự làm,…; các khoản thanh toán đối với các công trình xây dựng cơ bản thuộc các dự án ODA, mà chủ đầu tư không thực hiện mở tài khoản và thanh toán qua Kho bạc Nhà nước; các khoản thanh toán vốn của các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng chi từ tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước mà Kho bạc Nhà nước không thực hiện kiểm soát chi; các trường hợp người nộp thuế chứng minh đã nộp đầy đủ tiền thuế vào ngân sách nhà nước thì không thuộc phạm vi khấu trừ thuế GTGT hướng dẫn tại Điều này.

Chủ đầu tư có trách nhiệm lập chứng từ thanh toán theo mẫu C2-02/NS “Giấy rút dự toán ngân sách” hoặc mẫu C3-01/NS “Giấy rút vốn đầu tư”, hoặc mẫu số C4-02/NS “ủy nhiệm chi chuyển khoản, chuyển tiền điện tử” ban hành kèm theo Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/1/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho hệ thống thông tin quản lý ngân sách và nghiệp vụ kho bạc (TABMIS) (sau đây gọi là chứng từ thanh toán) gửi Kho bạc nhà nước nơi mở tài khoản giao dịch để kiểm soát, thanh toán theo quy định hiện hành và bổ sung thêm việc kê khai chi tiết tên, mã số thuế, cơ quan thuế quản lý của đơn vị nhận thầu hoặc cơ quan quản lý thuế nơi phát sinh công trình (trường hợp nhà thầu có hoạt động xây dựng, lắp đặt khác tỉnh/thành phố với nơi nhà thầu đóng trụ sở chính), Kho bạc nhà nước hạch toán khoản thu (là Kho bạc nhà nước ngang cấp với cơ quan thuế quản lý nhà thầu hoặc Kho bạc nhà nước nơi có công trình trong trường hợp nhà thầu có hoạt động xây dựng, lắp đặt khác địa bàn tỉnh/thành phố với nơi nhà thầu đóng trụ sở chính) vào phần “nộp thuế” để Kho bạc nhà nước thực hiện khấu trừ thuế GTGT và hạch toán thu ngân sách nhà nước.

Sau khi Kho bạc nhà nước thực hiện kiểm soát và phê duyệt các chứng từ thanh toán cho các công trình xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, các dự án ODA thuộc diện chịu thuế GTGT, Kho bạc nhà nước thực hiện xác nhận trên chứng từ thanh toán, hạch toán thu ngân sách nhà nước đối với khoản thuế GTGT đã khấu trừ và chuyển chứng từ cho cơ quan thuế quản lý theo thông tin về cơ quan quản lý thu ghi trên chứng từ.

Căn cứ vào hồ sơ chứng từ thanh toán được phê duyệt, Kho bạc nhà nước thực hiện thanh toán cho nhà thầu (bằng tổng số thanh toán trừ đi số thuế GTGT phải khấu trừ). Kho bạc nhà nước trả 02 liên chứng từ thanh toán cho chủ đầu tư để chủ đầu tư trả 01 liên cho nhà thầu. Số thuế GTGT do Kho bạc nhà nước khấu trừ theo chứng từ thanh toán này được trừ vào số thuế GTGT phải nộp của người nộp thuế là đơn vị nhận thầu. Chủ đầu tư thực hiện theo dõi việc giao nhận chứng từ thanh toán giữa chủ đầu tư với các đơn vị nhận thầu.

Kho bạc nhà nước có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế đồng cấp trong việc khấu trừ thu thuế GTGT các công trình xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn, đồng thời hạch toán thu ngân sách nhà nước đối với số thuế GTGT đã khấu trừ theo nguyên tắc:

Công trình xây dựng cơ bản phát sinh tại địa phương cấp tỉnh nào, thì số thuế GTGT khấu trừ sẽ được hạch toán vào thu ngân sách của địa phương cấp tỉnh đó.

Đối với các công trình liên tỉnh thì chủ đầu tư phải tự xác định doanh thu công trình chi tiết theo từng tỉnh gửi Kho bạc nhà nước để khấu trừ thuế GTGT và hạch toán thu ngân sách cho từng tỉnh.

Riêng công trình phát sinh trong cùng tỉnh nhưng khác địa bàn huyện với nơi nhà thầu đóng trụ sở chính hoặc công trình phát sinh trên nhiều huyện (công trình liên huyện) thì Kho bạc nhà nước hạch toán thu ngân sách cho địa bàn nơi nhà thầu đóng trụ sở chính.

4. Đối với số tiền thuế nợ được gia hạn của người nộp thuế theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 31, căn cứ danh sách đề nghị của cơ quan thuế chuyển sang, Kho bạc nhà nước nơi chủ đầu tư mở tài khoản giao dịch có trách nhiệm khấu trừ để nộp vào ngân sách nhà nước khi chủ đầu tư đến làm thủ tục thanh toán. Số tiền thuế khấu trừ không vượt quá số tiền thuế nợ được gia hạn của người nộp thuế. Việc hạch toán số tiền thuế khấu trừ được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.

5. Đối với số tiền thuế GTGT phải thu hồi nộp ngân sách nhà nước (bao gồm trường hợp người nộp thuế tự phát hiện khai bổ sung và cơ quan thuế phát hiện qua thanh tra, kiểm tra) thì người nộp thuế nộp vào tài khoản thu hồi hoàn thuế GTGT (đối với hoàn thuế GTGT theo pháp luật thuế GTGT) và nộp vào tài khoản thu ngân sách nhà nước (đối với hoàn thuế GTGT nộp thừa khác theo quy định tại khoản 13 Điều 1 Luật số 21/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quản lý thuế).

6. Trường hợp thực hiện biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế

a) Thực hiện bằng hình thức trích chuyển tài khoản: Căn cứ vào Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế kèm theo Lệnh thu ngân sách nhà nước mẫu số 01/LT ban hành kèm theo Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 13/1/2013 của Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi bổ sung, Kho bạc nhà nước, ngân hàng nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng nơi người nộp thuế mở tài khoản có trách nhiệm trích chuyển tiền từ tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế để nộp ngân sách nhà nước.

b) Thực hiện bằng hình thức kê biên tài sản, bán tài sản của người nộp thuế bị cưỡng chế để thu đủ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thì cơ quan thực hiện cưỡng chế phải thực hiện các thủ tục kê biên, bán tài sản theo quy định để thu đủ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp vào ngân sách nhà nước.

7. Trong thời hạn 08 (tám) giờ làm việc, kể từ khi thu tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế, cơ quan, tổ chức thu tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp toàn bộ số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã thu vào ngân sách nhà nước theo đúng tài khoản hướng dẫn tại điểm b khoản 2 Điều này. Trường hợp thu tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt bằng tiền mặt tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng đi lại khó khăn, thời hạn chuyển toàn bộ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt vào ngân sách nhà nước chậm nhất không quá 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày thu được tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

Trường hợp thu tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt bằng điện tử trong ngày làm việc thì ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng nơi thu tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt bằng điện tử chuyển nộp ngay vào ngân sách nhà nước theo đúng tài khoản hướng dẫn tại điểm b khoản 2 Điều này. Trường hợp thu tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt bằng điện tử ngoài thời gian làm việc thì ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng nơi thu tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt bằng điện tử chuyển nộp vào ngân sách nhà nước vào đầu ngày làm việc tiếp theo.

1.4. Phân loại thuế.

* Dưới góc độ của nhà nước

1.4.1. Căn cứ vào đối tượng chịu thuế.

Gồm có:

Thuế thu nhập 

Thuế tiêu dùng

Thuế tài sản 

1.4.2. Căn cứ vào phương thức đánh thuế.

Gồm có:

Thuế trực thu 

Thuế gián thu 

1.4.3. Căn cứ vào mối liên hệ giữa thuế với thu nhập.

Gồm có

Thuế lũy tiến

Thuế tỷ lệ (trung lập)

Thuế lũy thoái

* Dưới góc độ DN có 3 sắc thuế lớn cần quan tâm?

- Thuế Giá trị gia tăng

- Thuế thu nhập cá nhân

- Thuế thu nhập doanh nghiệp

1.5. Ngoài thuế Nhà nước còn quy định thu thêm gì nữa?

Trong nguồn thu ngân sách của Nhà nước thì thuế, phí và lệ phí chiếm tỷ lệ lớn (hơn 80%). Thu ngân sách nhà nước là thu bắt buộc, chủ yếu thông qua thuế. Vậy thì phí và lệ phí là những khoản gì chúng ta cùng đi tìm hiểu nhé!

- Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ được quy định trong Danh mục phí do Nhà nước quy định.

- Lệ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước hoặc tổ chức được uỷ quyền phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy định trong Danh mục lệ phí do Nhà nước quy định.

Ai là người có thẩm quyền thu phí và lệ phí?

-Phí: tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ có trong danh mục pháp lệnh phí và lệ phí

-Lệ phí: cơ quan tổ chức cá nhân được nhà nước ủy quyền

So sánh phí và lệ phí

*Giống nhau:

+ Đều là khoản thu chủ yếu và thường xuyên cho ngân sách nhà nước

+ Gắn với quyền lực nhà nước mang tình pháp lý cao

+ Là công cụ quản lý điều hành xã hội của Nhà nước

*Khác nhau:

+ Về tính chất động viên: Thuế không có tính hoàn trả trực tiếp, phí và lệ phí có đối khoản cụ thể.

+ Về mục đích sử dụng: Thuế và lệ phí không gắn với mục đích sử dụng cụ thể. Phí thường có mục đích sử dụng rõ ràng

1.6. Quản lý thuế

Tại sao DN cần quan tầm đến luật quản lý thuế?

- Xuất phát từ vai trò và mục đích của luật quản lý thuế, việc doanh nghiệp theo dõi luật quản lý thuế vừa là nghĩa vụ và cũng là lợi ích của doanh nghiệp. Luật quản lý thuế quy định về kê khai, tính thuế, hồ sơ thuế cần thiết, thời hạn nộp thuế giúp doanh nghiệp nắm được trình tự, thủ tục cần thiết khi kê khai, tính thuế, nộp thuế cho ai và ở đâu.

Luật 71, TT 156

1.6.1. Khái niệm về quản lý thuế

Quản lý thuế là quá trình hoạch định kế hoạch thuế cũng như chương trình mục tiêu, tổ chức thực hiện, chỉ đạo và kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện so với mục tiêu đề ra, phát hiện những sai sót và gian lận để uốn nắn, chỉnh sửa trong công tác quản lý ở những kỳ tiếp theo.

+ Chủ thể quản lý:

Chủ thể trực tiếp là các tổ chức, cơ quan nhà nước tham gia trực tiếp vào quá trình hoạch định, tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra quá trình dịch chuyển của dòng thuế, bao gồm: Bộ tài chính, Tổng cục thuế, Tổng cục hải quan, Kho bạc nhà nước, Quốc hội, UBND, HĐND các cấp, Hội đồng tư vấn thuế xã phường.

Chủ thể gián tiếp là các tổ chức, cơ quan nhà nước tham gia gián tiếp vào quá trình hoạch định, tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra công tác đăng ký, kê khai, tính thu nộp, quyết toán và kiểm, kiểm tra. Bao gồm: các cơ quan Nhà nước có chức năng phối hợp với cơ quan thuế trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thuế, phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong việc quản lý thuế;

+ Đối tượng bị quản lý:

Người nộp thuế là tổ chức, cá nhân (gọi tắt là người nộp thuế) có trách nhiệm nộp tiền thuế cũng như nộp các khoản thu khác (gọi tắt là thuế) vào NSNN do cơ quan quản lý thu, người nộp thuế được xác lập các quyền và nghĩa vụ cụ thể trong luật định.

+ Hình thức quản lý thu nộp:

Theo cơ chế quản lý chuyên quản, cán bộ thuế trực tiếp quản lý, hướng dẫn đối tượng kê khai, rồi tính thuế, ra thông báo thuế cho đối tượng nộp, theo hình thức này đối tượng thuế bị động, ỷ lại cho cơ quan thu, ít trau dồi kiến thức pháp luật thuế, chi phí thu tăng cao, hiệu quả hành thu thấp, tính rõ ràng, minh bạch trong quản lý thuế thấp. Ngược lại, theo cơ chế quản lý thu theo chức năng đối tượng nộp được tự khai, tự tính, tự nộp số tiền thuế theo luật định, cơ chế này khắc phục được các nhược điểm cơ bản của cơ chế chuyên quản, tuy nhiên đòi hỏi trình độ quản lý thuế phải được nâng cao, việc hiện đại hóa ngành thuế phải được đảm bảo, cơ sở hạ tầng thông tin phải tốt.

1.6.2. Nguyên tắc quản lý thuế

Mỗi cấp cơ quan quản lý nhà nước có nhiệm vụ khác nhau trong quản lý thuế.

Tuy nhiên, hoạt động quản lý thuế của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đều phải tuân theo các nguyên tắc nhất định.

- Tuân thủ pháp luật

- Đảm bảo tính hiệu quả

- Thúc đẩy ý thức tự tuân thủ của người nộp thuế

- Công khai minh bạch

- Tuân thủ và phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế


Để hiểu chi tiết hơn về các sắc thuế và hóa đơn, mời các bạn tham khảo các bài viết sau:

- Luật thuế Giá trị gia tăng

- Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp

- Luật thuế Thu nhập cá nhân

- Vai trò của thuế, kế toán thuế

- Các vấn đề về hóa đơn



Gửi thông tin tư vấn

Họ tên(*)
Số điện thoại(*)
Email(*)
Địa chỉ
Yêu cầu tư vấn