Tại điều 16, điều 17 thông tư 10/VBHN-BTC ngày 15 tháng 5 năm 2017 hướng dẫn về khai thuế và nộp thuế sử dụng
đất phi nông nghiệp như sau
Điều 16. Khai
thuế
1. Nguyên tắc khai thuế:
1.1. NNT có trách nhiệm khai chính xác vào Tờ khai
thuế các thông tin liên quan đến NNT như: tên, số CMT, mã số thuế, địa chỉ nhận
thông báo thuế; Các thông tin liên quan đến thửa đất chịu thuế như diện tích,
mục đích sử dụng. Nếu đất đã được cấp Giấy chứng nhận thì phải khai đầy đủ các
thông tin trên Giấy chứng nhận như số, ngày cấp, số tờ bản đồ, diện tích đất,
hạn mức (nếu có).
Đối với hồ sơ khai thuế đất ở của hộ gia đình, cá
nhân, UBND cấp xã xác định các chỉ tiêu tại phần xác định của cơ quan chức năng
trên tờ khai và chuyển cho Chi cục Thuế để làm căn cứ tính thuế.
Đối với hồ sơ khai thuế của tổ chức, trường hợp cần
làm rõ một số chỉ tiêu liên quan làm căn cứ tính thuế theo đề nghị của cơ quan
Thuế, cơ quan Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xác nhận và gửi cơ quan
Thuế.
1.2. Hàng năm, NNT không phải thực hiện khai lại nếu
không có sự thay đổi về NNT và các yếu tố dẫn đến thay đổi số thuế phải nộp.
Trường hợp phát sinh các sự việc dẫn đến sự thay đổi
về NNT thì NNT mới phải kê khai và nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại Thông
tư này trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày phát sinh các sự việc trên;
Trường hợp phát sinh các yếu tố làm thay đổi số thuế phải nộp (trừ trường hợp
thay đổi giá 1m² đất tính thuế) thì NNT phải kê khai và nộp hồ sơ khai thuế
trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày phát sinh các yếu tố làm thay đổi
số thuế phải nộp.
1.3. Việc kê khai tổng hợp thuế sử dụng đất phi nông
nghiệp chỉ áp dụng đối với đất ở.
Người nộp thuế thuộc diện phải kê khai tổng hợp theo
quy định tại Thông tư này thì phải thực hiện lập tờ khai tổng hợp và nộp tại
Chi cục Thuế nơi NNT đã chọn và đăng ký.
2. Khai thuế đối với một số trường hợp cụ thể
2.1. Đối với tổ chức:
NNT thực hiện kê khai và nộp hồ sơ khai thuế tại Chi
cục Thuế nơi có đất chịu thuế.
2.2. Đối với hộ gia đình, cá nhân:
a) Đối với đất ở.
a.1) Trường hợp NNT có quyền sử dụng đối với một (01)
thửa đất hoặc nhiều thửa đất tại cùng một quận, huyện nhưng tổng diện tích đất
chịu thuế không vượt hạn mức đất ở tại nơi có quyền sử dụng đất thì NNT thực
hiện lập tờ khai thuế cho từng thửa đất, nộp tại UBND cấp xã và không phải lập
tờ khai thuế tổng hợp.
Ví dụ 9: Ông Nguyễn Văn A có 2 thửa đất ở tại quận Ba
Đình thuộc thành phố Hà Nội, với diện tích đất ở cụ thể như sau:
- Thửa đất thứ nhất là 50m² (hạn mức 200m²);
- Thửa đất thứ hai là 50m² (hạn mức 100m²).
Trường hợp này, Ông A phải lập 2 Tờ khai thuế và nộp
cho UBND phường nơi có đất chịu thuế để kê khai riêng cho từng thửa đất; Ông A
không phải lập tờ khai thuế tổng hợp.
a.2) Trường hợp NNT có quyền sử dụng đất đối với
nhiều thửa đất ở tại các quận, huyện khác nhau nhưng không có thửa đất nào vượt
hạn mức và tổng diện tích các thửa đất chịu thuế không vượt quá hạn mức đất ở
nơi có quyền sử dụng đất thì NNT phải thực hiện lập tờ khai thuế cho từng thửa
đất, nộp tại UBND cấp xã nơi có đất chịu thuế và không phải lập tờ khai tổng
hợp thuế.
a.3) Trường hợp NNT có quyền sử dụng đất đối với
nhiều thửa đất ở tại các quận, huyện và không có thửa đất nào vượt hạn mức
nhưng tổng diện tích các thửa đất chịu thuế vượt quá hạn mức đất ở nơi có quyền
sử dụng đất: NNT phải thực hiện lập tờ khai thuế cho từng thửa đất, nộp tại
UBND cấp xã nơi có đất chịu thuế và lập tờ khai tổng hợp thuế nộp tại Chi cục
Thuế nơi NNT chọn để làm thủ tục kê khai tổng hợp.
Ví dụ 10:
Ông Nguyễn Văn C có 2 thửa đất ở tại quận Hoàn Kiếm
và huyện Ba Vì thuộc thành phố Hà Nội, cụ thể như sau:
- Thửa đất tại quận Hoàn Kiếm là 50m² (hạn mức 80m²);
- Thửa đất tại huyện Ba Vì là 170m² (hạn mức 200m²).
Ông Nguyễn Văn C thực hiện lập 2 tờ khai thuế để khai
riêng cho từng thửa đất và nộp Tờ khai thuế cho UBND phường nơi có đất chịu
thuế thuộc quận Hoàn Kiếm (thửa 50m²) và UBND xã nơi có đất chịu thuế thuộc
huyện Ba Vì (thửa 170m²); Đồng thời, Ông phải đăng ký, chọn 1 cơ quan thuế (Chi
cục Thuế) để làm thủ tục kê khai tổng hợp.
Nếu Ông C lựa chọn hạn mức đất ở tại quận Hoàn Kiếm
thì phải nộp Tờ khai tổng hợp tại Chi cục Thuế quận Hoàn Kiếm để làm thủ tục kê
khai tổng hợp.
Nếu Ông C lựa chọn hạn mức đất ở tại huyện Ba Vì thì
phải nộp Tờ khai tổng hợp tại Chi cục Thuế Ba Vì để làm thủ tục kê khai tổng
hợp.
a.4) Trường hợp NNT có quyền sử dụng đất đối với
nhiều thửa đất ở tại các quận, huyện khác nhau và chỉ có một (01) thửa đất vượt
hạn mức đất ở nơi có quyền sử dụng đất thì NNT phải thực hiện lập tờ khai thuế
cho từng thửa đất, nộp tại UBND cấp xã nơi có đất chịu thuế và phải lập tờ khai
tổng hợp tại Chi cục Thuế nơi có thửa đất ở vượt hạn mức.
Ví dụ 11:
Ông Nguyễn Văn B có 2 thửa đất ở tại quận Hai Bà
Trưng và huyện Gia Lâm thuộc thành phố Hà Nội, với diện tích đất ở cụ thể như
sau:
+ Thửa đất tại quận Hai Bà Trưng là 50m² (hạn mức
80m²);
+ Thửa đất tại huyện Gia Lâm là 200m² (hạn mức
150m²).
Ông Nguyễn Văn B phải thực hiện lập 2 tờ khai thuế để
khai riêng cho từng thửa đất và nộp Tờ khai thuế cho UBND phường nơi có đất chịu
thuế thuộc quận Hai Bà Trưng (thửa 50m²) và UBND xã nơi có đất chịu thuế thuộc
huyện Gia Lâm (thửa 200m²); Đồng thời thực hiện kê khai tổng hợp tại Chi cục
Thuế huyện Gia Lâm.
a.5) Trường hợp NNT có quyền sử dụng đất đối với
nhiều thửa đất ở tại các quận, huyện và có thửa đất vượt hạn mức đất ở nơi có
quyền sử dụng đất thì NNT phải thực hiện lập tờ khai thuế cho từng thửa đất và
nộp tại UBND cấp xã nơi có đất chịu thuế; đồng thời lựa chọn Chi cục Thuế nơi
có đất chịu thuế vượt hạn mức để thực hiện lập tờ khai tổng hợp;
a.6) Chậm nhất là ngày ba mươi mốt tháng 3 (31/3) của
năm dương lịch tiếp theo, NNT lập Tờ khai tổng hợp thuế theo mẫu số
03/TKTH-SDDPNN gửi Chi cục Thuế nơi NNT thực hiện kê khai tổng hợp và tự xác
định phần chênh lệch giữa số thuế phải nộp theo quy định với số thuế phải nộp
trên Tờ khai NNT đã kê khai tại các Chi cục Thuế nơi có đất chịu thuế.
b) Đối với đất SXKD phi nông nghiệp và đất phi nông
nghiệp quy định tại Điều 2 Thông tư này sử dụng vào mục đích kinh doanh.
Người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế tại Chi cục Thuế
nơi có đất chịu thuế hoặc tại tổ chức, cá nhân được cơ quan thuế ủy quyền theo
quy định của pháp luật.
2.3. Khai bổ sung hồ sơ khai thuế:
a) Trường hợp phát sinh các yếu tố làm thay đổi căn
cứ tính thuế dẫn đến tăng, giảm số thuế phải nộp thì NNT phải kê khai bổ sung
theo mẫu số 01/TK- SDDPNN hoặc mẫu số 02/TK-SDDPNN trong thời hạn ba mươi (30)
ngày kể từ ngày phát sinh các yếu tố đó;
b) Trường hợp phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ
quan thuế có sai sót, nhầm lẫn gây ảnh hưởng đến số thuế phải nộp thì NNT được
khai bổ sung.
Trường hợp đến sau ngày 31/3 năm sau mà người nộp
thuế mới phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai sót, nhầm lẫn
thì được khai bổ sung (khai cho cả Tờ khai thuế năm và Tờ khai tổng hợp) trong
năm đó.
Hồ sơ khai thuế bổ sung được nộp cho cơ quan thuế vào
bất cứ ngày làm việc nào.
Trường hợp NNT là tổ chức thì thời hạn nộp hồ sơ khai
thuế bổ sung phải trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra
thuế, thanh tra thuế tại trụ sở NNT.
Điều 17. Nộp thuế
1. Đối với hộ gia đình, cá nhân.
1.1. Căn cứ Tờ khai của NNT đã có xác nhận của cơ
quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan thuế tính, lập Thông báo nộp thuế theo mẫu
số 01/TB-SDDPNN ban hành kèm theo Thông tư này.
Chậm nhất là ngày 30 tháng 9 hàng năm, Cơ quan thuế
có trách nhiệm gửi Thông báo nộp thuế tới NNT.
Trong thời gian 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày
nhận được Thông báo nộp thuế của cơ quan thuế, NNT có quyền phản hồi (sửa chữa,
kê khai bổ sung) về các thông tin trên Thông báo và gửi tới nơi nhận hồ sơ khai
thuế. Cơ quan thuế có trách nhiệm trả lời trong vòng 10 ngày làm việc kể từ
ngày nhận được ý kiến phản hồi của NNT. Trường hợp NNT không có ý kiến phản hồi
thì số thuế đã ghi trên Thông báo được coi là số thuế phải nộp.
NNT có trách nhiệm nộp đủ tiền thuế vào ngân sách nhà
nước theo thời hạn quy định tại Khoản 3 Điều này.
1.2. Trường hợp thuộc diện kê khai tổng hợp:
Căn cứ Tờ khai tổng hợp, NNT phải nộp ngay số thuế
chênh lệch tăng thêm vào NSNN; Trường hợp phát sinh số tiền thuế nộp thừa thì
được xử lý theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi
hành.
2. Đối với tổ chức.
NNT có trách nhiệm tính và nộp tiền thuế sử dụng đất
phi nông nghiệp theo thời hạn quy định tại Khoản 3 Điều này.
3. Thời hạn nộp thuế.
3.1 Thời hạn nộp tiền thuế hàng năm chậm nhất là ngày
31 tháng 12 hàng năm. NNT được quyền lựa chọn nộp thuế một lần hoặc hai lần
trong năm và phải hoàn thành nghĩa vụ thuế chậm nhất là ngày 31 tháng 12 hàng
năm.
Thời hạn nộp tiền chênh lệch theo xác định của NNT
tại Tờ khai tổng hợp chậm nhất là ngày 31 tháng 3 năm sau.
3.2. Trường hợp trong chu kỳ ổn định 5 năm mà NNT đề
nghị được nộp thuế một lần cho nhiều năm thì hạn nộp thuế chậm nhất là ngày 31
tháng 12 của năm đề nghị.
3.3 Đối với trường hợp phát sinh các sự việc dẫn đến
sự thay đổi về NNT, người chuyển quyền sử dụng đất có trách nhiệm hoàn tất việc
nộp thuế vào NSNN nơi có đất chịu thuế trước khi thực hiện các thủ tục pháp lý;
Trường hợp thừa kế, nếu chưa hoàn tất việc nộp thuế vào NSNN thì người nhận
thừa kế có trách nhiệm hoàn tất việc nộp thuế vào NSNN.
4. Tổ chức thu, nộp thuế:
4.1. Căn cứ thời hạn nộp thuế theo qui định, NNT thực
hiện nộp tiền thuế, tiền phạt (nếu có) vào NSNN theo địa chỉ ghi trên Thông báo
nộp thuế của cơ quan Thuế.
4.2. Đối với đất ở của các hộ gia đình, cá nhân, Chi
cục Thuế có thể ủy nhiệm cho UBND cấp xã thực hiện thu thuế của NNT. Phạm vi ủy
nhiệm, trách nhiệm của cơ quan thuế và đơn vị ủy nhiệm thu thực hiện theo qui
định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
4.3. Sau khi nhận tiền thuế từ người nộp thuế, cơ
quan thuế hoặc tổ chức/cá nhân được cơ quan thuế ủy nhiệm thu thuế phải cấp
biên lai thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo mẫu qui định ban hành kèm
theo Thông tư này hoặc giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo mẫu quy định
của Bộ Tài chính cho người nộp thuế.
4.4. Cơ quan thuế phải theo dõi việc thực hiện nghĩa
vụ thuế của NNT.
Xem thêm:
Đối tượng chịu thuế và không chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp
Thủ tục Hải quan trong từng trường hợp