Tư vấn miễn phí | Email: contact@ngheketoan.edu.vn

Tổng quan về chuẩn mực kế toán Việt Nam


1. Hoàn cảnh ra đời của chuẩn mực kế toán Việt Nam
  Trước khi mở cửa hội nhập, Việt Nam không có chuẩn mực kế toán mà chỉ có chế độ kế toán. Chế độ kế toán là các quy định do doanh nghiệp Nhà Nước ban hành chủ yếu để hướng dẫn các doanh nghiệp Nhà Nước và Hợp tác xã thực hiện công tác kế toán.
- 1954 – 1970: Miền bắc Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều của hệ thống kế toán Trung Quốc với các chế độ kế toán quy định cách thức ghi chép các nghiệp vụ cho các đối tượng cụ thể (ví dụ Chế độ kế toán xí nghiệp công nghiệp và Chế độ kế toán kiến thiết cơ bản được ban hành năm 1957). Tại miền Nam, trong giai đoạn 1954 – 1975, hệ thống kế toán Pháp theo tổng hoạch đồ vẫn được các doanh nghiệp sử dụng. Lý do là mặc dù chi phối nhiều đến chính trị, quân sự và kinh tế nhưng Hoa Kỳ không đưa hệ thống quản lý của họ vào Việt Nam vì ảnh hưởng của các doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam còn rất lớn thời bấy giờ. 
- Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, hệ thống kế toán thống nhất 1970 được tiếp tục sử dụng trong cả nước cho đến khi Việt Nam tiến hành đổi mới. Trong xu hướng chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường được thể hiện trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), Nhà nước đã có nhiều thay đổi trong chính sách kế toán nhằm nâng cao tính pháp lý trong quản lý kinh tế như ban hành Pháp lệnh kế toán thống kê (1988). Trong thời gian này, đây là văn bản pháp lý cao nhất về kế toán và thống kê của Việt Nam. Hệ thống kế toán đầu tiên thể hiện hướng cải cách này được áp dụng năm 1990. Một số nội dung mới phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế mới phát sinh như chênh lệch tỷ giá đã được đưa vào kế toán thời kỳ này dù chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn ghi chép trên tài khoản.
- Quá trình thực hiện chính sách đa phương hóa về ngoại giao và kinh tế những năm sau đó thúc đẩy những đổi mới trong nhiều lĩnh vực. Luật Đầu tư nước ngoài đầu tiên được ban hành năm 1987 đã thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp mạnh mẽ vào Việt Nam cũng như sự du nhập của các hệ thống kế toán nước ngoài vào Việt Nam. Hoạt động kinh tế phong phú hơn với nhiều thành phần kinh tế và các giao dịch mới đòi hỏi phải có những thay đổi mạnh mẽ hơn nữa trong kế toán. 
- Năm 1995 Quyết định 1141 TC/QĐ/CĐKT về việc ban hành hệ thống Chế độ kế toán doanh nghiệp được áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế của Bộ Tài chính đã đáp ứng nhu cầu cần thiết trong giai đoạn phát triển này. Quyết định này gồm 4 nội dung cơ bản: Hệ thống tài khoản kế toán; Hệ thống báo cáo tài chính; Chế độ chứng từ kế toán; Chế độ sổ kế toán.
- Tuy nhiên, quá trình hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới lại tiếp tục đòi hỏi những bước cải cách mới trong kế toán. Năm 1995, Việt Nam nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) và những chuẩn bị cần thiết cho hệ thống kế toán Việt Nam được đặt ra cho Bộ Tài chính. Đến năm 2000 chứng kiến sự ra đời của thị trường chứng khoán Việt Nam đánh dấu bằng sự kiện khai trương Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP HCM ngày 20/7/2000. Sự ra đời của thị trường chứng khoán tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam có thêm một kênh thu hút vốn bằng việc đăng ký niêm yết tại các trung tâm mà sau này thành các sở giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, để có thể thu vốn được thì các doanh nghiệp phải có những báo cáo tài chính phản ánh trung thực và hợp lý tình hình tài chính của doanh nghiệp cũng như có khả năng so sánh được giữa các doanh nghiệp. Nhu cầu đó đòi hỏi sự ra đời của các chuẩn mực kế toán ở Việt Nam để thống nhất cách hạch toán kế toán của các doanh nghiệp. Được sự trợ giúp của EU, Việt Nam bắt đầu triển khai nghiên cứu và soạn thảo các chuẩn mực kế toán Việt Nam. Trong gần 7 năm sau đó, cho đến năm 2006, Việt Nam đã ban hành được 26 chuẩn mực kế toán Việt Nam trên nền tảng các chuẩn mực kế toán quốc tế của IASB (International Accounting Standards Board) Tổ chức tiêu chuẩn kế toán quốc tế. Các chuẩn mực được ban hành từng đợt dưới hình thức một quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính, mỗi đợt ban hành chuẩn mực kèm theo một thông tư hướng dẫn để áp dụng vào hệ thống tài khoản kế toán doanh nghiệp theo Quyết định 1141/TC/QĐ/CĐKT.
- Năm 2006, Bộ Tài chính ban hành Chế độ kế toán doanh nghiệp mới theo Quyết định 15/2006/QĐ-BTC tích hợp toàn bộ những yêu cầu của 26 chuẩn mực kế toán đã ban hành. Và đến năm 2014 Bộ tài chính đã ban hành thông tư 200 TT-BTC để thay cho quyết định 15 
2. Đôi nét về chuẩn mực kế toán Việt Nam
Theo khoản 1 điều 7, luật kế toán số 88/2015/QH13 thì “Chuẩn mực kế toán gồm những quy định và phương pháp kế toán cơ bản để lập báo cáo tài chính.”
Như vậy, các chuẩn mực kế toán là các văn bản tập hợp các nguyên tắc và phương pháp kế toán ở mức độ tổng quát để định hướng cho các doanh nghiệp trong việc ghi sổ kế toán các giao dịch của doanh nghiệp cũng như trong việc lập báo cáo tài chính.
Mục đích chung của việc soạn thảo và ban hành các chuẩn mực kế toán là để thống nhất hoạt động kế toán trong một phạm vi địa lý (đó có thể là trong một quốc gia, trong một khu vực  hay trên toàn cầu). 
Kết cấu của một chuẩn mực kế toán gồm các phần sau:
- Mục đích của chuẩn mực
- Phạm vi của chuẩn mực
- Các định nghĩa sử dụng trong chuẩn mực
- Phần nội dung chính gồm các nguyên tắc, các phương pháp, các yêu cầu về lập và trình bày báo cáo tài chính. 


Để hiểu rõ hơn về chuẩn mực kế toán Việt Nam, các bạn có thể tham khảo các bài viết sau:



Gửi thông tin tư vấn

Họ tên(*)
Số điện thoại(*)
Email(*)
Địa chỉ
Yêu cầu tư vấn