Bán hàng không lập hóa đơn có sao không?
Tình huống điển hình hiện
nay:
Bên nhà cung cấp bán hàng bắt buộc có thuế VAT nhưng khách
hàng mua của em lại không thấy VAT,
vậy phần chi phí này lấy về cứ bị lưu kho vậy thì có sao không ạ?
Nghề kế toán xin chia sẻ quan điểm về vấn đề này:
Căn cứ Luật kế toán, Chế độ kế toán theo quy định tại Thông tư 200/2014/TT-BTC, hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam.
a. Khi mua hàng, “Bên nhà cung cấp bán hàng bắt buộc có thuế VAT”, ví dụ tiền hàng là 20 triệu đồng (chưa bao gồm thuế GTGT 10%), em cần hạch toán:
Nợ Tk 156 = 20 trđ
Nợ TK 133 = 2 trđ
Có TK 331 = 22 trđ
b. Khi bán hàng cho người mua “em lại không thấy VAT” => có nghĩa là Doanh nghiệp của em đã không lập hóa đơn GTGT để phản ánh hoạt động bán hàng theo quy định tại Điều 8 Thông tư 219/2013/TT-BTC và Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC.
Việc này thể hiện rõ trên báo cáo tài chính là: Hàng tồn kho lớn, mua về nhưng không xuất bán. Đây là các dấu hiệu dễ dàng nhận thấy khi cơ quan thuế tiến hành thanh kiểm tra thuế tại doanh nghiệp. Cơ quan thuế có thể cho kiểm kê thực tế hàng tốn kho tại thời điểm thanh kiểm tra, toàn bộ giá trị hàng tồn kho “ảo” trên sổ sách. Nếu doanh nghiệp không giải trình được, doanh nghiệp “sẽ” bị coi là có hành vi “kê khai sai”, thậm chí, nếu hành vi này lặp đi lặp lại nhiều lần, sẽ bị coi là hành vi trốn thuế… Doanh nghiệp có thể bị phạt gấp 3 lần số thuế trốn. Thậm chí, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu cố tình trốn thuế, khi số thuế trốn từ 50 trđ trở lên (theo quy định tại Điều 161 Bộ Luật hình sự”)
Vậy nên “tình trạng tồn kho ảo” như vậy không tốt cho doanh nghiệp, em nhé! doanh nghiệp cần khẩn trương lập hóa đơn phản ánh hoạt động bán hàng, kể cả trường hợp khách hàng không lấy hóa đơn, doanh nghiệp vẫn phải lập hóa đơn theo quy định tại Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC. Ngoài ra, căn cứ vào thời hạn chậm nộp thuế, doanh nghiệp tự bổ sung kê khai thuê GTGT và tính phạt chậm nộp thuế theo quy định tại Thông tư 130/2016/TT-BTC (lãi phạt chậm nộp 0.03%/ngày).